Nữ nhân viên Twitter bị đuổi việc một tuần trước khi sinh con

Bim Ali nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự đầu tiên. Một tuần trước khi sinh con, cô bị đẩy vào tình cảnh không có bảo hiểm y tế và không có thu nhập để trang trải sinh hoạt phí.

Bim Ali đang ở giai đoạn đầu thai kỳ khi tỷ phú Elon Musk đồng ý mua Twitter, nơi cô làm việc với vai trò là nhà quản lý chương trình trong nhóm công nghệ cốt lõi của Redbird.

Suốt những tháng đầy bất ổn sau đó, Ali vẫn gắn bó với công ty, cố gắng bỏ ngoài tai các tin tức về thỏa thuận hết lần này tới lần khác để tập trung vào sức khỏe của cô và con, CNN đưa tin.

“Khi ấy tôi rất hạnh phúc, tôi yêu nhóm của mình và tôi thích cống hiến. Tôi cũng đang mang thai, nên ra đi ở thời điểm đó nghe không hợp lý chút nào”, cô nói. Nếu chuyển sang công ty mới, cô có thể sẽ không được hưởng kỳ nghỉ thai sản.

 Bim Ali nằm trong danh sách sa thải nhân sự đầu tiên kể từ khi Elon Musk nắm quyền Twitter. Ảnh: Bim Ali.

Bim Ali nằm trong danh sách sa thải nhân sự đầu tiên kể từ khi Elon Musk nắm quyền Twitter. Ảnh: Bim Ali.

Nhưng vào tháng 11, ngay sau khi Musk hoàn tất thương vụ mua lại Twitter và chỉ trước kỳ nghỉ thai sản của Ali vài tuần, người phụ nữ này đã bị sa thải.

Cô nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự đầu tiên dưới thời chủ sở hữu mới.

Ngày 4/1 đánh dấu ngày Ali chính thức rời Twitter, đẩy cô vào tình cảnh không có bảo hiểm y tế và không có thu nhập để trang trải sinh hoạt phí.

Một tuần sau đó, con của cô chào đời. Khi đứa bé được 2 tháng tuổi, Ali đã bắt đầu tìm kiếm công việc mới, thay vì dành thời gian với con mình.

“Tôi không được hỗ trợ tài chính như từng dự định. Không còn cách nào phải, tôi phải tìm cách duy trì cuộc sống”, cô nói.

Một năm quay cuồng

Ali là một trong số hàng nghìn nhân viên Twitter bị đảo lộn cuộc sống kể từ khi Musk bắt đầu mua cổ phần của công ty truyền thông xã hội này vào đầu năm ngoái. Họ phải đối mặt với cuộc tranh chấp công khai giữa Musk với những giám đốc điều hành khác, thậm chí là nguy cơ diễn ra một vụ kiện cấp cao.

Nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó. Sau khi hoàn tất việc mua bán, tỷ phú lập tức cắt giảm hơn một nửa nhân sự trong khi liên tục cảnh báo rằng công ty có thể phá sản. Tính đến cuối tháng 2, Twitter được cho là chỉ còn chưa đầy 2.000 nhân viên sau 8 đợt cắt giảm, giảm khoảng 7.500 người trước khi Musk tiếp quản.

Năm qua như một cơn quay cuồng đối với các nhân viên Twitter, bao gồm cả những người đã rời đi. Trong khi một số nhanh chóng tìm được công việc mới, những người khác gặp khó khăn hơn bởi thị trường việc làm ngành công nghệ đang ở thời điểm ảm đạm nhất.

Và ở một số trường hợp, người lao động đang cố gắng cân bằng tình trạng thất nghiệp đầy bấp bênh này do bệnh tật, khuyết tật hay mang thai, nghỉ phép chăm con hoặc nghĩa vụ gia đình khác, theo chia sẻ của một số nhân viên cũ với CNN cùng các khiếu nại pháp lý đã đệ trình chống lại công ty.

Michele Armstrong, cựu kỹ sư video âm thanh cấp cao, người đã bị sa thải sau 7 tháng gia nhập công ty, cho biết mức lương ở Twitter đủ để cô sống ở San Francisco. Nhưng nếu không tìm được công việc khác, cô sẽ buộc phải rời khỏi đây.

Armstrong vốn không phải giám đốc hay kỹ sư phần mềm nên quá trình tìm việc mới càng khó khăn hơn. Hiện cô phải rút khoản tiết kiệm hưu trí để trả tiền thuê nhà.

Công ty thất hứa

Armstrong và Ali nằm trong số hơn 1.500 nhân viên cũ hiện đã có hành động pháp lý. Họ nộp đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài (thông qua bên thứ 3 làm trung gian để giải quyết tranh chấp), cùng 4 vụ kiện tập thể chống lại Twitter nhằm lấy lại khoản trợ cấp thôi việc mà công ty đã hứa hẹn trước khi Musk tiếp quản.

Một số người cũng cáo buộc phân biệt đối xử về giới tính, khuyết tật và những vấn đề khác, nhưng phía công ty đã lập luận trước tòa rằng không có cơ sở. Twitter cũng bác bỏ 4 vụ kiện tập thể, nói rằng quyết định sa thải của họ là hợp pháp.

