'Nữ hoàng' chưa muốn rời ngôi vương ở Paris

Vài tháng trước, ít ai nghĩ Anne Hidalgo giữ được ghế thị trưởng của kinh đô ánh sáng Paris. Nhưng giờ đây, bà dẫn khá xa trong cuộc bầu cử địa phương được chờ đón nhất ở Pháp.

Cuộc bầu cử thị trưởng Paris sẽ diễn ra ngày 28/6. Bà là nhân vật thu hút cả ngợi khen lẫn phản đối.

6 năm qua, bà Hidalgo được ca ngợi vì đã cứng rắn chống lại các đối thủ - và cả các đồng minh - để thực thi các chính sách môi trường, bao gồm cải tạo bờ sông Seine thành một bờ sông khang trang và nỗ lực cấm xe hơi gây ô nhiễm khỏi đường phố Paris, đồng thời xây làn đường cho xe đạp.

Nhưng ở một thành phố thường xuyên tắc nghẽn và phải xây dựng liên tục, các nỗ lực của bà cũng bị chỉ trích nặng nề, bởi các đối thủ cáo buộc bà là “người xã hội chủ nghĩa uống rượu Campagne”.

Cụ thể, bà bị cáo buộc đi theo các chính sách giao thông chỉ có lợi cho giới nhà giàu vốn không cần phải dùng phương tiện công cộng hay xe hơi khi đi làm, theo Politico.

 Bà Hidalgo nổi lên vì sự mạnh mẽ chống lại các đối thủ. Ảnh: AFP.

Bà Hidalgo nổi lên vì sự mạnh mẽ chống lại các đối thủ. Ảnh: AFP.

Nhân vật đầy tranh cãi

Chiến dịch phản đối bà Hidalgo có khi khá gay gắt, thậm chí còn phân biệt giới tính, và bà bị đặt các biệt danh.

“Tôi phải thừa nhận là trong nhiệm kỳ của tôi, cuộc chiến đôi khi khá khó khăn, thậm chí bạo lực khi có những lời công kích cá nhân”, bà nói với Le Figaro. “Bạn phải vững vàng mới có thể là thị trưởng Paris”.

Phe đối lập còn gọi bà là Nữ hoàng Anne để đả kích, vì theo góc nhìn của họ, bà luôn có kế hoạch hào nhoáng và phong cách không khoan nhượng với ai.

Khi bà muốn đóng một số làn xe hơi, phe đối lập cáo buộc bà Hidalgo đang “trả ơn” những nhân viên thiết yếu phải đi từ ngoại ô vào Paris làm việc bằng cách “chặn đường” vào Paris của họ.

Bà Hidalgo thì lập luận rằng Paris, đang phải chịu đựng ô nhiễm và chi phí sinh hoạt cao, cần phải cải cách.

Với đầy quyết tâm, bà nổi lên là một trong số ít các chính khách xã hội chủ nghĩa ở Pháp đã chống lại sức mạnh của Tổng thống Emmanuel Macron.

Khả năng cao bà Hidalgo sẽ tái đắc cử, và đó sẽ là đòn giáng cho tổng thống, ở một thành phố mà lẽ ra phe của ông dễ dàng thắng thế. Các cử tri thành thị giàu có đã bầu áp đảo cho ông Macron trong cuộc bầu cử tổng thống.

Nhưng ứng viên ban đầu được ông Macron hậu thuẫn, Benjamin Griveaux, nhanh chóng “ngã ngựa” vì bê bối nhắn tin khêu gợi, rồi được thay thế một cách ồn ào bởi Agnès Buzyn ngay khi đại dịch đang diễn ra. Bà Hidalgo vẫn đang đứng vững, và vẫn không mấy e ngại tổng thống.

Bà Hidalgo là một trong số ít các chính khách xã hội chủ nghĩa ở Pháp chống lại được sức mạnh của Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: AFP.

“Ông Macron là hiện thân của việc xã hội duy trì tầng lớp giàu có. Trong công việc hàng ngày của ông, tôi không thấy sự hiện đại làm tôi ấn tượng hay sự gắn bó với dân chủ có thể khiến tôi tin tưởng”, bà Hidalgo nói với Le Monde năm 2017.

