Nữ hoàng Elizabeth II - người đồng hành hơn 70 năm thăng trầm với nước Anh

Di sản trong suốt 70 năm trên ngai vàng Nữ hoàng Elizabeth II là duy trì sự phổ biến của chế độ quân chủ qua nhiều thập kỷ thay đổi chính trị, xã hội và văn hóa.

"Di sản" quan trọng

Là một nhân vật uy nghiêm, đáng tin cậy, vị đế vương có thời gian trị vì dài nhất trong lịch sử nước Anh, Nữ hoàng Elizabeth II đã chuyển hướng thể chế này trở nên hiện đại, loại bỏ các nghi lễ của triều đình và trở nên cởi mở và dễ tiếp cận hơn, trước phương tiện truyền thông.

Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip đến Sydney, Australia, vào tháng 6 năm 1970. Ảnh: The Guardian.

Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip đến Sydney, Australia, vào tháng 6 năm 1970. Ảnh: The Guardian.

Trong bối cảnh nước Anh có thời điểm phải chật vật để định hình chỗ đứng trong một trật tự thế giới mới và gia đình hoàng gia có lúc không đạt được kỳ vọng của công chúng, thì bản thân nữ hoàng vẫn là một biểu tượng vững chãi, kiên định.

Đối với phần lớn thế giới, bà là hiện thân của nước Anh, nhưng bà vẫn là một cá nhân bí ẩn, không bao giờ trả lời phỏng vấn và hiếm khi bày tỏ cảm xúc hay đưa ra quan điểm cá nhân trước công chúng - một người phụ nữ được hàng triệu người công nhận nhưng hầu như không ai hiểu rõ.

Vị nữ hoàng trẻ

Elizabeth Alexandra Mary sinh ngày 21 /4/1926 tại số 17 phố Bruton ở trung tâm London.

Nữ hoàng Elizabeth II hồi trẻ. Ảnh: BBC

Cô công chúa nhỏ không hề nghĩ mình sẽ lên ngôi: sau khi chú của bà là Vua Edward VIII thoái vị vào năm 1936, vương miện đã được trao cho cha bà là Vua George VI, khi ấy bà mới 10 tuổi.

Elizabeth ở tuổi 25 khi cha mình qua đời và trở thành Nữ hoàng Elizabeth II vào ngày 6/2/1952, trong chuyến công du ở Kenya cùng với chồng là Hoàng tử Philip. Winston Churchill là thủ tướng đầu tiên trong số 15 thủ tướng phục vụ dưới thời trị vì của bà.

Trong một bộ phim tài liệu năm 1992, bà từng chi sẻ: “Theo một cách nào đó, tôi không có thời gian học việc, cha tôi qua đời khi còn quá trẻ và mọi chuyện rất đột ngột".

"Đó là câu hỏi về việc phải trưởng thành sớm và chấp nhận sự thật rằng bạn đang ở đây và đó là số phận của bạn. Đó là một công việc cả đời."

"Người đồng hành" với những biến chuyển của nước Anh

Trong suốt 70 năm bà giữ ngai vàng, nước Anh đã trải qua những thay đổi đáng kể. Những năm 1950 sau chiến tranh khắc khổ đã nhường chỗ cho những năm 60 biến động, từ sự lãnh đạo của Margaret Thatcher trong những năm 80, kỷ nguyên Lao động Mới ba nhiệm kỳ của Tony Blair, sự trở lại việc thắt lứng buộc bụng nền kinh tế và sau đó là đại dịch Covid-19.

Nữ hoàng Elizabeth cùng (từ trái sang phải) thủ tướng lúc bấy giờ, David Cameron, và các cựu thủ tướng Sir John Major, Tony Blair và Gordon Brown, trước bữa trưa tại số 10 phố Downing vào tháng 7 năm 2012. Ảnh: The Guardian

Các chính phủ Lao động và Bảo thủ thay nhau liên tiếp, chủ nghĩa nữ quyền đã thay đổi thái độ đối với phụ nữ, và nước Anh trở thành một xã hội đa sắc tộc, mang tính quốc tế hơn nhiều. Việc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu vào năm 2016 cũng cho thấy chia rẽ sâu sắc trong xã hội Anh.

