Nữ lái xe đi giày cao gót: Có nên cấm tuyệt đối?

Hình ảnh người phụ nữ tháo chạy khỏi chiếc xe Mercedes GLC 250 đang bốc cháy (Hà Nội) hôm qua, 20/11 với đôi giày cao gót khiến nhiều người ám ảnh câu hỏi: Liệu có phải vì đi giầy cao gót nên nữ xế đã gây tai nạn nghiêm trọng?

LTS:Vấn đề đi giày cao gót khi lái xe đối với nữ giới lại được cộng đồng mạng mổ xẻ sau vụ tai nạn xe Mercedes GLC đâm bốc cháy hôm qua tại Hà Nội. Chuyên mục Ô tô xe máy xin giới thiệu góc nhìn của độc giả Hà Viên (Định Công, Hà Nội), amind Diễn đàn Luật Giao thông và ATGT.

Đã có rất nhiều vụ tại nạn ô tô nghiêm trọng xảy ra trong nội đô, nguyên nhân thì có nhiều và sau mỗi tai nạn, mọi người thường hay bàn tán về nguyên nhân cốt lõi: do rượu, do ma túy, do bị bệnh... ?

Nhưng nếu lái xe là một phụ nữ, không uống rượu thì nguyên nhân hàng đầu được cộng đồng mạng chia sẻ luôn là, có phải vì họ đã đi giầy cao gót không?

Nữ tài xế tháo chạy với đôi giày cao gót trong vụ tai nạn cháy Mercedes GLC 250, BKS 30G-007.85 hôm 20/11 tại Cầu Giấy, Hà Nội.

Nữ tài xế tháo chạy với đôi giày cao gót trong vụ tai nạn cháy Mercedes GLC 250, BKS 30G-007.85 hôm 20/11 tại Cầu Giấy, Hà Nội.

Vụ tai nạn ô tô sáng hôm qua, 20/11 cũng gây ám ảnh nhiều người về lý do này. Chiếc Mercedes GLC 250, BKS 30G-007.85 được lái bởi một phụ nữ đã đâm xe máy và xe đạp rồi bốc cháy dữ dội khiến 1 người tử vong. Nữ tài xế Vũ Thị Hồng Thái (SN 1972, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chạy ra khỏi xe với một đôi giày cao gót.

Vậy giầy cao gót có phải là nguyên nhân khiến các nữ tài xế mất kiểm soát tay lái và gây tai nạn?

Xem video thực nghiệm:

Để tìm lời giải cho thắc mắc này, tôi đã thử trải nghiệm nhanh tình huống này: uớm chân vào một đôi giầy cao gót và ngồi lên vị trí ghế lái ô tô.

Đúng như dự đoán (bỏ qua cảm giác khó chịu vì tôi là đàn ông), tôi thấy có quá nhiều mặt hạn chế của giầy cao gót khi lái xe.

Giầy cao gót làm tăng chiều dài của chân trong khi khoảng cách của mặt sàn với đáy tablo không thay đổi được. Một số phụ nữ lái xe thường hay chỉnh ghế ngồi sát tay lái nên không gian để nhấc chân càng bị thu hẹp.

Theo lý thuyết, khi chuyển từ chân phanh sang chân ga chỉ giữ nguyên gót chân làm trụ, xoay cổ chân là có thể làm được. Nhưng thực tế, chân ga trên ô tô thường được thiết kế luôn thấp hơn chân phanh. Chính vì vậy, để xoay được bàn chân đổi từ ga sang phanh, ta vẫn phải nhấc chân lên và giầy cao gót quả thực làm hạn chế rất nhiều động tác này.

Tôi đã thử và luôn bị mắc ở cạnh chân phanh khi xoay chân. Cần ngửa bàn chân lên rất cao mới có thể đưa chân vào đúng vị trí chân phanh.

Cấu tạo của giầy cao gót như một cái ke vuông, khi điểm đặt dưới sàn bị cố định, cộng với động tác nhấc lùi chân về phía sau thì mũi chân luôn chúi xuống.

Trong quá trình lái xe, thời gian đặt chân ở chân ga chiếm đa số thời gian. Chính điều này làm cho chân ì một chỗ, khi đi giầy cao gót ( đặc biệt là giầy có đế nhọn) sẽ vô tình tạo ra một điểm lõm trên sàn xe . Khi có tình huống sự cố bất ngờ xảy ra, người lái sẽ có phản xạ là rút chân ra khỏi chân ga, chuyển sang chân phanh và mọi việc bắt đầu từ đây.

Như phân tích ở trên, không gian di chuyển chân bị hạn chế, ma sát giữa gót giầy và sàn xe lớn, phản xạ chân kém do đặt lâu ở một vị trí .... thì trong một thời điểm tức, thao tác chân sẽ rất dễ dẫn đến sai lầm.

Tôi không đổ tội hoàn toàn cho giầy cao gót nhưng theo phân tích chủ quan, tôi khẳng định, trong các vụ tai nạn, nó là một yếu tố quan trọng cộng hưởng với một số yếu tố khách quan bất lợi khác và từ đó, dẫn tới thảm họa.

Trên thế giới, hậu quả của việc lái xe với giày cao gót đã không còn là vấn đề mới. Năm 2014, Chính phủ Pháp đã ban hành quy định cấm nữ giới đi giầy cao gót khi điều khiển phương tiện giao thông. Nếu bị phát hiện, hình thức xử phạt không khác gì các lỗi vi phạm an toàn giao thông thông thường.

Chính vì vậy, tôi khuyên chân thành, là phụ nữ cần phải đẹp nhưng khi lái xe, bạn nên mang theo một đôi giầy bệt, hoặc trong trường hợp bất khả kháng ( thường chỉ di chuyển quãng đường ngắn) thì bạn nên bỏ giầy và đi chân không để lái xe.

Và thiết nghĩ, Chính phủ cũng nên cân nhắc xem xét bổ sung quy định cấm đi giày cao gót khi lái xe.

Hà Viên (admin Diễn đàn Luật Giao thông và ATGT)

Theo bạn, có nên cấm đi giày cao gót khi lái xe? Mọi ý kiến chia sẻ dưới dạng bài viết, hình ảnh, xin gửi về email: otoxemay@vietnamnet.vn. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/oto-xe-may/sau-tay-lai/nu-lai-xe-di-giay-cao-got-co-nen-cam-tuyet-doi-590281.html?vnn_source=trangchu&vnn_medium=box-oto-xe-may2