Nữ kỹ sư đam mê tạo giống lúa mới

Gần 12 năm công tác trong lĩnh vực KH&CN để lại trong tôi ấn tượng khó quên về những tấm gương tiêu biểu. Một trong số đó là chị Trần Thị Hồng, hiện là Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh.

Chị Trần Thị Hồng (thứ 2, phải sang) giới thiệu với đoàn cán bộ Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) về giống lúa mới của Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh, tháng 5/2019.

Chị Trần Thị Hồng (thứ 2, phải sang) giới thiệu với đoàn cán bộ Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) về giống lúa mới của Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh, tháng 5/2019.

Chị Trần Thị Hồng là người phụ nữ giản dị, đôn hậu, thân thiện, luôn cháy bỏng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cả đời gắn bó với nông dân. Thành quả 32 năm nghiên cứu của chị thật đáng nể phục: Cùng cán bộ Công ty lai tạo được 626 giống lúa mới, trong đó có 12 giống lúa được công nhận giống lúa quốc gia

Trong những lần đi công tác cùng chị, thăm những mô hình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào thực hiện khảo nghiệm, phục tráng, sản xuất những giống lúa mới từ kết quả những nhiệm vụ khoa học do chị tâm huyết đề xuất, được UBND tỉnh giao thực hiện, tôi rất khâm phục chị bởi nguồn năng lượng dồi dào, không mệt mỏi, cả đời gắn bó với đồng ruộng như một nông dân thực thụ.

Trong chuyến công tác cùng chị gần đây nhất là kiểm tra nhiệm vụ “Phục tráng giống lúa Bao thai lùn trên địa bàn miền Đông tỉnh Quảng Ninh”, chị Hồng tâm sự: Tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I năm 1988, chị xác định gắn bó cuộc đời mình với quê hương Đông Triều, nên xin vào làm việc tại Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh. Chị được phân về tổ kỹ thuật với công việc sản xuất giống lúa. Từ đó đến nay chị vẫn gắn bó với công việc của một người nghiên cứu tìm ra những giống lúa mới có năng suất và chất lượng tốt nhất cho ngành Nông nghiệp của tỉnh, của đất nước.

Chị Trần Thị Hồng đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng: 2 Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam (năm 2010, năm 2012); Giải thưởng KOVA về “Khoa học công nghệ ứng dụng đạt hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống xã hội” năm 2012; Bằng khen của UBND tỉnh năm 2012; 1 giải nhất, 1 giải nhì Hội thi STKT tỉnh lần thứ I, năm 2012; 1 giải nhì, 1 giải ba Hội thi STKT tỉnh lần thứ V, năm 2014-2015; Bằng khen Hội LHPN tỉnh, LĐLĐ tỉnh…

Công việc nghiên cứu đòi hỏi phải tỉ mẩn ngồi đo đạc, ghi lại số liệu của từng hạt lúa ở mỗi giống khác nhau. Các khâu này được lặp đi lặp lại từ 3-4 vụ lúa để đưa ra kết quả chính xác nhất về chất lượng, năng suất của giống lúa đó. Sau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, giống lúa mới sẽ được gieo mạ, cấy, thu hoạch trên cánh đồng khảo nghiệm của Công ty. Thời gian từ nghiên cứu cho đến đưa được một giống lúa mới ra thị trường mất 8 năm với rất nhiều chi phí sản xuất, nên người làm công việc này phải thực sự tâm huyết, không nản chí.

Chị Hồng đã luôn nỗ lực, trở thành tấm gương sáng về sự làm việc không mệt mỏi ngày đêm, thổi bùng ngọn lửa yêu nghề trong những kỹ sư nông nghiệp, cán bộ, nhân viên trẻ ở Công ty. Chị Hồng tâm sự: Các vụ sản xuất gần đây, giá xăng dầu, phân bón, thuốc BVTV tăng, đẩy chi phí đầu vào cây lúa lên cao. Hạt thóc giống làm ra giá cả vẫn không tăng, không tương xứng với chi phí đầu vào, nhưng tôi luôn vận động CBVNV Công ty tin tưởng, yên tâm, tiếp tục bám ruộng, bám đất sản xuất.

