Nữ phóng viên và bài báo xúc động về sự hy sinh thầm lặng của thầy cô

Tác phẩm 'Những người thầy ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò' đăng tải trên Báo Lao Động ngày 5/9/2018- đúng dịp Khai giảng năm học mới, đã gây xúc động với nhiều độc giả. Mới đây, tác phẩm này đã xuất sắc nhận Giải A- Giải Báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam' năm 2018.

Để hiểu thêm về tác phẩm này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Đặng Chung (đại diện nhóm tác giả: Đặng Chung, Văn Phú, Duy Hưng).

Được biết trước khi đến với nghề phóng viên chị từng trải qua nhiều công việc khác, thậm chí cũng từng “bén duyên” với nghề giáo. Sự rẽ ngang này có khiến chị gặp những bỡ ngỡ, khó khăn?

Đối với tôi, việc rẽ hướng đi làm báo là một cái duyên. Bởi từ nhỏ cho đến ngày rời giảng đường đại học tôi vẫn luôn tâm niệm sẽ chọn và gắn bó với nghề giáo. Nhưng sau hơn một năm làm giáo viên hợp đồng với mức lương 800.000 đồng/tháng và nhận thấy phải rất lâu nữa mới có thể có được một suất biên chế trong ngành giáo dục, tôi quyết định dừng lại.

Những người thầy hàng ngày đánh cá để cho học trò có những bữa cơm ngon thực sự làm người đọc xúc động (Ảnh: báo Lao động)

Tôi bắt đầu đến với nghề báo khi công tác tại Ban Thư ký tòa soạn của Báo Lao Động từ năm 2010 với công việc từ nhân viên đọc soát lỗi chính tả, đánh văn bản của tòa soạn báo giấy đến biên tập viên, rồi phóng viên của Báo Lao Động Online. Mỗi vị trí, mỗi công việc đã trải qua tại Báo Lao Động lại giúp tôi tích lũy thêm một chút kinh nghiệm và kiến thức. Năm 2017, khi bắt đầu được Ban Biên tập Báo Lao Động phân công làm phóng viên, lĩnh vực tôi phụ trách là văn hóa. Đến tháng 8/2017 thì chuyển hẳn sang theo dõi lĩnh vực giáo dục. Cảm xúc lúc đó là hạnh phúc, nhưng cũng vô cùng lo lắng. Lo lắng là bởi, trước một lĩnh vực mới, nhất là lĩnh vực được nhiều người quan tâm như giáo dục không biết bao giờ mình mới có thể bắt nhịp, cũng như đủ hiểu về lĩnh vực để chuyển tải thông tin đến bạn đọc.

Cũng may tôi nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều anh chị đi trước và quan trọng là mỗi ngày qua đi, làm một vấn đề mới trong giáo dục lại giúp tôi có thêm kiến thức và trưởng thành hơn. Việc nhận được Giải A Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2018 thực sự là một vinh dự lớn trong cuộc đời làm báo còn khá non trẻ của tôi. Đó không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực mà còn là lời nhắc nhở tôi cần cố gắng hơn nữa để tiếp nối truyền thống ở một tờ báo có bề dày thành tích như Báo Lao Động.

Tôi được biết bài báo này chị thực hiện trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, đó là trong lần trao quà cho học sinh ở Hòa Bình. Chị có nghĩ có sự ra đời của tác phẩm này là một cái duyên lớn của mình không?

Đúng là trong một hoàn cảnh đặc biệt. Tôi có kế hoạch viết về sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô của Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS xã Tân Dân (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) ở thời điểm dư luận cả nước đang sôi sục trước những vụ gian lận thi cử gây rúng động. Trực tiếp đi tác nghiệp tại một số địa phương xảy ra gian lận, giữa những thông tin dày đặc trên các phương tiện truyền thông phản ánh về vụ việc tiêu cực này, chúng tôi tiếp cận theo một hướng khác, cố đi tìm những tấm gương nhà giáo, những học sinh nỗ lực trong học tập tại những địa phương này.

Nhà báo Đặng Chung nhận Giải A- Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2018 (Ảnh: NVCC)

Bởi chúng tôi muốn truyền đi thông điệp rằng, những em có năng lực thật, kết quả thật trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La, hay Hòa Bình, Hà Giang hãy tự hào và yên tâm vào kết quả mà mình có. Kết quả học tập ấy không chỉ khẳng định các em là con người thế nào mà góp phần trả lời rằng đại đa số các học sinh ở Sơn La, Hà Giang hay Hòa Bình là những học sinh ngoan, tử tế và có ước mơ cao đẹp. Chỉ một bộ phận nhỏ gian lận và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy chế. Đa số giáo viên cũng vậy, thầy cô không ngừng cống hiến hết mình vì nghề, vì học trò và không mong nhận lại.