Theo thời gian, nước Anh đã phát triển thành một xã hội bình đẳng hơn, nơi mà giai cấp thống trị phải nhường chỗ cho một tầng lớp trung lưu đang phát triển, nơi các quý tộc không còn thống trị các trường đại học hàng đầu và phần lớn không còn văn hóa cha truyền con nối trong Quốc hội.

Lúc đầu, Elizabeth chủ yếu dựa vào đội ngũ cố vấn cũ của cha mình nhưng dần dần bà đã thu hút thêm các nhà ngoại giao và doanh nhân chuyên nghiệp cho hoàng gia khi cô và chồng Philip tìm cách hiện đại hóa chế độ quân chủ.

"Bà ấy thông minh, giàu lòng trắc ẩn, có cái nhìn sâu sắc, mang những đức tính điển hình và truyền thống của người Anh," cựu Thủ tướng John Major nói trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của bà.

Năm 1992, nữ hoàng đáp trả những lời chỉ trích về sự giàu có của hoàng gia bằng cách đề nghị đóng thuế thu nhập và cắt giảm số lượng thành viên gia đình của bà trong biên chế nhà nước.

Tương lai?

Elizabeth trở thành nữ hoàng vào năm 1952 và được trao vương miện vào ngày 2/6/1953 trong một buổi lễ truyền hình ở Tu viện Westminster.

Nữ hoàng Elizabeth từ ban công Cung điện Buckingham, trong khi theo dõi cuộc diễu hành mừng sinh nhật. Ảnh: The Guardian

Vào tháng 9/2015, bà đã vượt qua nữ hoàng Victoria để trở thành đế vương trị vì lâu nhất của đất nước, một "thành tích" mà bà nói rằng bà chưa bao giờ mong muốn.

Trong sự nghiệp của mình, nữ hoàng Elizabeth II đã hàng nghìn lần có các chuyến tham gia chính thức, từ các chuyến thăm trường học và bệnh viện, cho đến các buổi lễ lớn của các chuyến thăm cấp nhà nước và các dịp quốc gia.

Bà đã đi xa hơn bất kỳ vị đế vương nào trước đây khi thực hiện hơn 250 chuyến công du đến hơn 100 quốc gia. Bà nổi tiếng với sức khỏe dẻo dai và chỉ bắt đầu cắt giảm các chương trình làm việc ở nước ngoài khi bước sang tuổi 80.

Ở tuổi 93, bà nói với các quan chức rằng mình vẫn có thể xúc đất vào hố trồng cây, và phải hai năm sau đó bà mới cần sử dụng gậy chống ở nơi công cộng.

Thái tử Charles trao đổi với mẹ - nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Guardian.

Vào tháng 3/2013, bà lần đầu tiên phải nhập viện với các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ruột trong gần 10 năm.

Cho đến tháng 10/2021, bà trải qua đêm đầu tiên trong bệnh viện và kiên cường tiếp tục những nhiệm vụ nhẹ nhàng ngay cả khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào tháng 2 năm sau.

Tầm quan trọng của vị nữ hoàng được chứng minh trong thời điểm đại dịch bắt đầu năm 2020. Với một quốc gia đang bị phong tỏa đầy lo âu, chính phủ đã nhờ đến nữ hoàng để trấn an trong một chương trình phát sóng trên truyền hình. Thông thường bà chỉ đưa ra những bài phát biểu tương tự trong chương trình phát sóng Giáng sinh hàng năm.

Tuy nhiên, sau khi nữ hoàng tạ thế, tương lai của chế độ quân chủ sẽ phải đối mặt với sự giám sát hơn bao giờ hết. Một số nhà bình luận nói rằng công chúng Anh chưa cảm thấy tin cậy đối với Thái tử Charles, và các cuộc thăm dò cho thấy ông nhận được ít thiện cảm hơn so với người mẹ của mình.

Cẩm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nu-hoang-elizabeth-ii-nguoi-phu-nu-thay-doi-nuoc-anh-va-the-gioi.html