Nữ kế toán rời phòng lạnh 'nhăt' gạo sạch trên đồng rươi

Bằng tình yêu của mình với nông nghiệp, một nữ kế toán đã không ngại rời căn phòng làm việc mát mẻ, xắn quần lội xuống ruộng rươi để nhặt từng bông lúa sạch, đem những hạt gạo hữu cơ đến với người tiêu dùng...

“Người ta nói tôi gàn dở”

Chị Phạm Thị Kiều Oanh – Giám đốc dự án Gạo ruộng rươi, là cử nhân kinh tế và từng làm kế toán tại nhiều doanh nghiệp. Công việc văn phòng “ăn trắng mặc trơn”, chưa bao giờ chị Oanh lại nghĩ đến việc mình rẽ sang một con đường khởi nghiệp khác, nhất lại là với nông nghiệp. Ấy vậy mà... “Năm 2012, khi thấy sức khỏe có những dấu hiệu bất thường, mình đi khám và nhận được kết quả mắc bệnh tiểu đường. Quá sốc và không thể tin nổi, lúc đó mình mới 32 tuổi. Sau một thời gian dài chán nản, tôi xác định được rằng, mình còn trẻ, không thể để bị đánh gục trên giường bệnh mà phải thích nghi để sống vui vẻ với nó” - chị Oanh kể lại ngã rẽ cuộc đời mình.

Chị Oanh trên đồng gạo ruộng rươi. Ảnh nhỏ: Sản phẩm gạo ruộng rươi. Ảnh: T.A

Sản phẩm Gạo ruộng rươi phù hợp với những người cần ăn kiêng, giảm cân, có nhu cầu ăn chay, người bị bệnh tiểu đường, có bệnh về huyết áp...

Chị Oanh bắt đầu tìm hiểu chế độ dinh dưỡng thích hợp dành cho những người bị bệnh tiểu đường, trong đó có gạo lứt, khi thấy nó thực sự tốt cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Chị tự hỏi: “Tại sao mình không làm ra một loại gạo lứt sạch, không hóa chất để phụ vụ những người bệnh như mình?”. Nghĩ là làm, chị Oanh bắt đầu mày mò, tìm hiểu về kỹ thuật canh tác lúa – lĩnh vực mà trước đó, có nằm mơ chị cũng không nghĩ sẽ có ngày mình theo đuổi.

Những ngày sau đó, chị bắt đầu rong ruổi vào Nam, ra Bắc để tìm vùng nguyên liệu sạch để canh tác. “Rất nan giải, đến đâu tôi cũng bắt gặp cảnh những bờ cỏ vàng ruộm, cháy xém vì thuốc trừ cỏ, những thửa ruộng, không có bóng dáng một con cua, con cá vì môi trường bị nhiễm độc bởi thuốc trừ sâu. Cứ nghĩ đến là “rùng mình”, hạt gạo mình ăn từ những cánh đồng như vậy làm sao mà sạch được” – chị Oanh nói.

Nhiều lần trở về trong thất vọng, khi bắt đầu chán nản, chị Oanh được một người quen giới thiệu rằng, quê bạn ấy ở Ngũ Phúc (Kiến Thụy, Hải Phòng) có một vùng đất rất rộng dùng để nuôi con rươi, cực sạch và họ chỉ trồng lúa để tạo môi trường sinh thái cho rươi.

"Nhiều người vẫn nghĩ, con đường khởi nghiệp nông nghiệp rất sáng sủa, vì nó phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, sự thực là nó không hề màu hồng chút nào. Người khởi nghiệp ngoài đam mê, phải có kiến thức, có sự kiên trì, phải biết truyền được sự đam mê của mình cho những người xung quanh...”.

Chị Phạm Thị Kiều Oanh

Mừng như bắt được vàng, chị Oanh lập tức bắt xe về Hải Phòng để mục sở thị những gì người bạn chia sẻ. Về đây, chị thấy cánh đồng rươi được bà con canh tác hoàn toàn tự nhiên. Con rươi có giá trị kinh tế rất cao và môi trường sống của loại động vật này cũng khá đặc biệt. Nguồn đất, nguồn nước nuôi rươi phải rất sạch, không được sử dụng một loại phân bón, hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật nào nếu không rươi sẽ chết. Lúa được trồng trên ruộng rươi chủ yếu tạo môi trường, cân bằng hệ sinh thái cho rươi, vì không được phun kích thích hay bón hóa chất nên năng suất lúa rất thấp.

“Tôi mừng lắm, và đặt vấn đề sẽ canh tác một cách bài bản để nâng giá trị cho hạt gạo trên chính đồng rươi này. Nghe tôi nói vậy, bà con không tin, có người lắc đầu, người thì bảo tôi gàn dở, không làm được đâu, lúa ở đây mọc tự nhiên như thế, bông còi, 10 hạt thì được 5, họ toàn lấy cho vịt ăn thì làm sao mà bán được...” – chị Oanh cười khi kể lại những ngày đầu “se duyên”.

Không vì thế mà nản lòng, chị Oanh đã thuyết phục bà con cùng mình làm gạo sạch ruộng rươi, đưa giống lúa thích hợp nhất vào gieo trồng dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp. Tháng 4.2016, dự án Gạo ruộng rươi ra đời.

