Nữ kiến trúc sư dùng bay làm bánh kem độc đáo

Chỉ trong vòng 15 phút, chị Bùi Quỳnh Anh đã tạo nên một bức tranh hoa nổi trên bánh kem vừa lạ, vừa đẹp. Ít ai nghĩ 'bức tranh' trên bánh được tạo hình từ một chiếc bay.

Chiếc bánh kem trang trí trong vòng 15 phút nhưng vẫn tỉ mỉ, độc đáo - Ảnh: NVCC

Cái bay "ma thuật"

Vốn là kiến trúc sư, thay vì đi bố trí không gian, vẽ những ngôi nhà, chị Bùi Quỳnh Anh (32 tuổi, ở quận 7, TP.HCM) dùng các kỹ năng trong thiết kế để phối cảnh trên bánh kem. “Đang là nhân viên một công ty xây dựng, vào một ngày, mình bỗng phát hiện niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật làm bánh. Thế là quyết định bỏ việc, làm lại từ đầu. Bây giờ, thay vì suốt ngày nghĩ về các vật liệu xây dựng, mình 'nghịch' bột, đường, kem sữa, tìm hiểu để làm được cái bánh vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.

Chị Quỳnh Anh ôm "bó hoa" làm từ bánh kem đẹp như thật do mình làm - Ảnh: NVCC

Thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi kỹ thuật mới, gần đây chị Quỳnh Anh giới thiệu kỹ thuật tạo hình bằng bay. Vật dụng này khá quen thuộc với những nghệ nhân làm bánh, thường dùng chà láng kem trên bánh, nhưng dùng nó để tạo hình hoa, lá, các loài động vật trang trí cho bánh kem thì rất ít người làm. “Mình ứng dụng kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu, tách riêng từng chi tiết, tạo hình bên ngoài rồi ghép lại. Như bông hoa mẫu đơn, hay hoa cúc, cứ tạo hình từng cánh bên ngoài rồi ghép lại...”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.

Ứng dụng kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu, bông hoa được phân tách thành các chi tiết nhỏ, rồi dùng bay tạo hình từng cánh ghép lại - Ảnh: NVCC

Chị Quỳnh Anh cho biết thêm: “Để dùng bay vẽ hoa nét, màu đều, có được bức tranh bánh như ý, các bạn cần chú ý đánh kem làm sao cho kem đứng, không bị chảy nước, vữa”.

Dưới bàn tay khéo léo của chị Quỳnh Anh, chiếc bay nhỏ như có ma thuật, một chiếc bánh kem đẹp hoàn hảo dần hình thành. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, mà mỗi chiếc bánh có câu chuyện riêng, hoặc đơn giản, theo sự sáng tạo của nghệ nhân, mỗi chiếc bánh tạo ra cũng là duy nhất.

“Kể chuyện” bằng bánh

Mỗi chiếc bánh có một câu chuyện ẩn phía sau - Ảnh: NVCC

Bỏ việc thiết kế rẽ ngang nghề làm bánh là bước chuyển nghề táo bạo, nhưng đến bây giờ chị Quỳnh Anh vẫn không hối tiếc về sự lựa chọn cách đây 4 năm của mình. Chị tâm sự: “Càng ngày mình càng yêu công việc đang làm. Mình thường nhận đặt bánh theo yêu cầu riêng của khách hàng, dựa trên câu chuyện của mỗi người mà 'kể' lại trên bánh. Đến giờ mình vẫn nhớ chiếc bánh có cô gái đẹp rực rỡ trên bánh được làm để mừng ngày chị khấn nguyện để vào trường dòng. Có đôi bạn sinh viên kia không có đủ điều kiện nhưng muốn tặng nhau nhân ngày đi làm đầu tiên. Dù phải bù tiền nguyên liệu lúc làm, không tính chi phí tiền công nhưng mình vẫn vui khi nghe về tình bạn đẹp... Mỗi đề bài của khách hàng, mỗi câu chuyện họ kể đều là thách thức cho mình, làm sao để 'kể' câu chuyện hay trên bánh sau cho chuyển tải hết ý nghĩa ẩn ý trong đó”.

“Làm bánh thôi chứ đi học nhiều lắm. Cứ lâu lâu có kỹ thuật mới mình lại tìm lớp, tìm giáo viên để học kỹ năng mới. Như ngày xưa lúc mới tiếp xúc với bột, đường, lúc đó các lớp làm bánh kem bơ Hàn Quốc bắt đầu vào Việt Nam, rồi học làm bánh kem sữa tươi, đi học thêm vẽ chân dung trên bánh... Nhiều khi phải ra nước ngoài học từ các nghệ nhân để được ứng dụng các kỹ thuật mới nhất”, chị Quỳnh Anh kể.

Vẽ tranh chân dung trên bánh sắc nét như thật - Ảnh: NVCC

Lần đầu tôi gặp chị Quỳnh Anh là buổi dạy học làm bánh miễn phí cho các phụ nữ khó khăn, giúp các chị có nghề kiếm sống. Không chỉ hỗ trợ về kỹ thuật, đứng lớp trực tiếp giảng dạy, chị Quỳnh Anh còn góp tiền để mua nguyên liệu cho học viên học thực.

“Mình chỉ nghĩ đơn giản làm việc gì đó trong khả năng của mình mà giúp được nhiều người thì giúp. Kiến thức mình học, đem chia sẻ với các chị cũng không mất đi. Các chị có thêm 'cần câu cơm', mình có thêm cơ hội để luyện lại kỹ năng cơ bản từng học. Vừa dạy, vừa học, mình cũng có lợi mà”, chị tâm sự.

Nguyên Trang

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/nu-kien-truc-su-dung-bay-lam-banh-kem-doc-dao-1017496.html