Nữ nhà báo Trung Quốc nguyên vẹn niềm yêu Việt Nam hơn 60 năm

Đầu năm mới Kỷ Hợi, giữa Bắc Kinh lạnh giá, tôi gặp lại chị Vương Phong. Ở người bạn vong niên, nữ đồng nghiệp Tân Hoa xã tuổi đã gần thất thập cổ lai hy, tôi vẫn nhận ra nét cười trên môi của cô bé sáu tuổi trong bức ảnh cô lần đầu được gặp Bác Hồ tại Hà Nội. Và qua giọng hát rưng rưng truyền cảm 'Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người', 'Nhớ mùa thu Hà Nội', tôi vẫn thấy trong tim chị nguyên vẹn niềm yêu kính Bác Hồ, tình yêu mến Việt Nam sau hơn sáu thập niên.

 Bác Hồ với bé Tiểu Hồng (Vương Phong) tháng 5-1957 tại sân bay Gia Lâm. (Ảnh: chị Vương Phong cung cấp)

Bác Hồ với bé Tiểu Hồng (Vương Phong) tháng 5-1957 tại sân bay Gia Lâm. (Ảnh: chị Vương Phong cung cấp)

Câu đầu tiên tôi hỏi:

- Vì sao trong các bài viết của mình chị gọi Việt Nam là quê hương thứ hai?

Chị đáp:

- Cha tôi Vương Duy Chân làm trưởng phân xã Tân Hoa xã kiêm nhiệm Nhân dân nhật báo thường trú tại Hà Nội từ năm 1956 đến 1960. Từ lúc năm tuổi tôi đã theo cha mẹ tới sống ở Việt Nam, ấn tượng thời thơ ấu khắc rất sâu. Người dân Việt Nam rất thân thiện, tôi đi đến đâu cũng thấy mọi người vui vẻ, dễ gần, làm tôi cảm thấy như ở nhà mình. Và nhất là… Việt Nam có Bác Hồ.

- Do tính chất công việc, cha tôi đã phỏng vấn rất nhiều nhân vật anh hùng Việt Nam ở nhiều lĩnh vực. Tôi hỏi ông: Ai là anh hùng Việt Nam vĩ đại nhất? Cha tôi đáp: Là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi hỏi tiếp: Tại sao? Ông đáp: Vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh đổ thực dân xâm lược. Người hy sinh hạnh phúc cá nhân, không gia đình riêng, không con cái, dành cả đời mình vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Nói đến đây chị nghẹn ngào, một lúc sau mới tiếp:

- Mầm mống niềm yêu Việt Nam trong tâm hồn trẻ thơ của tôi đã đâm chồi như thế. Theo năm tháng, trưởng thành hơn, tôi nhận thấy sự nghiệp cách mạng của hai nước có nhiều nét tương đồng, nhân dân hai nước đều mong muốn độc lập, tự do, hạnh phúc. Vì những lẽ đó, tôi đã coi Việt Nam như Trung Quốc, đều là cố hương của mình.

Đã hơn 60 năm, chị vẫn nhớ như in lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Qua câu chuyện cha kể rằng Bác là lãnh tụ vĩ đại kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, cô bé Tiểu Hồng sáu tuổi nói với cha nhất định phải cho cô gặp Bác. Không lâu sau cơ hội đã đến. Một ngày tháng 5-1957, cha gọi cô cùng ông đi ra sân bay Gia Lâm, vì Bác Hồ ra đó đón Nguyên soái Liên Xô tới thăm Việt Nam. Cô bé lần đầu tận mắt thấy Bác Hồ, tóc bạc râu bạc, hiền từ thân thiết như ông nội nhà mình. Bác kéo cô bé lại gần, hỏi bằng tiếng Trung: "Cháu có yêu Việt Nam không?". Cô đáp: "Cháu yêu Việt Nam, yêu Bác Hồ". Bác lại hỏi: "Cháu có biết nói tiếng Việt không?". Cô đáp bằng tiếng Việt: "Ăn cơm chưa? Ăn cơm rồi. Chào đồng chí". Bác bật cười vang. Cô bé thấy rất hạnh phúc.

Chị Vương Phong hát bài "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" bằng tiếng Trung.

Ít lâu sau, cô bé Tiểu Hồng bảy tuổi về Trung Quốc để vào lớp 1. ịch sử như bản nhạc đầy nốt thăng trầm. Do nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan, mãi hơn 40 năm sau, mùa đông năm 2000, nữ nhà báo Vương Phong của tạp chí Liêu Vọng - Tân Hoa xã mới lần đầu trở lại thăm cố hương thứ hai của mình. Rồi lần thứ hai, năm 2008. Và lần gần đây nhất, đầu năm 2017. Qua những chuyến trở lại đó, chị vui mừng chứng kiến Việt Nam tăng trưởng kinh tế tốc độ cao, đô thị hóa nhanh với nhiều công trình kiến trúc lớn. Đặc biệt, lực lượng cán bộ trẻ, được đào tạo tốt, biết nhiều ngoại ngữ, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của đất nước này. Hà Nội vẫn rất đẹp, nhất là khu vực hồ Hoàn Kiếm, chung quanh bờ hồ nhiều người lớn tuổi hát múa tập thể, không ít đôi bạn trẻ tâm tình. Không khí, khung cảnh thật tường hòa.

Tình cảm sâu nặng với "Việt Nam có Bác Hồ" thôi thúc chị góp sức vun đắp nhịp cầu hữu nghị Trung – Việt. Bằng những bài viết, bài thơ cảm nhận về đất nước, con người Việt Nam đổi mới qua mỗi chuyến thăm. Bằng những bài hát đi cùng năm tháng, về Bác Hồ, về Hà Nội, về Việt Nam.

Trong 20 năm qua, chị đã nhờ nhiều người bạn Việt Nam công tác tại Bắc Kinh và một số bạn Hoa kiều ở Việt Nam dịch lời nhiều bài hát như "Bác Hồ một tình yêu bao la", "Em ơi Hà Nội phố", "Nguyễn Sơn – Lưỡng quốc tướng quân" từ tiếng Việt sang tiếng Trung, sau đó chị đảm nhiệm công đoạn khó nhất: hát lời tiếng Trung ý nghĩa tương đương lời tiếng Việt trên nền giai điệu được giữ nguyên. Các bài hát này đã được chị tải lên các trang mạng của cộng đồng Hoa kiều ở Việt Nam và rất được hoan nghênh, tải về nhiều lượt.

Chị Vương Phong hát bài Nhớ mùa thu Hà Nội

"Thơ và nhạc, chính là sự cô đọng của tinh thần, tình cảm, tâm hồn của mỗi dân tộc. Con đường ngắn nhất giúp mọi người lại gần nhau hơn chính là qua lời thơ, tiếng hát"- chị tâm đắc chia sẻ. Và tôi đã nhờ chị tập cho tôi hát một đoạn bài "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" bằng tiếng Trung.

Xuân đã đến rất gần!

TÔ MINH - HỮU HƯNG

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/39142302-nu-nha-bao-trung-quoc-nguyen-ven-niem-yeu-viet-nam-hon-60-nam.html