Nữ kế toán chiếm đoạt hơn 100 tỉ đồng gửi ngân hàng có thể đối diện án cao nhất là tù chung thân

Theo luật sư, với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên tới hơn 100 tỉ đồng, bị can Trần Thị Phương (37 tuổi) có thể phải nhận với mức án cao nhất là tù chung thân.

Chiều 28/1, Công an TP Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Thị Phương (SN 1984, trú tại khu tập thể Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Bị can Trần Thị Phương.

Bị can Trần Thị Phương.

Trao đổi với PV về vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Hà Nội) phân tích: "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Tội danh được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Với mức tiền đã chiếm đoạt là hơn 100 tỉ đồng, nữ bị can Trần Thị Phương có thể phải đối diện với mức phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

Luật sư cũng lưu ý trường hợp cán bộ ngân hàng có hành vi tiếp tay cho Phương hay không, yếu tố này cần được làm rõ trong quá trình điều tra.

Bị can Phương còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.

Với các khách hàng gửi tiền tại ngân hàng, luật sư khuyến cáo, để phòng tránh rủi ro, cá nhân nên trực tiếp làm việc với ngân hàng, tuyệt đối không nên tin tưởng bất kỳ ai vì trước vật chất thì dễ làm cho con người phát sinh lòng tham.

Thông tin về vụ việc, theo cơ quan công an, kết quả điều tra ban đầu xác định bị can Trần Thị Phương làm nhân viên kế toán cho hợp tác xã do bà T. (trú tại quận Thanh Xuân) làm chủ nhiệm. Trong quá trình kinh doanh, bà T. đã giao chứng minh nhân dân của mình cho Phương để thực hiện các giao dịch với các ngân hàng. Nội dung giao dịch đều đứng tên bà T.

Từ năm 2012 đến nay, bà T. giao cho Phương sử dụng khoảng 116 tỉ đồng để lập 47 sổ tiết kiệm gửi tiền tại 2 ngân hàng ở Hà Nội.

Đến hạn tất toán, Phương lại được giao đến làm thủ tục gia hạn 47 quyển sổ trên tại các ngân hàng này. Do bà T. và ông L. (chồng bà T) không bao giờ đến ngân hàng để giao dịch hoặc gia hạn sổ tiết kiệm nên bị can Phương đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền trên.

Phương đã rút hết tiền hơn 100 tỉ và lập sổ tiết kiệm mới mang tên mình chỉ từ 5-10 triệu đồng. Sau đó, bị can Phương đã photo lại toàn bộ 47 quyển sổ tiết kiệm mới rồi khéo léo cắt phần thông tin cá nhân của bà T. trong 47 quyển sổ photo trước đó, dán đè vào phần thông tin của mình trên sổ mới.

Như vậy, nếu không kiểm tra, bà T. hoàn toàn không thể biết được tiền của mình đã bị “bốc hơi” và tin tưởng 47 quyển sổ tiết kiệm hơn 100 tỉ của mình vẫn được gửi trong ngân hàng.

Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, Trần Thị Phương đã đầu tư vào tiền ảo và bị thua lỗ. Đến ngày 13/1/2021, bà T. kiểm tra 47 quyển sổ tiết kiệm mới “ngã ngửa” khi biết sổ đã bị Phương làm giả nên trình báo cơ quan công an để điều tra, xử lý.

Sông Yên

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/nu-ke-toan-chie-m-doa-t-ho-n-100-ti-dong-gu-i-nga-n-ha-ng-co-the-bi-phat-tu-chung-than-276156.html