Nữ nhân viên tạp vụ nói gì sau khi bị phát hiện trực tiếp 'khám bệnh' cho công nhân

Những ngày qua dư luận đang quan tâm đến vụ việc một nhân viên tạp vụ tại 1 cơ sở y tế tại Bình Dương được điều động tham gia cùng đoàn y, bác sĩ tại đây để đi đến doanh nghiệp khám bệnh cho công nhân lao động. Vậy, người phụ nữ này có tài cáng như thế nào để được 'một bước lên mây' như thế?.

Bà Ngân tường trình vụ việc với phóng viên

Bà Ngân tường trình vụ việc với phóng viên

Nữ nhân viên tạp vụ này tên Nguyễn Thị Kim Ngân, có thời gian làm việc tại Trung tâm sức khỏe- lao động và môi trường tỉnh Bình Dương (sau đây gọi là trung tâm) hơn 10 năm nay, công việc hàng ngày của bà là lau dọn, đun nước…Tuy nhiên, mới đây nhiều người mới tá hỏa phát hiện bà Ngân còn kiêm thêm nhiệm vụ “đo mạch, huyết áp” cho công nhân.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Hoàng Vân, Giám đốc trung tâm thừa nhận bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nhân viên tạp vụ tại đây, đồng thời giải thích nguyên nhân “điều động” bà Ngân đi xuống doanh nghiệp đo mạch, huyết áp cho công nhân là vì thỉnh thoảng đơn vị thiếu người do nhân viên nghỉ ốm, thai sản.

Khi phóng viên đặt vấn đề, một nhân viên tạp vụ không có chuyên môn lại được giao nhiệm vụ đo mạch, huyết áp, thì có đảm bảo chất lượng khám bệnh cho công nhân hay không?, vị giám đốc này cho biết, do máy đo huyết áp tự động nên việc sử dụng khá dễ dàng, chỉ cần được hướng dẫn qua là có thể sử dụng thành thạo.

Tuy nhiên, ông Hồ Hoàng Vân cũng khẳng định, việc để nhân viên tạp vụ đi khám bệnh cho công nhân là không đúng, “Nhưng do đơn vị “đôi lúc” thiếu người nên mới điều động bà Ngân đi “đột xuất”, với lại công việc của bà Ngân cũng rất đơn giản, chỉ ghi lại thông số của công nhân và sau đó bàn giao lại cho bác sĩ”, vị giám đốc này nói.

Công việc hàng ngày của Bà Ngân tại trung tâm

Về phía bà Ngân, khi tiếp xúc với phóng viên bà tỏ ra khá rụt rè và e ngại. Bà Ngân không nhớ là mình đã thực hiện việc này bao nhiêu lần và thực hiện từ bao lâu, chỉ biết là khi nào được trung tâm điều động thì tham gia cùng đoàn.

Khi phóng viên đề nghị bà Ngân trình bày lại cách đo huyết áp cho công nhân được thực hiện như thế nào, thì bà Ngân ngay lập tức “thực hành” tại chỗ. Theo nữ “y tá” này, khi công nhân đến bàn khám, bà sẽ yêu cầu để tay lên bàn, xắn phần áo ở cánh tay cần đo, xong sẽ quấn vòng bít và dính lại, sau đó chờ kết quả và ghi lại, rồi bàn giao kết quả cho bác sĩ .

Nghe thì có vẻ rất bài bản, nhưng liệu trong quá trình thực hiện bà Ngân có thực hiện tốt các kỹ năng so với những người được đào tạo bài bản qua trường lớp?.

Nói về việc làm của bản thân có đúng không, bà Ngân chỉ trả lời ngắn gọn 1 câu, “Trung tâm điều động thì đi”, còn chiếc áo Y tá mỗi khi bà mặc để đi khám bệnh là được một người đồng nghiệp trong cơ quan cho.

Bà Ngân cho biết, hiện nay mức lương tạp vụ của bà khoảng 3 triệu đồng/ tháng, còn khoản tiền “đột xuất” nói trên thì không được bà tiết lộ.

Trung tâm sức khỏe- lao động và môi trường tỉnh BD, nơi bà Ngân làm tạp vụ

Vụ việc hiện đang được UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế, chủ trì phối hợp với các đơn vị hữu quan xác minh, làm rõ nội dung phản ánh liên quan đến trung tâm để xử lý đúng thẩm quyền quy định.

Thanh Thảo

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/nu-nhan-vien-tap-vu-noi-gi-sau-khi-bi-phat-hien-truc-tiep-kham-benh-cho-cong-nhan-31603.html