'Nữ quyền phải bao nhiêu mới đủ?'

Quan niệm 'đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm', giới tính nào, công việc nấy, dường như ăn sâu vào tâm thức của rất nhiều người.

Vài năm trở lại đây, phong trào nữ quyền lan tỏa mạnh mẽ đến mức CNN khẳng định: “2018 là năm của nữ giới”, còn từ điển nổi tiếng nước Mỹ Merriam-Webster chọn từ “feminism” (nữ quyền) là “Từ của năm”.

Được nhiều người đề cập, xuất hiện dày đặc trên mặt báo, nhưng theo nhiều độc giả Zing.vn, nữ quyền chưa được tất cả mọi người hiểu đúng, hiểu đủ. Khái niệm này đôi lúc bị lạm dụng với mục đích sai lệch.

“Nữ quyền? Tôi không biết phải bao nhiêu quyền nữa mới là đủ với họ…" - độc giả Lucas Phạm tranh luận dưới bài viết ‘Bà ấy biết gì mà làm sếp’ - con ngáo ộp mang tên định kiến của PGS.TS Nguyễn Phương Mai, ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, đăng trên mục Sống trẻ của Zing.vn ngày 7/3.

Nữ quyền? Tôi không biết phải bao nhiêu quyền nữa mới là đủ với họ.

Nữ quyền? Tôi không biết phải bao nhiêu quyền nữa mới là đủ với họ.

'Nữ quyền' chính xác có nghĩa là gì?

Theo từ điển Cambridge, nữ quyền là niềm tin rằng nữ giới được trao các quyền, quyền lực, cơ hội giống như nam giới và được đối xử theo cùng một cách, hoặc tập hợp các hoạt động nhằm đạt được điều này.

Còn từ điển Oxford giải thích nữ quyền là sự ủng hộ quyền của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng giới.

Những cuộc biểu tình diễn ra cả trăm năm nay, kêu gọi "nữ quyền" chẳng qua là kêu gọi quyền bầu cử, quyền được làm việc, hạn chế xâm hại tình dục nơi công sở.

Nữ diễn viên người Anh Emma Watson, trong cương vị Đại sứ Liên Hợp Quốc, từng nói rằng nữ quyền không có nghĩa là phụ nữ ghét bỏ đàn ông mà là sự bình đẳng về quyền và cơ hội giữa nam và nữ.

Phụ nữ xứng đáng được thử sức, làm những điều mình thích mà không bị rào cản, định kiến về mặt giới tính.

Như vậy, nữ quyền tựu trung lại chính là việc xóa bỏ định kiến để đạt được bình đẳng giới.

Thế nhưng quan niệm "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", giới tính nào, công việc nấy, dường như ăn sâu vào tâm thức của rất nhiều người.

Cùng trong bài viết ‘Bà ấy biết gì mà làm sếp’ - con ngáo ộp mang tên định kiến của TS Nguyễn Phương Mai, nhiều độc giả dẫn lại lời "vua cà phê" Trung Nguyên nói về vợ mình trong phiên tòa xử ly hôn và nhấn mạnh phụ nữ cần làm tròn "thiên chức" của mình:

“Vợ phải ra vợ, chồng phải ra chồng. Trong suy nghĩ, chị em có bao giờ nghĩ là mình sẽ che chở, bảo bọc cho chồng con chưa? Chắc chắn là chưa. Vậy nên câu phái mạnh là nam, phái yếu là nữ là đúng”, độc giả có tên là Đạt viết.

Vài độc giả khác chỉ trích việc một số phụ nữ muốn nhận hơn là cho, đòi hỏi nhiều quyền nhưng chối bỏ trách nhiệm:

"Phụ nữ ngày nay lười biếng, đổ hết trách nhiệm chăm lo gia đình cho đàn ông. Họ lấy nữ quyền và con cái để làm bình phong cho sự lười nhác của mình”, độc giả Lucas Phạm bình luận.

Một độc giả khác cũng tán đồng quan điểm này. “Một người ở chiến trường, thì một người ở hậu phương, gia đình nào chẳng thế. Lúc vợ làm giám đốc đi sẽ hiểu cần một hậu phương vững chắc là thế nào”, người này viết.

