Nữ phóng viên kể chuyện 'tai nạn' trong một lần tác nghiệp ở nhà nghỉ

Đóng vai, thâm nhập hiện trường là công việc quá quen thuộc với các phóng viên điều tra. Tuy nhiên, đã không ít phóng viên gặp phải tai nạn khi tác nghiệp.

Tai nạn của nữ phóng viên trong khi tác nghiệp tại nhà nghỉ

Câu chuyện bi hài này là chuyện có thật của một nữ phóng viên khi thâm nhập điều tra ở một địa điểm khá nhạy cảm - nhà nghỉ.

Phương Nhung (33 tuổi, đang sống tại Hà Nội) là phóng viên của một tờ báo mạng. Là phái yếu nhưng ngay từ khi còn là sinh viên báo chí, cô đã rất xông xáo với các đề tài điều tra. Ra trường đi làm, cô cũng gắn bó với lĩnh vực này, đến nay đã gần chục năm. Làm phóng viên điều tra, việc đối mặt với nguy hiểm là điều hiển nhiên, không ít lần Nhung bị đe dọa, bị khủng bố, thậm chí dọa giết. Tuy nhiên, chưa ca nào làm khó được cô. Đối với Nhung, "ca khó" nhất, khó vượt qua nhất lại chính là lần đóng vai tác nghiệp trong nghỉ - một "vai diễn" tưởng không có gì đặc biệt.

Địa điểm tác nghiệp của phóng viên gặp tại nạn trong nhà nghỉ

Địa điểm tác nghiệp của phóng viên gặp tại nạn trong nhà nghỉ

Đó là một đề tài khá nhạy cảm liên quan đến vấn đề mua bán tinh trùng. Để thâm nhập vào một đường dây mua bán tinh trùng chuyên nghiệp, Nhung phải vào vai một phụ nữ hiếm muộn, đang cần mua tinh trùng bằng cách… trực tiếp. Sau nhiều lần trao đổi qua Facebook rồi điện thoại, thống nhất giá cả, nhóm đối tượng mới đồng ý gặp mặt tại một nhà nghỉ nhỏ ở ngoại thành. Sở dĩ, Nhung muốn đi đến cùng vì muốn chụp được hình ảnh nhân vật thật, để bài viết mang tính thực tế chứ không chỉ là "chém gió".

Cuộc hẹn vào lúc giữa trưa. Nhung đã chuẩn bị máy quay giấu kín để tác nghiệp. Khi cô đến, một gã thanh niên trẻ tuổi đã ngồi đợi sẵn trong phòng. Với nghiệp vụ vững vàng sau nhiều năm kinh nghiệm làm phóng viên điều tra, không khó để Nhung câu kéo thời gian và tranh thủ "đào" thêm thông tin. Sau đó, cô nhanh chóng "chuồn lẹ" bằng chiêu bài xuống cốp xe lấy tiền để "xong việc" thanh toán luôn.

Việc tác nghiệp diễn ra suôn sẻ khiến Nhung vô cùng hài lòng. Cô về tòa soạn và ngồi viết một mạch 3 kỳ phóng sự điều tra, trưởng ban nhận bài cũng rất ưng ý. Chiều đó, sẵn tinh thần đang vui, cô ghé chợ mua vài món ngon cho bữa tối quây quần bên chồng con. Nhưng dự định sụp đổ khi vừa bước vào cửa nhà, cô đã lĩnh trọn cái tát như trời giáng của chồng. Còn chưa hiểu lý do vì sao thì cô tiếp tục nhận được lá đơn ly dị đã soạn sẵn từ anh. Khi Nhung hỏi vì sao, chồng cô chỉ buông một câu lạnh lùng: "Tôi không thể chấp nhận người vợ lăng loàn như cô".

Hình ảnh tác nghiệp của nữ phóng viên báo chí (Ảnh minh họa)

Dù chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra nhưng lời lẽ xúc phạm của chồng khiến Nhung tổn thương ghê gớm. Nhưng vốn là một người mạnh mẽ, cô không khóc lóc mà xé toạc tờ đơn rồi tuyên bố: "Anh không nói rõ thì đừng hòng tôi ký đơn". Lúc đó, chồng cô mới đưa ra một hình ảnh trong điện thoại. Trời! Hóa ra là ảnh cô đang dắt xe từ trong nhà nghỉ hồi trưa đi ra. Thì ra một người bạn của chồng cô vô tình bắt gặp, nghĩ cô ngoại tình nên đã chụp lại rồi gửi thông báo cho anh.