Đường không... trải hoa

Bắt tay vào dự án, chị Oanh như lạc vào một “cơn say” thực thụ với nông nghiệp sạch. Cứ rảnh ra là chị bắt xe xuống Hải Phòng, xắn quần lội ruộng cùng các kỹ sư nông nghiệp để quan sát, hướng dẫn bà con canh tác gieo trồng và chăm sóc lúa. Tiền tích cóp, dành dụm, cả những đồng lương ít ỏi của mình chị cũng đều mang đổ hết xuống... ruộng rươi.

Vụ lúa đầu tiên, chị cho canh tác trên cánh đồng rươi 32ha nhưng thực chất diện tích lúa trồng chỉ được 10ha. Chị Oanh giải thích: “Hệ sinh thái trên ruộng rươi rất đặc biệt, đất chỗ trũng chỗ cao, chỗ phẳng chỗ ghồ ghề. Lúa phải trồng kiểu... bất chấp địa hình nên chỗ thì cây mập mạp, chỗ cây lại còi cọc. Khi thu hoạch, mỗi sào ruộng chỉ thu về được khoảng 80 – 90kg thóc (năng suất lúa thường phải từ 2,5 – 3 tạ/sào). Trong khi đó, tỷ lệ thóc lép lại rất nhiều, bình thường 1kg thóc sau khi xát được khoảng 7 lạng gạo, còn gạo của mình chỉ được 5 lạng” – chị Oanh chia sẻ.

Thu hoạch xong, mẻ đầu chị Oanh mang đi xát ở máy thường, gạo bị vỡ vụn. Chị lại ngược xuôi đi tìm máy xát đủ tiêu chuẩn, thích hợp với kiểu gạo vừa lép nhiều, vừa sạn nhiều lại nhiều hạn sâu, đen như gạo của chị. Chị phải chở thóc từ Hải Phòng sang Nam Định để nhờ một doanh nghiệp chế biến gạo có máy xát theo công nghệ nước ngoài, xát dối, tách được màu, bỏ được sạn mà hạt gạo không bị vỡ. Nhưng chị Oanh bị từ chối thẳng bởi lượng hàng của chị quá ít, chưa được một nửa công suất mẻ xát.

Chị Oanh hết lời trình bày với chủ doanh nghiệp, chị sản xuất gạo chẳng vì mưu lợi, mà vì sức khỏe của người bệnh như chị... Hiểu ra và trân trọng tấm chân tình của chị, chủ doanh nghiệp cuối cùng cũng giúp chị hoàn thành công đoạn xát để cho ra sản phẩm Gạo ruộng rươi.

Chị Oanh cười cho biết: “Giờ nghĩ lại những ngày đầu, bản thân mình còn thâýkhiếp sợ. Bố mẹ, người thân và cả chồng tôi đều đã hết lời khuyên giải. Bố mẹ còn mắng mỏ tại sao đang ngồi làm việc trong phòng mát rượu lại thích phơi mặt ngoài đồng, lấm lem bùn đất như vậy? Dần dà, mọi người thấy tôi say mê quá, làm nông nghiệp lúc nào cũng tràn trề năng lượng, lúc nào cũng vui và phấn khởi, bệnh tật cũng vì thế mà thuyên giảm, sức khỏe tốt lên... nên tất thảy đều ủng hộ tôi. Đặc biệt là chồng tôi, không có anh, chắc chắn không thể có Gạo ruộng rươi như ngày hôm nay”.

Có được sản phẩm gạo sạch của mình, chị Oanh bắt đầu hành trình đưa gạo sạch đến với người tiêu dùng. Chị nói đó là hành trình: “Làm thế nào để người ta tin”: Sản xuất được sản phẩm sạch đã khó, làm thế nào để người tiêu dùng tin đó là sạch còn khó hơn gấp bội.

Cách đầu tiên chị tiếp cận khách hàng chính là... cho không sản phẩm. Cứ biết ở chỗ nào có hội thực dưỡng, lễ hội ăn chay hay vào những ngày rằm, mùng 1... chị lại gửi Gạo rươi đến biếu để mọi người có thể thưởng thức và cảm nhận. “Cơ thể của những người có bệnh, những người thực dưỡng, ăn chay... rất nhạy cảm, họ cũng được “thanh lọc” kỹ càng rồi nên việc cảm nhận sản phẩm nào là sạch thực sự rất dễ dàng. Đó cũng chính là những người kiểm nghiệm và là những khách hàng đầu tiên của mình” – chị Oanh nói.

Sau khi được thị trường “khó tính” nhất chấp nhận, chị Oanh bắt tay tìm cách gia tăng giá trị cho hạt gạo ruộng rươi bằng những sản phẩm bắt nguồn từ gạo. Hiện các sản phẩm chị làm ra là gạo lứt tím thảo dược; gạo trắng xát dối; cám gạo ruộng rươi; cốm gạo; sữa gạo; dấm gạo; bánh gai và bánh chưng gạo ruộng rươi.

Tùng Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dia-chi-xanh/nu-ke-toan-roi-phong-lanh-nhat-gao-sach-tren-dong-ruoi-835528.html