Nữ hoàng văn hóa tâm linh: Vô nghĩa và... vô duyên

Ông Vương Duy Bảo thẳng thắn cho rằng việc trao những danh hiệu như thế này là một trò lố, cần phải chấn chỉnh ngay.

Việc bà Phạm Nữ Hiền Ngân được Trung ương Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trao danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam" và mới đây bà này được lựa chọn vào vị trí Phó ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam (trực thuộc Viện công nghệ chống làm giả, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam) đang gây bức xúc trong dư luận.

Trao đổi với Đất Việt, ông Vương Duy Bảo, nguyên Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH-TT-DL), thẳng thắn gọi đây là một trò lố, làm rối loạn công tác quản lý của Nhà nước.

Phân tích cụ thể, ông Vương Duy Bảo cho biết, cụm từ "Nữ hoàng văn hóa tâm linh" là vô nghĩa và... vô duyên.

"Xét về mặt ngữ pháp, đây là một từ ghép lủng củng và vô nghĩa. Nữ hoàng là tước vị của phương Tây, Việt Nam không có tước vị nữ hoàng.

Văn hóa tâm linh của Việt Nam thờ đạo Mẫu, đạo Phật, đạo Thiên Chúa và một số đạo khác. Ghép một hình thái văn hóa (văn hóa tâm linh) với một tước vị, một danh hiệu (nữ hoàng) là vô duyên và vô nghĩa về mặt văn hóa, tâm linh.

Cụm từ "Nữ hoàng văn hóa tâm linh" không khẳng định điều gì và không nói lên một thứ gì về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh Việt Nam", ông Vương Duy Bảo chỉ rõ.

Nữ hoàng văn hóa tâm linh Phạm Nữ Hiền Ngân

Nữ hoàng văn hóa tâm linh Phạm Nữ Hiền Ngân

Từ đây, nguyên Cục phó Cục Văn hóa cơ sở khẳng định, việc đưa ra danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh" chỉ là một trò đùa lố bịch, làm rối rắm việc quản lý của Nhà nước, đồng thời bản thân những người đưa ra danh hiệu này cũng không hiểu gì về văn hóa, tâm linh và ngữ pháp Việt Nam.

"Tôi cho rằng Bộ VH-TT-DL, Ban Tuyên giáo Trung ương cần có ý kiến về sự việc này.

Đồng thời, đơn vị cho phép thành lập Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phải nhắc nhở, chấn chỉnh Hội đi cho đúng đường lối, tôn chỉ của một hội nghề nghiệp, đừng đưa ra cụm từ không có ý nghĩa gì về mặt văn hóa, tâm linh cũng như không phục vụ gì cho sự phát triển của Hội.

Thậm chí, nếu cần thì phải kỷ luật, giải tán Hội, không cho tồn tại", ông Vương Duy Bảo nhấn mạnh.

Nguyên Cục phó Cục Văn hóa cơ sở đặt ra câu hỏi: Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam có lợi ích gì từ việc trao tặng những danh hiệu vô nghĩa như vậy?

Trước lùm xùm này, Hội đã vướng phải sự phản đối của dư luận khi trao tặng bằng khen "Giáo sư âm nhạc" cho ca sĩ Ngọc Sơn vào năm 2017.

"Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam có chức năng phong những danh hiệu đó không? Việc phong những danh hiệu ấy phải qua những cơ quan nào? Là hội nghề nghiệp, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam hãy chăm lo phát triển nghề nghiệp, đừng tạo ra những trò lố như vậy", ông Vương Duy Bảo kết luận.

Trong một diễn biến liên quan đến việc “Nữ hoàng Văn hóa tâm linh Việt Nam” Phạm Nữ Hiền Ngân được bầu Phó ban Phát triển Thương hiệu và Chống hàng giả, ngày 7/7, trao đổi với báo Người lao động, bà Ngân cho biết, bản thân không đam mê danh lợi. Việc được bầu giữ chức vụ trên chỉ là "hữu xạ tự nhiên hương".

Bà Ngân được nhiều người biết đến với việc tham gia hầu đồng, một nghi lễ tâm linh trong các phủ, đền ở Việt Nam.

Đến tháng 7/2018, bà đăng quang danh hiệu "Nữ hoàng Văn hóa tâm linh Việt Nam" trong chương trình do Trung ương Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần XNK Ôtô Ngọc Minh tổ chức.

Nói về việc hầu đồng, bà Ngân tâm sự: "Hầu đồng đã được UNESCO công nhận là một di sản phi vật thể của nhân loại. Tôi đam mê hầu đồng và mong ước được mang văn hóa hầu đồng của dân tộc mình đi khắp thế giới. Đó là tâm nguyện của tôi nhưng có lẽ vẫn còn nhiều thử thách".

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nu-hoang-van-hoa-tam-linh-vo-nghia-va-vo-duyen-3383329/