Nữ hoàng Elizabeth II trong ký ức các cận vệ Hoàng gia

Nữ hoàng Elizabeth II, người vừa từ trần tại Lâu đài Balmoral ở Scotland hôm 9-9 được công chúng Anh nhớ đến như một vị vua kiên định, vững vàng trong suốt 70 năm trị vì vương quốc vượt qua những thời kỳ đầy biến động. Nhưng những câu chuyện do các cựu vệ sĩ của bà kể lại đã tiết lộ khía cạnh khác của vị quân vương mà hiếm khi công chúng thấy.

Ông Alex Owen (bên trái) chỉ huy đội kỵ binh hộ tống Nữ hoàng

Ông Alex Owen (bên trái) chỉ huy đội kỵ binh hộ tống Nữ hoàng

Sự hài hước đáng yêu

Richard Griffin, từng là sĩ quan bảo vệ của Nữ hoàng Anh hồi tháng 6 vừa qua đã kể với Sky News một câu chuyện rất hài hước nhân dịp tròn 70 năm Nữ hoàng lên ngôi. Đó là một lần ông tháp tùng Nữ hoàng khi bà đang đi dạo trên những ngọn đồi bên ngoài lâu đài Balmoral ở Aberdeenshire, Scotland. Hôm đó, hai du khách Mỹ thấy bà đi dạo nên đến gần trò chuyện. Họ hỏi về nơi bà sống. Nữ hoàng trả lời bà sống ở London và có một nhà nghỉ gần đó, tất nhiên không nói rõ rằng đó là lâu đài Balmoral. Vị khách hỏi có thường xuyên đến đây không, bà trả lời: “Kể từ khi tôi còn là một cô bé, hơn 80 năm rồi”.

Cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn khi các khách du lịch hỏi tiếp: “Chà, nếu bà đã đến đây được 80 năm, chắc hẳn đã gặp Nữ hoàng?”. Nữ hoàng Anh cho biết: “Tôi chưa gặp, nhưng Dick (biệt danh của ông Richard Griffin) gặp bà ấy thường xuyên”. Du khách Mỹ ngay lập tức chuyển sự chú ý của mình sang người vệ sĩ và hỏi rằng Nữ hoàng là người sống như thế nào. “Tôi đã ở bên bà ấy một thời gian dài. Bà ấy có thể rất khó tính, nhưng lại có khiếu hài hước đáng yêu”, người vệ sĩ hùa theo câu chuyện của Nữ hoàng.

Quá vui mừng, vị khách nước ngoài nhân tiện hỏi Nữ hoàng xem liệu bà có thể chụp ảnh cho anh ta với vệ sĩ Griffin không. “Trước khi tôi kịp nhìn thấy chuyện gì đang xảy ra, anh ấy đã lấy chiếc máy ảnh đưa cho Nữ hoàng và nói rằng: “Bà có thể chụp ảnh chúng tôi được không?”, ông kể lại. Rất tự nhiên, Nữ hoàng Elizabeth đã chụp một bức ảnh chung cho hai người trước khi Griffin cầm máy ảnh và chụp Nữ hoàng đứng cạnh hai vị khách du lịch không quen biết. “Tôi muốn anh bạn đó cho bạn bè ở Mỹ xem những tấm ảnh và hy vọng ai đó sẽ nói cho anh ấy biết tôi là ai”, Nữ hoàng nói với Griffin.

Trọng trách và vinh dự lớn nhất trong cuộc đời

Với 10 năm phục vụ trong đội hộ tống Nữ hoàng Anh, Thiếu tá Alexander Owen coi đó là một vinh dự lớn nhất trong đời. Hai năm phục vụ cuối cùng, ông đã 4 lần được làm chỉ huy nhóm 120 kỵ binh cùng ngựa. Nhiệm vụ của đội hộ tống là đưa và bảo vệ Nữ hoàng cùng các vị khách từ địa điểm này sang địa điểm khác, thông thường trong một chuyến thăm cấp nhà nước hoặc khai mạc Quốc hội. Ngày nay, phương tiện được thay thế bằng những chiếc Land Rovers màu đen bọc thép và cảnh sát, nhưng trong trường hợp đặc biệt, sự hiện diện của đội kỵ binh mới đủ tạo nên sự trang trọng và quyền quý của nền quân chủ.

Nữ hoàng nổi tiếng là người có con mắt sắc bén, nhất là từng chi tiết trong các cuộc diễu hành. Trong một buổi diễu hành nhân dịp sinh nhật Nữ hoàng, 1.800 sĩ quan và nhạc công tham gia trình diễn. Tuy nhiên, một sĩ quan kỵ binh thực hiện nghi thức chào bằng kiếm không chính xác. Hai ngày sau, anh ta nhận được một lá thư từ cung điện mở đầu với dòng chữ định mệnh: “Bệ hạ rất ngạc nhiên khi thấy…”. Điều đó cho thấy, Nữ hoàng đã theo dõi rất kỹ càng. Với ông Alexander Owen và các đồng nghiệp, họ có thể gọi Nữ hoàng một cách trìu mến là “Bà ngoại” sau bức tường doanh trại, nhưng trong buổi diễu hành, chắc chắn người đó không phải là người cao tuổi trong nhà.

Còn với cựu vệ sĩ Hoàng gia Anh Simon Morgan, trong việc bảo vệ gia đình nổi tiếng nhất nước Anh, điều quan trọng sử dụng bộ não hơn là nắm đấm. “Mọi người nghĩ rằng bạn phải trở thành một ninja. Nhưng 90% thời gian của chúng tôi là dành cho giao tiếp, hiểu chuyện gì đang xảy ra với đám đông và để mọi người cùng hợp tác”, người từng có 6 năm bảo vệ Hoàng gia Anh chia sẻ trên trang My London,

Cựu nhân viên bảo vệ này cho biết, “kỹ năng cứng” là cần thiết nhưng việc bảo vệ Nữ hoàng Elizabeth hoặc Thái tử Charles không phải ai cũng làm được, khi thực thi nhiệm vụ nơi công cộng họ cần liên tục đánh giá một loạt rủi ro phức tạp và tìm ra phương án cụ thể. “Cùng một cách nhưng không phải ai cũng có thể là bác sĩ phẫu thuật não hay không phải ai cũng có thể là nhân viên bảo vệ Hoàng gia”. Để thực thi công việc hiệu quả, họ cần phải là một phần của cuộc sống cá nhân trong gia đình Hoàng gia, nhưng cái khó là “người đó phải hoàn toàn tin tưởng vào bạn và bạn có sự toàn vẹn để đi cùng với họ”. Điều này có nghĩa, những cận vệ Hoàng gia phải tuân thủ thỏa thuận, bởi có một thực tế là càng tiếp xúc nhiều, họ càng có biết những điều có thể gây bất lợi cho Hoàng gia nên không thể tiết lộ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nu-hoang-elizabeth-ii-trong-ky-uc-cac-can-ve-hoang-gia-post516483.antd