Vì mục đích đó, khi nghe kể về câu chuyện những người thầy đánh cá trên sông Đà do một người bạn kể lại khi có dịp đi thực tập tại huyện Mai Châu, chúng tôi đã tìm cách liên hệ với thầy Hà Mạnh Quyết - Hiệu trưởng trường Tân Dân và chuẩn bị cho chuyến đi của mình.

Cũng vì biết đây là điểm trường xa nhất của huyện Mai Châu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nên trước ngày lên đường, chúng tôi đã đi vận động được một số mạnh thường quân tài trợ sách vở, quần áo mới, bánh kéo để tặng học sinh và động viên giáo viên trong trường.

Chuyến đi tác nghiệp ấy hẳn sẽ để lại nhiều kỉ niệm khó quên với chị?

Ấn tượng đầu tiên của tôi là cung đường đến trường của những em nhỏ nơi đây. Trường Tân Dân nằm ở nơi đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu, biệt lập giữa vùng đồi núi do hồ thủy điện sông Đà chia cắt. Muốn đến Tân Dân chỉ có thể đi theo con đường độc đạo ngoằn ngoèo - một bên là núi, một bên là vực, men theo bờ lòng hồ thủy điện sông Đà - hoặc thuê thuyền, đi mất mấy tiếng để vào trong. Vậy mà hằng ngày những em nhỏ ở xã Tân Dân vẫn đi bộ hàng chục cây số để đến trường. Những học sinh nhà quá xa, trong diện ở nội trú thì cứ đến cuối tuần lại vượt vài chục cây số đường rừng để về với gia đình một đêm, rồi lại trở lại trường học tập.

Khi nghe giáo viên kể về hoàn cảnh, tấm gương nỗ lực vượt khó để đến trường học con chữ của những đứa trẻ vùng cao, nước mắt tôi cứ tuôn rơi. Đêm đầu tiên ở lại trường Tân Dân, tôi ở cùng phòng với một nữ giáo viên còn rất trẻ của trường. Cô kể về nghề, về việc đã khóc sưng mắt mấy ngày khi cầm quyết định phân công đến điểm trường xa nhất của huyện Mai Châu giảng dạy. Rồi thấm thoắt 2 năm trôi qua, gắn bó với những đứa trẻ vùng cao hiếu học, với những đồng nghiệp tốt bụng, cô đã coi mái trường Tân Dân là gia đình thứ hai từ bao giờ không biết.

Bài viết và phóng sự video được đăng tải trên Báo Lao Động đúng vào ngày 5/9, khi học sinh và giáo viên cả nước hân hoan bước vào năm học mới, đã truyền đi cảm xúc tích cực về sự hy sinh thầm lặng của thầy cô (Ảnh: báo Lao động)

Cô kể về trường bằng sự say mê, nhưng tôi hiểu cô đang giấu đi nỗi nhớ nhà, nhớ đứa con thơ vừa cai sữa mẹ để vào trường tiếp tục công việc. Suốt đêm hôm đó, tôi không ngủ được vì thương cô.

Những ngày sau đó, tận mắt chứng kiến những tình cảm của giáo viên nơi đây dành cho học trò của mình, tôi thực sự xúc động. Tất cả giáo viên của trường Tân Dân khi cắm bản để gieo con chữ đã phải xa gia đình, xa con. Chỉ cuối tuần vượt qua quãng đường đèo khó khăn để về chốc nhát, cho con đỡ quên mặt bố, rồi lại vội vã trở lại trường.

Và đặc biệt, thầy cô luôn coi học trò như con ruột thịt và tận tâm chăm sóc. Xót trò nghèo, bữa ăn chỉ có cơm trắng, cá khô, đêm đêm khi xếp lại trang giáo án, các thầy lặng lẽ đi đánh cá, cải thiện bữa ăn cho học trò.

Công việc này đã được các thế hệ thầy cô Trường Tân Dân duy trì 7 năm nay, mà người tiên phong, người truyền lửa cho các thầy cô khác làm công việc này - chính là thầy Hà Mạnh Quyết – Hiệu trưởng nhà trường. Chúng tôi đã ghi lại chân thực câu chuyện và những việc thầy cô trường Tân Dân đã làm vì học trò.