Để đẩy lui sự công kích của các đối thủ, bà Hidalgo cố gắng định vị bản thân là người bảo vệ cho tầng lớp lao động, vốn đang dần rời bỏ thủ đô để ra khu ngoại ô sống rẻ hơn. Để làm vậy, bà đưa vào trong các khu giàu có của Paris các khu nhà ở xã hội giá rẻ.

Thành ngôi sao chính trị sau khủng bố Paris 2015

Một dự án hạ tầng lớn khác là dự án Paris Mở rộng (Greater Paris project), nhằm kết nối trung tâm thành phố tốt hơn với khu ngoại ô, tăng tính hấp dẫn cho cả người dân lẫn việc kinh doanh.

Nhưng dự án gần 40 tỷ USD này đang bị chậm tiến độ và đe dọa các tuyến giao thông được chuẩn bị cho Thế vận hội 2024. Khi tới thăm một trạm tàu ở Clichy-Montfermeil, một trong những thành phố nghèo nhất ở quận phía bắc Seine-Saint-Denis, bà Hidalgo nói việc ngưng trệ là “không thể chấp nhận được”.

“Chúng ta phải có tầm nhìn, phải tham vọng và tận dụng kế hoạch phục hồi của EU... tất cả dự án này phải được chèo lái với tầm nhìn chính trị”, bà nói.

Bà Hidalgo đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương ở Pháp vào tháng 3/2020. Ảnh: AFP.

Bà sinh ra năm 1959 ở Tây Ban Nha. Hai chị em bà được nuôi dạy bởi người cha Tây Ban Nha là thợ điện và người mẹ làm thợ may - họ rời Tây Ban Nha dưới thời độc tài Franco những năm 1960 và tới ngoại ô Lyon, Pháp. Bà học luật, trở thành nhân viên thanh tra điều kiện lao động, từ đó leo lên trong nấc thang xã hội và chính trị.

Giờ đây, bà như một nguyên thủ quốc gia ở trong lòng một quốc gia. Tòa thị chính của bà có ngân sách còn lớn hơn Điện Elyseé của Tổng thống Macron. Với ngân sách 7,9 tỷ USD và 55.000 công chức, văn phòng thị trưởng Paris luôn là vị trí quan trọng cho các chính khách tham vọng, như cựu tổng thống Jacques Chirac. Nhưng bà Hidalgo luôn phủ nhận tham vọng lãnh đạo quốc gia.

Từng bị truyền thông coi là không cuốn hút, bà Hidalgo đã dẹp đi mọi ý kiến khi bỗng trở thành tâm điểm chú ý sau các cuộc tấn công khủng bố Paris năm 2015.

Là lãnh đạo của thành phố đang đau thương, bà đã xử lý cuộc khủng hoảng và được ca ngợi, nhận các lời mời từ các tên tuổi như Barack Obama, Sadiq Khan (thị trưởng London) và Michael Bloomerg (cựu thị trưởng New York). Nhờ vậy, bà Hidalgo cũng có những tham vọng tầm quốc tế, điển hình là giành về cho Paris quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè năm 2024.

Bà đã nhanh chóng triển khai ngoại giao thành phố, với việc lên lãnh đạo Nhóm Thành phố Lãnh đạo về Khí hậu C40, một nhóm gồm 96 thành phố. “Bà nghĩ rằng ở cấp thành phố, có thể thay đổi nhanh hơn cấp quốc gia”, một quan chức tòa thị chính Paris giấu tên bình luận với Politico.

Nhưng trong chính sách môi trường, bà đã phải thỏa hiệp. Ban đầu, bà có nhiều tham vọng: tăng lượng người đi xe đạp, ngưng các xe hơi chạy diesel gây ô nhiễm vào năm 2020, và chuyển đổi trung tâm Paris thành khu cho người đi bộ.

Nhưng bà chưa hoàn thành được tham vọng, và dịch vụ đi chung xe hơi mà bà muốn triển khai phải dừng vì tranh cãi.

Giờ đây, việc trước mắt của bà Hidalgo là phải đẩy nhanh dự án xây dựng ở Paris chuẩn bị cho Olympic 2024. Cuộc bầu cử ngày 28/6 sẽ là bước đầu trong kế hoạch đó.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nu-hoang-chua-muon-roi-ngoi-vuong-o-paris-post1100548.html