'Nữ hoàng hột vịt' Ba Huân: Bàn tay tôi có thể cầm chắc 5 quả trứng

63 tuổi đời, bà dành 40 năm gắn bó với ruộng đồng, giúp đổi đời hàng nghìn nông dân nghèo miền Tây.

Trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn mới đây, có một doanh nhân không nhận mình là doanh nhân mà chỉ là nông dân. Bà là Phạm Thị Huân (Ba Huân), Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Ba Huân.

Tháng 10 năm ngoái, bà Ba Huân vinh dự nhận giải thưởng “Nông dân điển hình quốc tế”, do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc - FAO trao tặng. Bà là đại diện duy nhất của Việt Nam và cũng là một trong 5 nông dân được lựa chọn từ 45 quốc gia để trao thưởng.

Đây là giải thưởng quốc tế uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp dành cho những nông dân có mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng góp lớn cho cộng đồng. Với tiêu chí này, thật khó tìm người phù hợp hơn bà Ba Huân.

Bà Ba Huân nói về ước mơ gắn kết chuỗi thực phẩm sạch

"Nữ hoàng hột vịt" Ba Huân chia sẻ với Zing.vn về ước mơ làm nông nghiệp sạch, hỗ trợ nông dân làm giàu.

"Một tay tui có thể cầm chắc 5 quả trứng"

Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm gắn bó với nghiệp buôn trứng gia cầm, bà Ba Huân khẳng định bí quyết đầu tiên làm nên thành công chính là sự cần kiệm chắt chiu, dám nghĩ, biết làm.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó có 8 anh chị em ở Long An, chưa học hết tiểu học, bà phải theo mẹ ra chợ tập tành bán trứng. Đến 16 tuổi thì bà chính thức được mẹ tin tưởng giao cho nghiệp kinh doanh “gia truyền”, với lời dặn dò “kiến tha lâu thì đầy tổ”.

Nhớ lời dặn của mẹ, bà đi khắp các vùng quê thu mua trứng, kẽo kịt trên vai đôi quang gánh trĩu nặng.

“Những hôm trời mưa, đường lầy lội, để giữ gánh trứng trên vai không bị ngã nghiêng rơi vỡ, tui phải bám chặt ngón chân xuống bùn. Một tay tui có thể cầm chắc 5 quả trứng”, bà Huân lý giải về đôi bàn tay và bàn chân to bản của mình.

Nhờ siêng năng và chịu khó, vựa trứng của bà lớn dần. Cho tới năm 1970, khi bà kết nối việc buôn trứng từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn thì việc buôn bán ngày càng phát triển.

Cần kiệm, chắt chiu là bí quyết bà Ba Huân cho rằng đã giúp mình thành công. Ảnh: Lê Quân.

Năm 1982, bà Huân lập vựa trứng gia cầm khá lớn trên TP.HCM, lấy tên là Ba Huân. Từ những quả trứng vài ba nghìn đồng nhưng biết cần kiệm chắt chiu mà bà Huân đã gây dựng cho mình cơ nghiệp bạc tỷ.

Kinh doanh bạc lẻ mà dám nhập dây chuyền bạc tỷ

Không chỉ nỗ lực hỗ trợ nông dân thoát nghèo bằng giúp họ chăn nuôi gia cầm và bao tiêu đầu ra, bà Ba còn đều đặn dành tiền để làm từ thiện. Trong một chuyến làm công tác xã hội của công ty, bà tổ chức cuộc thi vẽ lên trứng cho các học sinh khiếm thị tại địa phương.

Sau khi vẽ xong, trứng được đem luộc để chia lại cho các em. Khi bóc vỏ, bà vô cùng sửng sốt khi lòng trắng trứng bên trong loang lổ xanh, đỏ, tím, vàng. Thì ra, màu tô bên ngoài vỏ đã ngấm vào bên trong.

Điều này cũng có nghĩa, lớp vỏ trứng vừa như lớp áo bảo vệ cho lòng trứng nhưng cũng giống như tấm lưới truyền vi khuẩn, chất độc hại từ bên ngoài vào. Muốn trứng sạch, vỏ trứng cần được diệt khuẩn và bọc một tấm áo bảo vệ. Nhưng diệt khuẩn bằng cách nào là câu hỏi khiến bà trăn trở.

Trong khi chưa tìm được giải pháp thì năm 2003, dịch cúm gia cầm bùng nổ và nhanh chóng lan rộng khiến nhiều hộ nông dân lâu nay chủ yếu làm nghề nuôi gà, nuôi vịt lấy trứng bỗng chốc bị phá sản. Những doanh nghiệp chế biến thực phẩm có sử dụng trứng trong quá trình sản xuất cũng đứng trước tình thế nguy cấp vì thiếu nguyên liệu.

Không cam lòng nhìn cơ nghiệp tiêu tan, nông dân điêu đứng, bà Ba đánh liều “xuất ngoại” tìm hiểu công nghệ của thế giới.

May mắn đã mỉm cười khi bà tìm đến tập đoàn Moba (Hà Lan). Được nhìn tận mắt cách người ta diệt khuẩn cho vỏ trứng trong một dây chuyền hoàn toàn tự động, bà vỡ òa vui sướng, quyết định vay mượn 30 tỷ đồng để nhập dây chuyền xử lý trứng sạch từ Hà Lan về.