Bài viết và phóng sự video được đăng tải trên Báo Lao Động đúng vào ngày 5/9, khi học sinh và giáo viên cả nước hân hoan bước vào năm học mới, đã truyền đi thứ cảm xúc tích cực về sự hy sinh thầm lặng của thầy cô.

Có nhiều yếu tố để làm nên sự thành công của tác phẩm này ngoài việc đúng thời điểm, chủ đề xúc động, cách viết cuốn hút… thì không thể không nhắc đến công nghệ làm báo hiện đại mà Báo Lao Động đã áp dụng vào tác phẩm này?

Từ lâu chúng ta đã nói đến ảnh hưởng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong các lĩnh vực và báo chí cũng không ngoại lệ. Sự phát triển của công nghệ đã tạo ra một lớp công chúng tương thích của thời kỳ truyền thông số. Công chúng đang có xu hướng tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, muốn được thỏa mãn cả phần nghe và phần nhìn. Vì thế những người làm báo như chúng tôi cũng phải thay đổi.

Hai năm trở lại đây, trên Báo Lao Động Điện tử đã xuất hiện những bài viết sâu dạng E- magazine, bài Long-form, được trau chuốt không chỉ về nội dung mà cả phần ảnh và clip đi kèm. Tác phẩm “Những người thầy ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò” được chúng tôi thực hiện theo cách đó.

Tuy quá trình chế biến ra một bài E-magazine khá cầu kỳ, tốn thời gian, công sức, nhưng hiệu quả thì không phải bàn. Tỉ lệ người xem click vào bài viết có gắn tag E-magazine cao hơn bài thông thường, vì bản thân độc giả cũng muốn trải nghiệm cảm xúc với một tác phẩm báo chí được đầu tư công sức.

Hình ảnh những người thầy đánh cá nuôi học trò thật sự là những ấn tượng đặc biệt, tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm (ảnh: báo Lao Động)

Sắp tới chị sẽ tiếp tục trở lại với các thầy cô giáo và học sinh ở trường Tân Dân chứ?

Sau khi bài viết “Những người thầy ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò” được đăng tải, các thầy vẫn tiếp tục công việc của mình. Dù khó khăn còn bộn bề, thầy cô vẫn đầy nhiệt huyết, vừa đóng vai người thầy, lại vừa là cha mẹ học sinh. Thầy Hà Mạnh Quyết khẳng định chắc nịch sẽ không bao giờ từ bỏ việc đánh cá, dù công việc này ngày càng khó khăn. Bởi việc này có lợi cho học sinh.

Hiện tôi vẫn thường xuyên liên lạc, nhắn tin hỏi thăm sức khỏe giáo viên trường Tân Dân và hẹn một ngày trở lại. Vì còn rất nhiều dự định chưa làm được, như việc quyên góp giúp nhà trường có một chiếc máy phát điện, vì ở Tân Dân cứ mưa lũ là xảy ra sạt lở núi, chia cắt và mất điện. Nếu có chiếc máy phát điện, thầy trò của trường sẽ thuận lợi hơn trong việc bảo quản thức ăn trong những đợt mưa lũ.

Với tư cách là phóng viên theo dõi mảng giáo dục, chị có nhận xét gì về hoạt động báo chí truyền thông trong ngành giáo dục hiện nay?

Tôi thấy báo chí thời gian qua theo khá sát những sự kiện nóng hổi xảy ra trong lĩnh vực giáo dục. Báo chí đã nêu những tấm gương sáng của nhiều học trò cố gắng vươn lên trong học tập và các thầy cô tận tụy với nghề. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà báo dành nhiều tâm sức để phản ánh những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực giáo dục, như: Loạt bài điều tra về tiêu cực trong việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở trường đại học, tiêu cực của kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua…. Là một người làm báo, tôi thành thật khâm phục những người đồng nghiệp đang theo dõi mảng giáo dục, vì đó là một lĩnh vực thông tin sôi động, nhiều thử thách, đòi hỏi những người theo đuổi lĩnh vực này phải giỏi nghề và yêu nghề mới có thể theo nó lâu bền được./.

Xin cám ơn chị!

Đoàn Mai (thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/doc-duong-tac-nghiep/nu-phong-vien-va-bai-bao-xuc-dong-ve-su-hy-sinh-tham-lang-cua-thay-co-49220