Nữ nhà văn cống hiến không ngừng nghỉ cho khoa học xã hội

Với vóc người nhỏ nhắn nhưng giọng nói khỏe khoắn, tinh thần lạc quan và bền bỉ, PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh, nguyên cán bộ của Viện Văn học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã sống và làm việc theo triết lý sống là cống hiến không ngừng nghỉ cho khoa học xã hội…

PGS-TS Lê Thị Đức Hạnh, SN 1934 tại Hà Nội, học xong lớp 10, do không đủ sức khỏe nên Lê Thị Đức Hạnh từng phải gác lại ước mơ trở thành một sinh viên toán tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1960, bước ngoặt đưa bà đến với nghiệp văn chương khi Viện Văn học cần một cán bộ tư liệu. Bà cho đó là cơ hội để tự học, tự phấn đấu. Vừa làm, vừa học bà không chỉ hoàn thành chương trình ĐH mà còn viết nhiều bài nghiên cứu văn học có giá trị. Năm 1979, trên cơ sở đề tài luận án Phó Tiến sĩ (đang chờ bảo vệ) có tên “Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan”, bà đã chỉnh sửa và nâng cấp thành cuốn sách “Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Công Hoan” và được nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành...

GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học nhận xét: “Có thể nói rằng, PGS-TS Lê Thị Đức Hạnh là chuyên gia hàng đầu về nhà văn Nguyễn Công Hoan”. Ngòi bút của bà tỏ ra nhạy cảm với những tác giả có số phận thiệt thòi do chưa được hiểu đúng, do bị bỏ quên. Năm 1999, bà ra mắt bạn đọc cuốn “Mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam”, tiếp đến năm 2007 là cuốn “Bàn thêm về mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam”.

Hai cuốn sách này đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử văn học và các hiện tượng tác giả tác phẩm thời kỳ 1930-1945, kịp thời bổ sung, điều chỉnh những bất cập, phiến diện, thiếu hụt trong nghiên cứu văn học sử, làm cho việc hiểu và nhìn toàn diện diện mạo văn học Việt Nam thời kỳ này sâu sắc, đầy đặn hơn. Chính những nghiên cứu của bà đã góp phần khẳng định tầm vóc của một số nhà văn lớn như: Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nam Cao, Dương Quảng Hàm, Hải Triều, Lưu Trọng Lư… cùng nỗ lực trả lại vị trí, đóng góp đích thực của một số tác gia như: Trần Tiêu, Tam Lang, Thanh Châu, Từ Ngọc Nguyễn Lân, Nguyễn Đình Lạp… trong lịch sử văn học Việt Nam.

Bức ảnh chân dung PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh do con trai bà, nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn chụp vào năm 2016.

Bức ảnh chân dung PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh do con trai bà, nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn chụp vào năm 2016.

PGS-TS Đức Hạnh từng tự bạch trong Hội nghị gặp mặt lao động giỏi Thủ đô năm 1993 mà bà là đại diện duy nhất của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham gia: “Tôi vốn là một học sinh say mê và có năng khiếu toán. Tôi có thể làm toán ngày đêm, quên ăn, quên ngủ với ước mơ trở thành sinh viên khoa toán của ĐH Tổng hợp”. Nhưng không may, gần đến ngày thi, cô gái trẻ Đức Hạnh đau ốm liên miên, không dự thi được nên đành gác lại ước mơ, tìm việc làm phụ giúp gia đình, ban ngày đan lát, tối đi dạy ở trường cán bộ đoàn.

Kể lại những tháng ngày tìm cách đặt chân vào thế giới văn chương, PGS Hạnh cho biết nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng căn dặn bà rằng để nghiên cứu văn học hiện đại, cần tiếp xúc với nhà văn để hiểu những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, ý đồ sáng tác, cung cách lao động, sáng tạo... của họ, để khen chê thấu tình, đạt lý hơn.

Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, PGS Đức Hạnh đã cho ra đời 7 cuốn sách in riêng, 31 cuốn sách in chung (trong đó có cuốn do bà làm chủ biên), hơn 90 bài viết đăng trên các tạp chí và báo chuyên ngành. Các cuốn sách tiêu biểu của PGS Hạnh gồm có: “Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Công Hoan” (năm 1979); “Nguyễn Công Hoan 1903-1977” (năm 1991); “Mấy vấn đề trong văn học Việt Nam hiện đại (năm 1999, đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam); “Nguyễn Công Hoan: Về tác giả và tác phẩm" (năm 2000); "Nguyễn Công Hoan, những tác phẩm tiêu biểu trước năm 1945" (năm 2000). Nay đã bước sang tuổi 85, bà vẫn đọc sách, viết bài, như cách mà bà làm gần 60 năm qua.

Nói về những đóng góp của PGS Lê Thị Đức Hạnh, PGS Nguyễn Bích Thu, nguyên Phó trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận xét: “PGS Hạnh là tấm gương của đam mê, nghị lực. Chị Hạnh là người rất khiêm nhường, ít nói về mình. Mọi người biết đến PGS Lê Thị Đức Hạnh chỉ qua kết quả công việc. Mặc dù không được đào tạo bài bản nhưng bằng sự nỗ lực, chị đã đến được đích, trong khi nhiều người dù được học đến nơi đến chốn lại không được như chị ấy”.

Nói về người mẹ của mình, nhà báo Trần Việt Văn cho biết, bà là tấm gương sáng đối với anh, tất cả những tình cảm anh muốn nói đã được anh thể hiện qua cuốn sách ảnh “Mẹ tôi”. “Ý tưởng chụp mẹ tôi đã có từ lâu, nhưng phải đến một thời điểm nào đó, nói theo chữ nhà Phật là có duyên, tôi mới thực hiện được. Mẹ tôi là người phụ nữ gốc Hà Nội, đảm đang, chịu khó, hết lòng hết sức thương yêu chồng, con. Cuộc đời mẹ tôi đầy những vất vả, thăng trầm nhưng bằng khả năng, tư chất và ý chí mãnh liệt, bà đã nhẫn nại, lặng lẽ vượt lên thách thức, vượt lên chính mình để trở thành một nhà nghiên cứu phê bình có tên tuổi. Thời gian chăm sóc mẹ ốm cũng là thời gian tôi kết nối với mẹ nhiều hơn, hiểu và thương yêu mẹ hơn. Tôi chụp ảnh mẹ như để cất giữ những ký ức. Bộ ảnh “Mẹ tôi” mang tính riêng tư, nhưng tôi hy vọng sẽ có nhiều người chia sẻ vì trên đời ai cũng có một người mẹ…”, nhà báo Việt Văn tâm sự.

Bản Sa

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nu-nha-van-cong-hien-khong-ngung-nghi-cho-khoa-hoc-xa-hoi-140380.html