“Lúc đó ai cũng nói tui liều, kinh doanh bạc lẻ mà dám nhập dây chuyền tiền tỷ về làm. Tui thì nghĩ nếu mình không dám làm thì sẽ chẳng bao giờ mong thay đổi được phận nghèo”, bà Ba kể.

Kinh doanh bạc lẻ nhưng từ những năm 2000, nữ nông dân Ba Huân đã đánh liệu nhập dây chuyền xử lý trứng hàng chục tỷ đồng về hỗ trợ sản xuất.

Với dây chuyền hiện đại này, trứng sẽ được rửa 2 lần, sấy khô rồi chiếu tia UV để diệt khuẩn, sau đó chuyển sang công đoạn soi để loại các trứng hư, nứt và phủ lên một lớp dầu, nhằm ngăn vi khuẩn từ bên ngoài tấn công vào.

Lúc này, trứng được chuyển đến khâu phân loại bằng cân định lượng trước khi in tên thương hiệu và đóng hộp.

Cách làm quy chuẩn và bài bản này đã giúp Ba Huân nhanh chóng lấy điểm trong mắt người tiêu dùng. Doanh nghiệp bắt đầu hoạt động ổn định và phất lên dần dần.

Ban đầu, nhà xưởng và hệ thống máy móc được Công ty Ba Huân đặt tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), với công suất xử lý 65.000 trứng/giờ. Đến năm 2009, bà Huân quyết định nhập thêm hệ thống xử lý trứng thứ 2 có công suất đến 120.000 trứng/giờ. Số vốn đầu tư cho lần này cũng cao hơn gấp đôi, lên tới hơn 70 tỷ đồng.

Việc kinh doanh tiến triển đều đặn, bà Ba muốn hoàn thiện chuỗi khép kín từ người nông dân đến khi ra thành phẩm nên đã đầu tư thêm trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao ở Bình Dương trên diện tích 18 ha, vốn đầu tư lên tới 320 tỷ đồng.

Tiếp đó, bà đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An. Tháng 4 tới đây, nhà máy Ba Huân ở phía Bắc khánh thành. Nhà máy được đầu tư 150 tỷ đồng này sẽ là nguồn cung cấp trứng gia cầm và thực phẩm sạch cho thị trường phía Bắc.

Kỳ vọng tương lai sán lạn của phụ nữ

Sự gắn kết chặt chẽ của Ba Huân với người nông dân bắt nguồn từ tấm lòng ham sẻ chia của bà Ba. Nhờ vậy mà 40 năm gắn bó cùng nông dân, bà chưa từng bị nông dân càm ràm.

“Làm lớn làm nhỏ gì thì chữ tín cũng phải đặt lên hàng đầu. Tui thu mua trứng của nông dân, dù thị trường có lên có xuống thì tui vẫn cam kết giá ổn định và bao tiêu đầu ra cho họ”, bà Huân khẳng định.

Không chỉ hỗ trợ đầu ra, nhiều năm qua Ba Huân còn hỗ trợ kỹ thuật đầu vào, hỗ trợ con giống và phương thức canh tác, chăm sóc cho nông dân đạt hiệu quả cao nhất.

Nỗ lực không mệt mỏi, bà Ba Huân khẳng định không phải để mình giàu hơn, mà muốn chia sẻ với cộng đồng cách sản xuất bền vững.

Mấy năm gần đây, nông dân đồng bằng Sông Cửu Long phải chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu, phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bà Ba Huân đã giúp đỡ bà con chuyển dịch từ trồng trọt sang nuôi vịt lấy trứng, đưa giống vịt mới vào chăn nuôi để cho năng suất cao hơn.

Cả giống vịt biển với sức đề kháng cao và chịu được mặn cũng được bà đưa về. Nông dân có thể dựa vào con vịt chạy đồng để bù đắp những thiệt hại do năng suất lúa giảm, hoặc không thể trồng lúa vì độ mặn cao.

“Ngày 10 tới đây tui sẽ xuống Đồng Tháp chỉ cho chị em cách nuôi vịt lấy trứng và sẽ bao tiêu đầu ra cho chị em. Tui thấy mình có trách nhiệm hỗ trợ hướng nghiệp cho chị em phụ nữ nông thôn.

Phụ nữ nông thôn rất cần việc làm, nhưng nhiều chị em chưa tự tin, và rất cần những người giúp đỡ họ. Mình phải tạo điểm tựa cho họ vươn lên. Tui đương kỳ vọng một tương lai sán lạn của phụ nữ thời đổi mới”,bà chia sẻ.

Bà Huân khẳng định đây cũng là nhiệm vụ của những nữ nông dân - doanh nhân như bà. Bởi bà cũng xuất thân từ nông dân. Bà mong phụ nữ thấy muốn thành công lớn thì phải đi từ những việc nhỏ, tích cóp dần dần.

Nói về tham vọng của Ba Huân trong tương lai, bà khẳng định những nỗ lực của bà không phải là để làm cho Ba Huân lớn hơn, giàu hơn, mà làm sao chia sẻ được với cộng đồng những hình thức, cách làm bền vững.

Hồng Nguyên - Lê Quân - Khương Nha

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nu-hoang-hot-vit-ba-huan-ban-tay-toi-co-the-cam-chac-5-qua-trung-post726368.html