Nữ nghệ sỹ múa Nga và chiếc mũ lá quà tặng của Bác Hồ

64 năm về trước, 'con chim công' Ekaterina Varlamova năm nay đã 91 tuổi, là một thành viên thuộc đoàn ca múa nhạc dân tộc Bashkiria đến biểu diễn tại Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bà Varlamova cùng với các nữ nghệ sỹ trong đoàn được chụp ảnh với Bác Hồ. (Ảnh: Tâm Hằng/Vietnam+)

64 năm trước đây, vào tháng 11/1955, khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ mới xuất hiện trên bản đồ thế giới chưa lâu song đã kịp đi qua cuộc kháng chiến gian khổ kéo dài 9 năm và còn đang bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc, có một đoàn tàu hỏa từ nước Nga xa xôi chạy xuyên châu Á đằng đẵng suốt cả chục ngày đêm mới đến được thủ đô Hà Nội.

Con tàu đó chở hơn 30 nghệ sỹ thuộc đoàn ca múa nhạc dân tộc Bashkiria đến biểu diễn tại Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vì những đóng góp và thành công trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng đoàn ca múa nhạc Bashikiria phần thưởng cao quý - Huân chương lao động hạng Nhất.

Gần ba phần tư thế kỷ đã trôi qua, trong đoàn nghệ sỹ ngày ấy chỉ còn lại 4 người còn sống.

“Con chim công” (gọi theo tên tiết mục múa đơn của bà) Ekaterina Varlamova năm nay đã 91 tuổi. Nữ nghệ sỹ ưu tú, biên đạo múa, lãnh đạo đoàn ca múa nhạc hiện đang sống tại thành phố Upha, thủ đô của Cộng hòa Bashkortostan thuộc Nga. Phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga đã có dịp đến thăm bà.

Chiếc mũ lá - góc Việt Nam trong nhà của nghệ sỹ Varlamova. (Ảnh: Tâm Hằng/Vietnam+)

Chiếc mũ lá và điệu nhảy chân đất

Trong căn hộ nhỏ ngay tầng 1 không thấy có tranh, tượng sơn mài dân tộc như thường thấy tại bất kỳ nơi chốn nào trên thế giới có tình cảm với Việt Nam. Việt Nam của nữ nghệ sỹ Ekaterina Varlamova hiện diện nơi góc tường nhỏ khiêm tốn. Từ nơi bà mời ngồi mỗi khi có khách ấy, ngước mắt sang phải là tấm album gom góp lại tất cả các hình ảnh kỷ niệm của gia đình bà và người chồng đã khuất, còn bên trái là chiếc mũ lá gồi, kiểu dáng giống như chiếc mũ Bác Hồ thường đội mỗi khi đi thăm làng quê.

Chiếc mũ đã treo ở đó khi theo bà từ Việt Nam trở về đất nước có mùa Đông dài gấp đôi mùa Hè. Không hề hư hỏng, màu lá vẫn sáng. Người đã tặng cho bà chiếc mũ ấy nay có còn sống để biết rằng món quà đơn sơ của mình đã tạo nên góc nhỏ Việt Nam ở miền đất cách xa cả 10 tiếng bay?

Những hồi ức của bà được phóng viên TTXVN truyền tải nguyên vẹn trong lời kể dưới đây:

Tôi còn nhớ hôm tàu đến Việt Nam, đó là buổi sáng sớm đúng ngày 7/11, cả đoàn chúng tôi không ai chuẩn bị tinh thần và rất bất ngờ khi quá đông người ra ga (Hàng Cỏ) đón. Bao nhiêu nụ cười, vẫy tay. Đoàn chúng tôi ở tại một trường trung học cũ của Pháp ở trung tâm thành phố (Trưng Vương?). Và trong suốt những ngày chúng tôi ở Việt Nam, chúng tôi luôn được dành cho sự quan tâm chu đáo, cảm động, như người nhà vậy.

Chiều 7/11, chúng tôi được dự lễ đón tại Đại sứ quán Liên Xô. Tổ chức tiệc tự chọn mà lúc đó đoàn chúng tôi còn không hiểu tự chọn là gì. Xung quanh là các phu nhân ngoại giao trang phục rất sang trọng, váy hở lưng, găng tay trắng cao sát gần vai. Khung cảnh rất lạ lẫm với diễn viên lần đầu đi nước ngoài như chúng tôi nên ai nấy nhút nhát tụm một góc. Rồi Đại sứ Liên Xô xuất hiện và nói: “Các vị đừng ngại ngần. Đây là bữa tiệc dành riêng cho các vị đấy.”

