Nữ phạm nhân chuẩn bị hành trang khởi nghiệp

'Vì một mái ấm bình yên' hay 'Ước mơ ngày trở về'… là những chương trình đầy ý nghĩa mà Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Công an phối hợp tổ chức trong những năm qua.

Để hỗ trợ phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng, tìm sinh kế, ổn định cuộc sống, ngày 19-6, tại trại giam Kim Sơn (thuộc Tổng cục Thi hành án và hỗ trợ tư pháp- Bộ Công an), hai đơn vị tiếp tục thực hiện chương trình truyền thông “Khởi nghiệp chắp cánh tương lai” nhằm mục đích tạo động lực khởi sự kinh doanh cho những nữ phạm nhân trong các trại giam và những phụ nữ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.

Có rất nhiều phụ nữ từng lầm lỗi, sau khi trở về gia đình được sống lại trong tình yêu thương, đùm bọc của người thân và cộng đồng. Tuy nhiên, họ vẫn luôn mang nỗi trăn trở về hành trình dài phía trước, đó là câu hỏi: “Làm gì để duy trì cuộc sống?”.

Giúp hành trình đoàn tụ ấy được trọn vẹn, lâu bền, chắc chắn thì hành trang khởi nghiệp là rất quan trọng. “Khởi nghiệp chắp cánh tương lai” sẽ giúp chị em nữ phạm nhân có thêm động lực, kiến thức và kỹ năng chuẩn bị cho ngày trở về với mái nhà thân yêu, tìm sinh kế cho bản thân; tạo tâm thế chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng khi kết thúc án phạt tù; cung cấp kỹ năng, kiến thức cơ bản về khởi nghiệp và xây dựng được ý tưởng khởi nghiệp khi trở về cộng đồng.

Nữ phạm nhân luôn ước mong khởi nghiệp sau khi trở về cộng đồng. Ảnh: P.H

Tham gia chương trình, ngoài đại diện lãnh đạo của hai đơn vị: Cục Giáo dục cải tạo và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng (Tổng cục VIII- Bộ Công an), Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN cấp cơ sở còn có sự tham gia của gần 200 nữ phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam Kim Sơn và một số phụ nữ đã hoàn lương, trở về với gia đình, cộng đồng xã hội.

Ai cũng hiểu, khởi sự kinh doanh sẽ là một hành trình dài đầy khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, nếu không có thử nghiệm sẽ khó có được thành công. Khi các chị em trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cánh cửa sẽ mở ra. Mở cánh cửa nào phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ, ý định, bản lĩnh, lựa chọn và sự chuẩn bị của các chị em nhưng có một điều chắc chắn là nếu muốn có cuộc sống lương thiện, ai cũng phải có một công việc để sinh nhai, nuôi sống chính mình.

Muốn vượt qua những khó khăn trên bước đường trở về và vươn lên khởi nghiệp, ngoài nỗ lực, ý chí, lòng kiên trì của bản thân; sự giúp đỡ, ủng hộ của gia đình, cộng đồng thì chị em đừng ngại ngần tìm đến các cơ quan, tổ chức ở địa phương như chính quyền xã, thôn, Hội phụ nữ, Hội nông dân, các DN... để đề nghị giúp đỡ.

Tại chương trình, những tình huống thực tế được đưa ra về hành trình gian nan của phụ nữ từng mắc lỗi lầm trên con đường khởi nghiệp; qua đó, mỗi chị em phạm nhân lại thấy mình trong đó và học hỏi thêm được nhiều bài học kinh nghiệm trên bước đường tương lai. Những tấm gương phụ nữ cùng cảnh đã khởi nghiệp thành công là lời khuyến khích, động viên chị em không ngừng cố gắng vươn lên, can đảm tìm một việc làm lương thiện và tự tin khởi nghiệp.

Ý tưởng khởi nghiệp cũng được hướng dẫn tại chương trình. Để những ý tưởng đó trở thành hiện thực, chị em cần tính toán, suy nghĩ thực tế. Ngoài ra, phân tích kỹ càng ý tưởng và tự đánh giá năng lực bản thân là hai vấn đề mấu chốt của khởi nghiệp và để thành công, các yếu tố không thể thiếu là: Kiên trì, tự tin, sự trợ giúp, tập trung và quyết đoán.

Hiện nay ở cộng đồng, Hội LHPN các cấp cũng đã bắt đầu tiếp cận và tích cực tham gia vào mảng tư vấn hòa nhập cộng đồng, kết nối, hỗ trợ việc làm, dạy nghề, cho vay vốn, hỗ trợ khởi nghiệp cho các phụ nữ trở về.

“Các chị em phạm nhân không hề đơn độc trên bước đường trở về và khởi nghiệp. Những cơ hội sẽ mở ra nếu chị em thực sự hướng thiện, chăm chỉ, có khát vọng, ý chí, nghị lực vươn lên. Hãy chứng minh cho xã hội thấy rằng, khi trở về, chúng ta sống là người tử tế và có khả năng…” - Đó là những thông điệp tốt đẹp của chương trình, giúp chị em phạm nhân viết những dòng đầu tiên vào cuốn sổ Khởi nghiệp để vững tin trở về cuộc sống, làm lại cuộc đời.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nu-pham-nhan-chuan-bi-hanh-trang-khoi-nghiep-117432.html