Nữ khoa học của nhà nông 'ẵm' Giải thưởng Kovalevskaia 2018

GS. TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, vừa vinh dự nhận giải cá nhân Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018.

Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch UBGT Kovalevskaia Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan trao Giải thưởng Kovalevskaia 2018 cho 1 tập thể, 1 cá nhân (GS.TS. Nguyễn Thị Lan đứng thứ 2 từ phải sang).

Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch UBGT Kovalevskaia Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan trao Giải thưởng Kovalevskaia 2018 cho 1 tập thể, 1 cá nhân (GS.TS. Nguyễn Thị Lan đứng thứ 2 từ phải sang).

Giáo sư trẻ nhất trong lịch sử nông nghiệp

“Nghiên cứu khoa học là con đường vinh quang nhưng đầy chông gai, nếu không có đam mê thực sự sẽ khó lòng vượt qua được”, GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Bà đã chủ trì và tham gia 22 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, từ cấp Nhà nước đến cấp Bộ; có 105 bài báo khoa học trong và ngoài nước, trong đó 29 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI.

Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ của bà được công nhận và chuyển giao thành công như: “Kít chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) hay bệnh tai xanh ở lợn”; Công nghệ chế tạo vắc-xin phòng bệnh tai xanh “Công nghệ chế tạo kháng thể đơn dòng chẩn đoán đặc hiệu bệnh Care (bệnh sài sốt) ở chó”; “Công nghệ chế tạo vắc-xin phòng bệnh Care ở chó”; “Công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật (đệm lót sinh học) sử dụng trong chăn nuôi”… Đây đều là sản phẩm từ những công trình nghiên cứu khoa học nổi bật mà bà và đồng nghiệp đã dày công thực hiện tại Phòng thí nghiệm trọng điểm. Thành công này đã góp phần mở ra các hướng nghiên cứu mới các bệnh truyền nhiễm trên động vật, tiến tới thanh toán dịch bệnh, giảm thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân.

Đặc biệt, sản phẩm đệm lót sinh học đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, tăng thu nhập cho người dân; đã được ứng dụng tại nhiều hộ chăn nuôi lợn ở các tỉnh Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Nội,... mang lại hiệu quả cao.

Ngoài việc đào tạo nguồn lực chất lượng cao, Phòng thí nghiệm trọng điểm này còn là nơi kết nối với các nhà khoa học để tư vấn được các giải pháp, phòng chữa bệnh một cách tốt nhất. Nhiều test thử khó các nơi chưa làm thì ở đây đã làm tốt như kỹ thuật hóa mô miễn dịch, sinh học hoạt tử, bệnh lở mồm long móng, các nghiên cứu về bệnh tai xanh, cúm gia cầm, PED, TGE, Parvo trên chó, bệnh gia cầm…

Mới đây nhất, GS. TS. Nguyễn Thị Lan cùng các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phát hiện virus dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn nuôi ở một số tỉnh phía Bắc ngay đầu năm 2019. Bà và các cộng sự đã giám sát, khống chế thành công virus dịch tả lợn châu Phi, tạo đột phá quan trọng trong nghiên cứu và chẩn đoán bệnh, nghiên cứu vắc-xin phòng dịch tả nguy hiểm này với ngành chăn nuôi Việt Nam.

Với những nỗ lực không ngừng, năm 2018, nữ giáo sư sinh năm 1974 này đã trở thành nhà khoa học trẻ nhất trong lịch sử của Học viện Nông nghiệp và của ngành Thú y Việt Nam. Trước đó, vào năm 2015, bà được trường ĐH Thú y, Đại học Tổng hợp Yamaguchi (Nhật Bản) trao tặng danh hiệu Giáo sư danh dự. Cũng trong năm 2018, bà được tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông”.

GS.TS. Nguyễn Thị Lan (thứ 2 từ trái sang) đam mê với nghiên cứu về thú y. Ảnh: Báo TNMT

Quan trọng là phải cân bằng trong cuộc sống

Ở cương vị người đứng đầu Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mặc dù rất bận rộn, nhưng GS.TS. Nguyễn Thị Lan vẫn tích cực tham gia định hướng chiến lược, định hướng nghiên cứu cho nhóm nghiên cứu mạnh về vắc-xin động vật. Ngoài ra, bà đã chỉ đạo thành lập nhiều nhóm nghiên cứu mạnh ở nhiều lĩnh vực khác như quản lý đất đai, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, cơ khí, chế biến thực phẩm… với mong muốn tạo ra những sản phẩm hữu ích với xã hội, kết nối được với quốc tế.

Hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đứng thứ 5 cả nước trong bảng xếp hạng đại học cả nước năm 2019, tăng 18 bậc trong bảng xếp hạng đại học quốc tế năm 2018.

Một trong những trăn trở của GS.TS. Nguyễn Thị Lan là yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp hiện đại và nông thôn văn minh. Sinh viên không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện...

Những năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác với trên 200 doanh nghiệp và hầu hết các tỉnh, thành phố nhằm tạo điều kiện thực tập thực tế cho sinh viên. Việc này sẽ tạo thêm cơ hội cho người học thực hành nghề nghiệp, cọ sát với thực tế, tiếp cận được các hệ thống máy móc hiện đại, quy trình sản xuất tiên tiến nhất hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể kết hợp được lý thuyết với thực tiễn sản xuất.

Học viện đã xây dựng được các hợp tác chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc… trong đào tạo ngắn hạn cho sinh viên và các thành phần trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại nước ngoài. Mỗi năm có 400-500 sinh viên của Học viện được cử đi đào tạo và rèn nghề tại Nhật Bản, Israel…

Với cương vị là Đại biểu Quốc hội khóa 14, GS. TS. Nguyễn Thị Lan tham gia tích cực vào các hoạt động góp ý, thảo luận xây dựng và hoàn thiện các luật Giáo dục, Trồng trọt, Khoa học công nghệ, Chuyển giao công nghệ…

GS.TS Nguyễn Thị Lan tâm sự, điều khó khăn nhất đối với phụ nữ làm khoa học và quản lý là làm sao để cân bằng trong cuộc sống, phân bổ thời gian hợp lý cho gia đình, công việc và các mối quan hệ khác. Bà khẳng định, phụ nữ Việt Nam dù bất kỳ ở cương vị nào cũng đều phát huy được vai trò, sức mạnh, sự khéo léo vốn có của mình để góp phần viết lên trang sử mới, tốt đẹp của dân tộc.

Chiều 4/3/2019, Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 đã được trao cho một tập thể nữ cán bộ Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; và một cá nhân là GS.TS. Nguyễn Thị Lan, giảng viên cao cấp, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà nữ toán học người Nga lỗi lạc thế kỷ 19 Sophia Kovalevskia (1850-1891). Giải thưởng này bắt đầu ở Việt Nam từ năm 1985, với đối tượng tham gia là các nhà khoa học nữ Việt Nam về lĩnh vực khoa học tự nhiên. Tính đến năm 2018, đã có 19 tập thể và 48 cá nhân nhà khoa học nữ được trao tặng giải thưởng này.

P.V

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/nu-khoa-hoc-cua-nha-nong-am-giai-thuong-kovalevskaia-2018-post26112.html