Ở Việt Nam, ban đầu chúng tôi đi diễn ở các tỉnh bằng ôtô buýt, nhưng sau đó có âm mưu ám hại đoàn văn công, vậy là chúng tôi được chuyển sang đi ôtô con. Bốn người trên một xe, hai diễn viên, một lái xe và một người bảo vệ cầm súng.

Tôi còn nhớ những con đường phơi rơm chạy qua rừng rậm. Mỗi khi xe dừng tại đâu, người bảo vệ phải kiểm tra chắc chắn an toàn rồi mới ra hiệu cho chúng tôi ra khỏi xe. Đã có những vụ xe ôtô bị đặt mìn. Cũng vì lý do an toàn mà không bao giờ các cặp vợ chồng ngồi cùng một xe. Vợ một xe, chồng một xe. Nhỡ có xảy ra chuyện không may thì các con chúng tôi để lại Liên Xô còn có được hoặc cha hoặc mẹ. Chúng tôi đã di chuyển như vậy đến hầu hết tất cả các thành phố của Việt Nam dân chủ cộng hòa trong suốt một tháng.

Các buổi biểu diễn được tổ chức trong hội trường, đèn tắt bớt đi vậy là thành sân khấu. Đoàn chúng tôi trình diễn các tiết mục múa, hát của Bashkiria và Nga, và của các dân tộc khác ở Liên bang Xô viết. Buổi biểu diễn nào cũng vang dội tiếng vỗ tay, mà khi vỗ tay kéo dài tức là các nghệ sỹ cần ra biểu diễn lại, một điều không hề dễ dàng đặc biệt với các nghệ sỹ múa.

Rồi các bạn Việt Nam cũng dạy lại chúng tôi những tiết mục của mình. Ấn tượng nhất là các bạn Việt Nam không biết múa khi đi giày, họ chỉ đi chân đất. Tôi nhớ tôi muốn dạy họ điệu nhảy đôi “kadril” kiểu Nga, có những động tác gõ gót, dậm giày. Các bạn Việt Nam không thể nào quen đi giày nhảy, vậy là “kadril” Nga không thành, mà thành ra chúng tôi học múa sạp. Nhìn tưởng đơn giản mà không dễ thuộc nhịp để không bị thanh tre kẹp vào chân. Chúng tôi đã mang theo các cây tre về Liên Xô và trong các chuyến lưu diễn nước ngoài sau này, đoàn ca múa nhạc dân tộc chúng tôi có thêm tiết mục múa sạp của Việt Nam.

Đại biểu Đại sứ quán, Ban lễ tân Tổng thống Bashkortostan và phóng viên TTXVN chụp ảnh kỷ niệm với nữ nghệ sỹ và con gái bà. (Ảnh: Tâm Hằng/Vietnam+)

Vị khách của Bác Hồ

Trước chuyến đi tôi chỉ biết rằng Việt Nam vừa có chiến tranh. Trước đó, năm 1955 tại thủ đô Moskva diễn ra Tháng Văn hóa Bashkiria và đoàn ca múa nhạc Faizi Gaskarova của chúng tôi đã biểu diễn rất thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt tại Moskva lúc đó, Người xem đoàn biểu diễn và sau đó qua kênh Bộ Văn hóa Liên Xô mời đoàn đến Việt Nam. Vậy là chúng tôi vinh dự được làm khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúng tôi đến Việt Nam khi đất nước mới được 10 tuổi. Chúng tôi đến Việt Nam khi còn nhiều nước chưa công nhận Việt Nam, khi chưa có đất nước nào khác trên thế giới đến đây. Liên Xô là nước đầu tiên dành cho Việt Nam sự tôn trọng.

Chúng tôi đã gặp Bác rất nhiều lần. Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đoàn chúng tôi đến dinh thự, cùng xem các bộ phim Xô viết. Dù là Chủ tịch nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất giản dị và dễ gần. Tôi còn nhớ mỗi lần gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn rút trong túi ra cả nắm kẹo, chia cho chúng tôi, y hệt như người Nga chúng tôi thường làm mỗi khi có khách là trẻ em đến nhà vậy. Người ít nói mà chủ yếu là những người khác nói. Họ kể về chiến tranh, báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về những nơi chúng tôi đã đi qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất dễ mến.