Chị là chủ nhiệm đề tài chọn tạo giống lúa mới trong nhiều năm. Chị đã cùng cán bộ Công ty thực hiện nhiều giải pháp, sáng kiến đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ để tìm ra những giống lúa năng suất, chất lượng cho ngành Nông nghiệp Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung. Đến nay, đã được Bộ NN&PTNT công nhận 12 giống lúa quốc gia là: Khang dân 18, Q5, Ải 32, Lưỡng Quảng 164, Kim cương 90, Hương thơm số 1, Hồng Công 1, Khâm dục số 2, ĐT 34, Nếp ĐT 52, ĐT 37, ĐT 100. Các giống lúa mới của Công ty đã phát triển rất tốt ở 5 vùng sinh thái: Trung du miền núi, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Song song với đó là phục tráng, bảo tồn giống lúa bản địa của tỉnh như Nếp cái hoa vàng Đông Triều, Bao thai lùn Quảng Ninh, Bãi đỏ Đông Triều… nhằm khôi phục lại những giống lúa truyền thống, chất lượng thơm ngon vốn được tạo ra từ những vùng đất riêng biệt của Quảng Ninh, tạo nên những sản phẩm OCOP của tỉnh.

Chị Trần Thị Hồng giới thiệu với đoàn cán bộ Sở KH&CN và huyện Đầm Hà về giống lúa Bao thai lùn được phục tráng tại xã Dực Yên (huyện Đầm Hà), tháng 10/2019.

Chị Hồng cho biết: Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) năm 2016, trong tốp 10 giống có diện tích gieo cấy lớn nhất, chiếm 53,4% diện tích lúa 2 vụ, thì giống lúa Khang dân 18 xếp thứ nhất, gieo cấy với 105.200ha bằng gần 26% diện tích gieo cấy các giống lúa tẻ, 16,6% cơ cấu các giống lúa của vùng. Trong lịch sử lúa nước Việt Nam chưa từng có giống lúa nào được gieo cấy nhiều như Khang dân 18.

Bên cạnh đó, các giống lúa: Q5, Hương thơm số 1 phát triển tốt, diện tích gieo cấy mỗi giống trên 300.000 ha, đứng thứ 6 cả nước, đứng thứ 2 các tỉnh miền Bắc. Đối với tỉnh Quảng Ninh, các giống lúa của Công ty được gieo cấy 70-80% diện tích, chống chịu sâu bệnh và thời tiết bất lợi tốt, năng suất tăng từ 1,5-2 tấn/ha, giá bán cao hơn 1.000-2000 đồng/kg so với giống cũ chưa được chọn lọc lại, làm lợi cho sản xuất hàng nghìn tấn lương thực. Giá trị gia tăng của các giống này ở mỗi vụ trên đất Quảng Ninh hàng tỷ đồng, do đó khuyến khích được nông dân hăng hái sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Với những thành tích đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học, chị Trần Thị Hồng đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng cao quý: 2 Bằng lao động sáng tạo (năm 2010, năm 2012); Giải thưởng KOVA về “Khoa học công nghệ ứng dụng đạt hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống xã hội” năm 2012; Bằng khen của UBND tỉnh năm 2012; 1 giải nhất, 1 giải nhì Hội thi STKT tỉnh lần thứ I; 1 giải nhì, 1 giải ba Hội thi STKT tỉnh lần thứ V năm 2014-2015; Bằng khen Hội LHPN tỉnh, LĐLĐ tỉnh…

Thu Hương (Sở KH&CN)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202003/nu-ky-su-dam-me-tao-giong-lua-moi-2476947/