'Nữ hoàng' thạch sùng mắt to, chân dài đẹp nhất Việt Nam

Loài thạch sùng mí ngoài những chiếc chân dài, chúng được tạo hóa trang điểm cho chiếc 'áo khoác' đẹp đến từng chi tiết.

Theo nhà sinh vật rừng Phùng Mỹ Trung, vì vẻ đẹp kiêu kỳ của tạo hóa ban tặng các loài “nữ hoàng” chân dài này ở Việt Nam khiến chúng đang bị săn bắt bất hợp pháp làm vật nuôi cảnh và bán sang Trung Quốc. Vì vậy chúng rất cần quan tâm bảo vệ bằng cách mau chóng đưa chúng vào sách đỏ Việt Nam để quản lý bảo vệ các loài thạch sùng mí ngoài quý hiếm này. Ảnh: Thạch sùng mí hữu liên - Goniurosaurus huulienensis. Loài thằn lằn này được phát hiện ở vùng núi đá vôi (độ cao khoảng 300-400 m) ở Lạng Sơn. Đây cũng là loài thạch sùng mí thứ hai được phát hiện ở Việt Nam trong năm 2008 sau loài Thạch sùng mí Cát Bà Goniurosaurus catbaensis mới được công bố gần đây.

Các loài thạch sùng mí thuộc giống Goniurosaurus ở Việt Nam hầu hết sống ở các hang đá sâu thuộc các dãy núi đá vôi (ngoại trừ loài thạch sùng mí lích-ten-phơ Goniurosaurus lichtenfelderi sống ở núi đất thấp). Ảnh: Thạch sùng mí Cát Bà- Goniurosaurus catbaensis. Thạch sùng mí Cát Bà sống trong các khe đá và hang động trên các vách núi thuộc Khu sinh quyển Cát Bà – Hải Phòng. Loài này được công bố phát hiện ở Việt Nam vào tháng 05 năm 2008. Hiện tại mới chỉ ghi nhận loài thằn lằn này ở đảo Cát Bà và đây cũng là loài thạch sùng mí đặc hữu hiện biết ở Việt Nam.

Loài thạch sùng mí kiếm ăn vào ban đêm nên chúng có đôi mắt rất lớn với độ mở rất lớn để ánh sáng lọt vào nhiều nhất giúp chúng nhìn thấy kẻ thù để chạy trốn và thấy con mồi để tấn công. Các nhà nghiên cứu bò sát Việt Nam phân biệt chúng với nhóm thạch sùng thường vì gờ mí mắt nổi rõ hơn hẳn. Tuy nhiên tên tiếng Anh phổ thông lại là Leopard geckos vì da nó có đốm như da báo và màu sắc sặc sỡ. Ảnh: Thạch sùng mí Luii - Goniurosaurus luii

Nhà sinh vật rừng Phùng Mỹ Trung cho biết: "Thạch sùng mí ngoài những chiếc chân dài, chúng được tạo hóa trang điểm cho chiếc “áo khoác” sắc màu đẹp đến từng chi tiết. Với chiếc đuôi nguyên bản chỉ hơi phồng ở gốc, nhưng khi chúng bị đứt đuôi thì cái đuôi tái sinh sẽ phồng lên lớn hơn so với bình thường và rất rõ". Ảnh: Thạch sùng mí Lichtenfel- Goniurosaurus lichtenfelderi

Những chiếc đuôi tái sinh của các loài thằn lằn nói chung và thạch sùng mí nói riêng là một quá trình phát triển hết sức thú vị của nhóm bò sát này. Đuôi tái sinh không chỉ phát triển hệ cơ, mạch máu, hệ xương mà còn cả hệ thần kinh và đây là một sự phát triển đáng ngạc nhiên khiến cho các nhà nghiên cứu cần nhiều thời gian nghiên cứu sâu. Ảnh: Thạch sùng mí Việt- Goniurosaurus araneus. Với một màu vàng đen gần như đồng nhất trên thân, thạch sùng mí Việt là loài đặc hữu của tỉnh Cao Bằng của Việt Nam. Tên khoa học của loài này có nghĩa từ tiếng Lati, “aranea” có nghĩa là "con nhện", do hình dáng khẳng khiu, chân dài giống như loài nhện.

Theo Infonet

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi-dong-vat/nu-hoang-thach-sung-mat-to-chan-dai-dep-nhat-viet-nam-593299.html