Biết nguyên do, Nhung thở phào nhẹ nhõm. Nhưng dù giải thích ra sao, đưa cho anh xem cả video quay trong nhà nghỉ, chồng cô cũng không tin. Anh cho rằng cô kiếm cớ, lợi dụng nghề nghiệp để biện minh cho hành vi tội lỗi của mình. Cực chẳng đã, Nhung đành phải gọi điện cho trưởng ban để "làm chứng" giúp.

Sau lần ấy, Nhung bị chồng "cấm cửa" việc tác nghiệp ở những chỗ nhạy cảm như nhà nghỉ. Bởi anh có thể thấu hiểu cho nghề nghiệp của vợ nhưng người khác thì không phải ai cũng hiểu. Để giữ gìn hạnh phúc gia đình, cô đành phải đồng ý với điều kiện đó của chồng. Chuyện của cô sau đó cũng được các đồng nghiệp nữ truyền tai nhau như bài học kinh nghiệm xương máu.

"Phụ nữ chọn nghề báo đã vất vả, làm mảng điều tra còn vất vả hơn nhiều. Không chỉ là những địa chỉ nhạy cảm, nguy hiểm mà còn đi đêm đi hôm. Như trường hợp của tôi, chồng còn là người hiểu chuyện nên mới giữ được gia đình. Có không ít người đã phải đánh đổi hạnh phúc vì nghề nghiệp. Tuy nhiên, dù có chuyện gì đi nữa thì đối với tôi, tình yêu nghề chưa bao giờ thay đổi, thậm chí ngày một lớn hơn", Phương Nhung chia sẻ.

Nói về những áp lực mà nữ phóng viên điều tra phải đối mặt, TS Phạm Thị Mỵ, Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam cho biết: Một thứ áp lực mà phụ nữ ở bất cứ ngành nghề nào đều gặp phải, đó là áp lực về chức phận. Phụ nữ Á Đông nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng, họ phải đảm nhiệm một lúc quá nhiều chức phận. Họ không chỉ có chức phận nghề nghiệp mà còn mang trên vai chức phận “giữ lửa” cho tổ ấm gia đình. Bởi một lúc phải mang hai gánh nặng nên dù làm ở bất cứ ngành nghề nào, phụ nữ cũng đều phải “cố”, không cố thì không thể hoàn thành được.

Một người phụ nữ làm nghề bình thường khác họ phải cố một thì phụ nữ làm báo họ phải cố 10. Bởi nghề báo là nghề phụng sự cho xã hội, là “làm dâu trăm họ” nên gánh nặng của áp lực đối với phụ nữ vì thế là rất lớn. Với nhà báo nữ làm điều tra thì áp lực đó còn lớn hơn bội phần. Đó là áp lực về thời gian, về sự nguy hiểm, về những cám dỗ, cạnh tranh thông tin…

Khi làm điều tra, không ít nữ nhà báo đã biến điểm yếu thành thế mạnh của mình. Ví dụ, việc tiếp cận đối tượng điều tra chẳng hạn, điều tưởng như là khó đối với nhà báo nữ thì họ lại biến cái khó này thành thế mạnh của mình. Trong khi nam giới có thể tiếp cận thẳng đối tượng thì nữ giới, do là “phái yếu” dễ bị đối tượng bắt nạt nên họ buộc phải tiến hành việc này bằng nhiều con đường khác nhau: Có thể đóng vai, có thể nhờ người thứ 3 đi cùng… Chính bằng những con đường này, việc không để lộ thân phận trong quá trình đi điều tra đã giúp cho các nữ nhà báo tiến nhanh hơn nam giới trên con đường đi tìm ra sự thật. Thế yếu biến thành thế mạnh là như vậy.

Xem thêm: Kỷ niệm 94 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (Nguồn: Nhân dân tv)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/nu-phong-vien-ke-chuyen-tai-nan-trong-mot-lan-tac-nghiep-o-nha-nghi-d144935.html