Armstrong hiện phải dùng tiền tiết kiệm để trang trải cuộc sống sau khi bị sa thải đột ngột. Ảnh: CNN.

Twitter đã không bình luận công khai về các yêu cầu trọng tài, theo CNN. Nhưng tháng trước, Shannon Liss-Riordan, luật sư đại diện cho hơn 1.000 cựu nhân viên Twitter, đã đệ đơn lên tòa án cáo buộc rằng công ty không hợp tác trong quy trình thi hành phán quyết trọng tài.

Tương tự Ali, một số nhân viên nói rằng thật khó để nghỉ việc, ngay cả khi họ muốn rời đi, vì vướng bận những lý do cá nhân. Một số khác lại cởi mở với ý tưởng làm việc dưới “triều đại” Musk, một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất thế giới, bất chấp những lùm xùm gây tranh cãi và sự không chắc chắn xung quanh kế hoạch của ông cho nền tảng này.

Justine de Caires, một cựu kỹ sư phần mềm cao cấp, nằm trong số đó. Anh từng nghĩ rằng anh và các đồng nghiệp có thể học được gì đó từ CEO mới. Thế nhưng, họ chẳng nhận được mấy thông tin từ vị tỷ phú sau khi ông chính thức tiếp quản công ty.

Justine De Caires bước vào tòa án liên bang ở San Francisco ngày 8/12/2022 trong một vụ kiện chống lại công ty cũ. Ảnh: Jeff Chiu/AP.

Trong tuần đầu tiên dưới quyền Musk, De Caires làm việc cho Twitter Blue, một dịch vụ đăng ký mà tân CEO muốn cải tiến khẩn cấp nhằm tăng doanh thu. Tại một thời điểm, anh từng phải thức trắng đêm để làm việc.

Hiện De Caires là nguyên đơn chính trong một vụ kiện tập thể chống lại Twitter ngay sau đợt sa thải hàng loạt vào tháng 11 và đang theo đuổi các yêu cầu trọng tài chống lại công ty.

Bồi thường không xứng đáng

Trong các đơn kiện và yêu cầu trọng tài, nhiều nhân viên cũ của Twitter cáo buộc rằng công ty đã hứa rằng nếu việc sa thải xảy ra sau khi Musk tiếp quản, các khoản trợ cấp thôi việc ít nhất cũng sẽ tương đương với mức trước khi công ty bị tỷ phú mua lại, bao gồm 2 tháng lương cơ bản, 3 tháng tăng khả năng tiếp cận cổ phiếu công ty, thưởng năm và một số bảo hiểm y tế liên tục.

Thế nhưng, Musk đề nghị chỉ cấp mức trợ cấp tương đương 1 tháng lương cơ bản, bên cạnh mức lương trong thời gian chờ nghỉ việc do luật tiểu bang và liên bang quy định.

Con số này ít hơn nhiều so với các công ty đối thủ. Chẳng hạn, Meta, công ty sa thải hàng nghìn nhân viên cùng thời điểm với làn sóng cắt giảm đầu tiên của Musk, đảm bảo 16 tuần lương cơ bản, cộng thêm 2 tuần lương cho mỗi năm họ làm việc tại công ty.

Đó là chưa kể một số nhân viên Twitter nhận được thông báo nghỉ việc qua email, nhưng email đó lại chuyển vào thư mục rác của họ.

Luật sư Liss-Riordan đại diện cho khoảng 1.500 cựu nhân viên Twitter nhằm kiện công ty cũ. Ảnh: Jeff Chiu/AP.

Luật sư Liss-Riordan cho biết nhiều nhân viên Twitter đã liên lạc với bà và nói rằng họ từng tin tưởng lời hứa trước đây của công ty.

Đó là lý do một số người vẫn chọn ở lại với Twitter bất chấp sự không chắc chắn về phi vụ mua bán của Elon Musk vào mùa hè 2022, để rồi tiếc nuối khi ngành công nghệ bước vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất diễn ra chỉ vài tháng sau đó.

“Thị trường công nghệ hiện nay như một mớ rác hỗn độn. Đầu tuần này, tôi vừa nhận một loạt lời từ chối xin việc. Khi đó, tôi bỗng nghĩ rằng có lẽ mình nên chuyển sang làm lính cứu hỏa bởi chẳng còn mấy công việc công nghệ”, cựu nhân viên De Caires chia sẻ.

Ăn điểm trong mắt nhà tuyển dụng

‘Nhân tố F’, trong đó F là viết tắt của ‘Fascination’ (Sự cuốn hút) sẽ là yếu tố thu hút nhất trong một buổi tuyển dụng. Theo tác giả Paul Williams của cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, những cá nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo sau này sẽ cần phải kết nối được với các nhân viên của mình, cổ vũ họ và nắm bắt được trí tưởng tượng trong họ. Nhân tố F được xác định như sau: Liệu người này - trong một khoảng thời gian rất ngắn - có thể khiến tôi hứng thú và cuốn hút tôi hay không? Họ hào hứng đến mức nào khi nói về chủ đề X? Tôi có bị cuốn hút bởi câu chuyện họ kể không hay đó chỉ là một cuộc đối thoại khô khan?

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nu-nhan-vien-twitter-bi-duoi-viec-mot-tuan-truoc-khi-sinh-con-post1409656.html