‘Muốn xóa bỏ định kiến phụ nữ cần hành động’

Nhiều độc giả đưa nhận định rằng định kiến từ xã hội nhưng bản thân người phụ nữ cũng tự đặt gánh nặng cho mình. Trước khi xã hội có thể chuyển mình để làm mờ dần những định kiến đó, thì chính bản thân phụ nữ cần tự hành động để vượt qua.

Như PGS, TS Nguyễn Phương Mai đã đề cập trong bài viết: "Định kiến, do vậy, vừa là sự giả dối, vừa là sự thật. Nếu ta tin định kiến, ta sẽ biến bản thân thành nạn nhân, và tự tạo ra một sự thật đúng y chang như vậy.

Nếu ta phủ nhận định kiến và chứng minh ngược lại, ta sẽ trở thành một chiến binh góp phần thay đổi thực tế, dần dần biến cái thực tế ấy trở thành một sự thật chỉ còn tồn tại ở trong 'thì quá khứ'".

Thực tế, phụ nữ Việt Nam nói chung đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Theo báo cáo của tập đoàn tài chính Grant Thornton, tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam cao thứ 2 châu Á, sau Philippines.

Hay trong báo cáo về giới năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam nằm trong top 10 nước có tỷ lệ lãnh đạo nữ cao nhất châu Á. Năm 2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam.

“Mong là phụ nữ tập trung 100% trí lực vào công việc, bỏ qua những tự ti lo âu sao khó thế, đừng nghĩ việc này khó không làm được, mà cứ nghĩ là không có việc gì khó”, bạn đọc Nguyen Dinh khích lệ.

“Công ty mình sếp là nữ, nhân viên cũng có nữ. Không bao giờ có chuyện mình xem thường sếp hay đồng nghiệp", bạn Khánh Nguyễn viết.

“Nếu không muốn định kiến thì hãy hành động sao cho có kết quả tốt nhất, để cho người khác nhìn vào và tự suy ngẫm lại”, Ngô Thế Mẫn bày tỏ.

“Nếu không muốn định kiến thì hãy hành động sao cho có kết quả tốt nhất, để cho người khác nhìn vào và tự suy ngẫm lại”.

365 ngày có ngày nào dành riêng cho đàn ông?

Trong ngày Quốc tế Phụ nữ, bên cạnh vấn đề nữ quyền, định kiến, không ít bạn đọc còn tranh luận về vấn đề ngày nào trong năm mới thực sự dành riêng cho đàn ông.

"Ai trả lời giùm câu hỏi tại sao đàn ông phải kiếm tiền, phải trả mọi thứ tiền, phụ nữ thì được lấy chồng giàu, tới khi làm việc nhà thì bình đẳng, 365 ngày ngày nào là ngày đàn ông được nói lên tiếng nói của mình?", theo một bình luận thu hút 75 lượt thích, 15 lượt không thích và 9 phản hồi từ bạn đọc.

Một số người đồng tình trong khi số khác không nghĩ vậy. Độc giả Dat Vu viết: "Phụ nữ muốn lấy được chồng giàu thì phải có nhan sắc lẫn cái đầu mới được chứ chẳng lẽ có người ép đàn ông giàu phải lấy vợ thế này thế kia? 365 ngày chỉ có duy nhất 8/3 là ngày phụ nữ, thế chẳng phải tất cả những ngày còn lại là ngày đàn ông hay sao?"

Trên thực tế, không phải chỉ có ngày dành riêng cho phụ nữ mà còn có ngày Quốc tế Nam giới (19/11). Bắt đầu vào năm 1999 ở Trinidad và Tobago, Quốc tế Nam giới được Liên Hợp Quốc ủng hộ và hiện được công nhận tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ngày này ra đời không phải để “cạnh tranh” với ngày Quốc tế Phụ nữ mà chỉ là dịp tôn vinh những đóng góp của nam giới đối với nhân loại.

Tuy nhiên, nếu so với 8/3, ngày 19/11 vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người vì ít được đề cập hơn và các hoạt động kỷ niệm cũng không đa dạng, rầm rộ bằng.

Huệ Lâm (tổng hợp)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nu-quyen-phai-bao-nhieu-moi-du-post923388.html