Chúng tôi đến biểu diễn tại quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không có hội trường, chúng tôi hát múa ngay ngoài trời, nhảy kadril Nga ngay trên sân đất, trong trang phục bình thường chứ không phải trang phục biểu diễn. Bây giờ tôi biết là nơi đó đã trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ, còn lúc đó chỉ là ngôi nhà cũ của Người, còn Bác Hồ thì sống ở Hà Nội. Một người họ hàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đón chúng tôi, giới thiệu với chúng tôi về ngôi nhà tuổi thơ của Bác.

Tôi được chọn để đến chào từ biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đoàn kết thúc chuyến lưu diễn. Tôi thấy Người cảm động, chúng tôi thì mải quan sát nên cũng không còn nhớ đã trò chuyện những gì. Đặc biệt là giây phút được tặng cuốn album ảnh do Bộ Văn hóa chuẩn bị sẵn.

Bìa album làm từ chất liệu sơn mài truyền thống của Việt Nam, hơn 60 năm qua dẫu màu có phai nhiều nhưng không hề nứt. Tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu cho cuốn album lưu giữ kỷ niệm cho tôi về chuyến đi ấy, như mối duyên lành mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn nền văn hóa Bashkiria của chúng tôi để giới thiệu với Việt Nam.

Nữ nghệ sỹ múa E.Varlamova khi đến Việt Nam. (Ảnh: Tâm Hằng/Vietnam+)

Ấn tượng Việt Nam

Cuối năm 1955, chúng tôi trở về Liên Xô. Tôi và chồng tôi (là nhạc sỹ trong đoàn) mừng mừng tủi tủi gặp lại con gái hai tuổi sau hơn một tháng xa cách. Hành trang tôi mang về Liên Xô nay còn giữ được chiếc mũ và cuốn anbum ảnh. Mấy món đồ lưu niệm khác đã phải đầu hàng thời gian. Nhưng những ấn tượng thì vẫn còn nguyên: các diễn viên “chân đất” Việt Nam, món chim bồ câu quay ngon tuyệt cú mèo, vị lãnh tụ vô cùng giản dị luôn có kẹo trong túi.

Song ấm áp nhất, sâu sắc nhất chính là những con người Việt Nam tốt bụng, chu đáo. Dân tộc Việt Nam là dân tộc niềm nở nhất thế giới. Sau này, trong hai mươi năm làm việc trong đoàn, tôi còn được đi 14 nước, song có lẽ không bao giờ tôi quên nụ cười đã đón chúng tôi trên sân ga Hàng Cỏ, không bao giờ quên những cánh tay vẫy nồng nhiệt và đoàn dài người đi theo tiễn đoàn tàu rời sân ga.

Đất nước Việt Nam lúc đó rất nghèo, chúng tôi thường chia sẻ khẩu phần ăn của mình với các nhân viên phục vụ. Bản thân tôi đã từng trải qua những ngày thành phố Saint-Petersburg bị phong tỏa trong Chiến tranh Vệ quốc, khẩu phần ăn cho đứa trẻ 13 tuổi là tôi lúc đó là 120 gram bánh mì một ngày đêm, chị gái tôi đã mất vì đói. Nên Việt Nam với tôi là đồng cảnh ngộ.

Và nếu ngày đến Việt Nam có ai còn chút ngạc nhiên khi không có nhiều hoa trong dòng người ra đón, thì ngày rời đi chúng tôi biết, hoa là điều xa xỉ ở đất nước còn đang bị chia cắt, còn đang tranh đấu vì toàn vẹn lãnh thổ của mình. Thay cho hoa các bạn có nụ cười, có tình cảm chân tình cho những người bạn, có những xả thân để bảo vệ những nghệ sỹ nước ngoài không quen biết!

Nữ nghệ sỹ Ekaterina Varlamova đã 91 tuổi, sau khi chồng bà mất, bà sống một mình, con gái bà ở gần đó. Cuộc trò chuyện diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ vì sức khỏe của bà không cho phép nói lâu.

Ngoài những chia sẻ quý báu về thời kỳ lịch sử thuở ban đầu dựng nước, cá nhân phóng viên cùng với đại diện Ban lễ tân Tổng thống Bashkortostan còn phải kinh ngạc với tiếng Nga chuẩn xác và ngôn từ văn học đúng chuẩn Saint-Petersburg của bà.

Xin kính chúc bà mạnh khỏe, cảm ơn bà, cảm ơn những người bạn của Việt Nam!

TTXVN tại Nga

Tâm Hằng

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nu-nghe-sy-mua-nga-va-chiec-mu-la-qua-tang-cua-bac-ho-74290.html