Nữ Ngoại trưởng đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ qua đời

Cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright, người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ cao nhất trong Chính phủ Hoa Kỳ đã qua đời ở tuổi 84.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright. Ảnh: The Times of Israel.

Madeleine Albright sinh ra tại Prague vào năm 1937. Khi Đức Quốc xã tấn công Tiệp Khắc, gia đình bà đã bỏ trốn đến London và tại đây họ quyết định di cư sang Mỹ vào năm 1948.

Sự nghiệp chính trị của Madeleine Albright bắt đầu bằng việc bà lấy bằng thạc sĩ rồi tiến sĩ về quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia, New York. Từ năm 1976 đến năm 1978, bà làm trợ lý lập pháp cho Thượng nghị sĩ Ed Muskie, đảng viên Đảng Dân chủ. Năm 1978, Albright được Brzezinski tuyển dụng để làm trợ lý tại Nhà Trắng. Sau khi Tổng thống Jimmy Carter kết thúc nhiệm kỳ, bà lùi về Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington, dành thời gian nghiên cứu về nền chính trị mới tại các nước Đông Âu.

Cột mốc đặc biệt trong đời Albright diễn ra vào năm 1992, khi bà lần đầu tiên trở thành đại sứ tại Liên Hợp Quốc. Với các chính sách đối ngoại chủ đạo của tổ chức này trong thời điểm đó như: hậu quả của sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, các cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũ, hòa bình cho Israel và Palestine, cùng sự trỗi dậy của Hồi giáo chính thống, đã giúp Albright phát huy được hết năng lực của bà.

Bà chính thức được bổ nhiệm thành Ngoại trưởng Mỹ năm 1997, đồng thời cũng trở thành người phụ nữ có quyền lực cao nhất trong lịch sử nước này kể từ khi lập quốc. Dù là người có vị trí cao thứ tư trong chính phủ thời bấy giờ, Albright đã không thể hoàn thành vai trò của mình như những người tiền nhiệm Henry Kissinger hay Zbigniew Brzezinski vì bà không đủ các tiêu chí là công dân Hoa Kỳ bẩm sinh như được định nghĩa trong hiến pháp.

Sau khi nghe tin cựu Ngoại trưởng Albright qua đời vào ngày 23/3 tại nhà riêng do bệnh ung thư, cựu Tổng thống Bill Clinton đã bày tỏ sự tôn trọng với người cựu đồng sự qua lời nhận xét: "Albright là một trong những vị Ngoại trưởng tuyệt vời nhất của nước Mỹ. Bà cũng là một đại sứ xuất sắc, một giáo sư lỗi lạc và là một con người phi thường”.

Ben Rhodes, cựu Cố vấn chính sách đối ngoại của Barack Obama, cho biết: “Madeleine Albright luôn vô cùng hào phóng, khuyến khích những người trẻ tuổi đang cố vươn lên trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Bà ấy luôn mở rộng vòng tay, mở rộng ngôi nhà và chia sẻ trí tuệ của mình”.

Còn Hillary Clinton, người kế nhiệm vị trí Ngoại trưởng của bà luôn nhớ đến những "lời khuyên khôn ngoan vô cùng" của Albright và chia sẻ: "Rất nhiều người trên khắp thế giới này đang sống một cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ sự phục vụ của bà ấy".

Cựu Tổng thống George W.Bush, kế nhiệm của Bill Clinton, đã gửi lời chào vĩnh biệt Albright và ví bà như “một Ngoại trưởng sinh ra ở nước ngoài, người đã hiểu rõ tầm quan trọng của các xã hội tự do đối với hòa bình trong thế giới của chúng ta”.

Trong thời gian tại vị và cả ngay sau này, Albright luôn đề cao mối hiểm họa từ chủ nghĩa độc tài. Trong cuốn sách cuối cùng xuất bản vào năm 2018, Albright đã đặt tựa đề là Một cảnh báo về Chủ nghĩa phát xít.

Trong bài phỏng vấn với Guardian, Albright từng cho biết: “Dân chủ không phải là hình thức chính phủ dễ dàng nhất. Nó đòi hỏi sự chú ý, tham gia, thực hiện các yêu cầu của xã hội, và cũng không phân phối các kết quả ngay lập tức. Tuy nhiên để mỗi công dân có thể tự do lựa chọn ăn món gì, bầu cho ai, thì không có cách nào ngoài phát huy dân chủ".

Cũng trong cuốn sách của mình, Albright đã gọi Donald Trump là “tổng thống phản dân chủ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ hiện đại” và bà cho rằng vị cựu tổng thống này "thực sự rất thông minh, nhưng là thông minh một cách xấu xa”.

Bốn năm khi Tổng thống Nga Vladimir Putin khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Albright đã đăng một bài trên tờ New York Times, kể lại những ấn tượng khi bà gặp gỡ nhà lãnh đạo này tại Moscow vào năm 2000.

“Trong chuyến bay về”, Albright viết: “tôi đã ghi lại những ấn tượng của mình về Tổng thống Nga. Tôi đã viết: “Putin nhỏ, xanh xao và lạnh lùng đến mức trông gần như một con bò sát. Ông ta tuyên bố rằng bản thân hiểu tại sao Bức tường Berlin phải sụp đổ nhưng không thể ngờ kéo theo nó là cả Liên Xô". Trong một đoạn khác, Albright bình luận: "Putin cảm thấy xấu hổ trước những gì đã xảy ra với đất nước của mình và quyết tâm khôi phục lại sự vĩ đại của nó".

Cựu Ngoại trưởng Mỹ từng dự đoán nếu Tổng thống Putin khiến tình hình Ukraine căng thẳng, ông sẽ phạm một sai lầm lịch sử.

Về vấn đề nữ quyền, Albright nhận xét Chính phủ Mỹ có vấn đề với phụ nữ trong chính trị. “Thành thật mà nói, tôi không hiểu được điều đó,” bà nói. “Chúng tôi rất giỏi và trở thành số một trong nhiều lĩnh vực nhưng chúng tôi lại không có chỗ đứng trong lĩnh vực của mình và không có câu trả lời cho câu hỏi tại sao lại thế".

“Khi tên tôi xuất hiện trên bàn của Ngoại trưởng Mỹ, mọi người sửng sốt như trông thấy người ngoài hành tinh, và tôi nghĩ rằng điều đó rất đáng thất vọng", Albright nói.

Vào năm 2012, Albright được trao Huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ. Tại lễ trao thưởng, Obama kể rằng: “Trong một dịp trước đó, một người đàn ông Ethiopia đã đến gặp Albright và nói với bà chỉ ở Mỹ ông mới thấy một người tị nạn có thể gặp Ngoại trưởng. Và bà đã trả lời, cũng chỉ ở Mỹ, một Ngoại trưởng cũng có thể đi lên từ một người tị nạn".

Nguyệt Linh

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/nu-ngoai-truong-dau-tien-trong-lich-su-nuoc-my-qua-doi-post119068.html