Nữ họa sĩ Mộng Bích: Vẽ cũng là một cách nghỉ ngơi!

Năm nay đã 90 tuổi nhưng nữ họa sĩ Mộng Bích vẫn miệt mài với những trang vẽ, bởi theo suy nghĩ của bà 'vẽ cũng là một cách nghỉ ngơi'...

Thưa họa sĩ Mộng Bích! Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ Thuật Việt Nam) và có nhiều bức tranh đoạt giải cao, vậy tại sao sau hơn 60 năm bà mới tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên của mình?

Thực sự suốt những năm trước đây, tôi chưa khi nào nghĩ đến việc tổ chức triển lãm tranh cá nhân vì cuộc sống quá nhiều bận rộn.

Vì vậy, triển lãm lần này đúng là giống như nằm mơ hoặc nói cách khác thì thượng đế đã đền bù cho tôi. Đây chính là duyên may khi tôi được Viện Pháp tại Hà Nội quan tâm. Đặc biệt, các bạn người Pháp thấy xúc động, yêu thích tranh của tôi và giúp tôi thực hiện triển lãm này.

Họa sĩ Mộng Bích vẫn miệt mài với những trang vẽ. (Ảnh: NVCC)

Họa sĩ Mộng Bích vẫn miệt mài với những trang vẽ. (Ảnh: NVCC)

Có thể thấy trong suốt hành trình dài cầm cọ, bà chưa bao giờ theo đuổi những trào lưu hội họa, tìm kiếm những phương thức mới lạ hay cố gắng đáp ứng nhu cầu thị trường. Tại sao vậy ạ?

Tôi may mắn được thừa hưởng từ những người thầy của mình là Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Hoàng Lập Ngôn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đức Nùng... một tình yêu thuần khiết đối với hội họa.

Mặt khác, tranh của tôi không vẽ theo thị hiếu của người đương thời lúc đó, nên không thể để đi bán được như tôi vẽ một bà già ở vùng nông thôn. Cuộc sống dù khó khăn thật nhưng nếu biết tằn tiện thì vẫn đủ và tôi cũng không muốn để nó ảnh hưởng đến đam mê nghệ thuật của mình.

Con người ta không dễ gì để thay đổi một tính cách đã ăn sâu theo thời gian, giống như việc tôi gắn bó với tranh lụa vậy. Tôi thấy nó rất hợp với mình nên không muốn thay đổi theo cái mới.

Sống qua hai thế kỷ, chứng kiến lịch sử đất nước cùng nhiều thăng trầm của cuộc sống, nhưng tranh của bà vẫn luôn tươi sáng?

Quan trọng là tôi là người yêu nghệ thuật và người thầy truyền cho tình yêu ấy chính là thiên nhiên. Mà thiên nhiên khi nào cũng đẹp, cả bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Cái đẹp đó trong văn học, điện ảnh và tất cả các lĩnh vực nghệ thuật khác đều thấy rõ. Bởi vậy, nên cuộc sống có thăng trầm ra sao, tôi không thể làm khác là phải trung thành với chính nó và không thể thiếu đi nét tươi đẹp ấy.

Liệu có tác phẩm nào bà thấy tâm đắc nhất?

Nói chung mỗi tác phẩm đều như một đứa con của mình. Con nào chúng ta cũng yêu quý dù có đứa đẹp hơn, đứa xấu hơn. Mỗi đứa có một ưu điểm cũng như một tật, một tính, nhưng mình đã mang nặng đẻ đau thì đều thương hết.

“Ở tuổi gần 90, Mộng Bích không chỉ sống lâu hơn hầu hết những người đồng trang lứa, bà còn là hiện thân của những thay đổi mà lịch sử mỹ thuật và lịch sử Việt Nam đã trải qua trong thế kỷ trước. Triển lãm này là sự thừa nhận vị trí có một không hai của Mộng Bích trong di sản lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Tranh của bà là lời nhắc nhở đẹp đẽ về tính phổ quát của các giá trị nhân văn” - Giáo sư Nora A. Taylor, Học viện Mỹ thuật Chicago.

Tuy nhiên, một trong những bức tranh khiến tôi nhớ mãi đó là bức Mẹ và con đưa đi tham gia Triển lãm Sở Văn hóa liên khu Việt Bắc năm 1961. Lúc đầu, bức tranh ấy bị bỏ đi không được treo vì đánh giá không tốt và để lại ở góc tường của triển lãm.

Thế nhưng, khi danh họa Trần Văn Cẩn cùng một số giám khảo, trong đó có một viện sĩ ở Viện mỹ thuật Ba Lan đã nhìn thấy nó và đã xét công nhận trao giải Nhất. Có lẽ, sự rủi ro ban đầu ấy lại mang lại sự may mắn cho bức tranh của tôi.

Sống đến độ tuổi này rồi, người khác sẽ chỉ nghĩ đến việc nghỉ ngơi, còn bà vẫn không ngừng vẽ?

Tôi nghĩ vẽ cũng là một cách nghỉ ngơi và muốn khuyên những người già nên học vẽ. Bởi vẽ dù đẹp hay xấu nhưng khi thực hiện xong mình có thể ngồi ngắm như những đứa con, đứa cháu của mình vậy. Có lẽ, tôi hơi tham vẽ vì tôi sợ thời gian trôi đi không có cơ hội được vẽ nữa. Tôi sẽ vẽ cho đến khi đôi tay mình không còn vẽ được nữa thì thôi.

Danh họa Trần Văn Cẩn từng nhận xét “Mộng Bích vẽ tranh bằng bản năng và đầy cảm xúc”. Vậy cảm hứng sáng tác của bà hiện nay đến từ đâu?

Tôi thường nói đùa với con cháu là mình giờ thuộc “gà què ăn quẩn cối xay” và khi đi chợ về nhìn thấy một mớ rau với nhiều cọng sâu, một nải chuối bình thường, mấy củ khoai sọ hoặc một bắp ngô... tôi cũng thấy nó đẹp quá. Đôi khi, chúng ta cứ nghĩ phải tìm cái đẹp ở đâu, nhưng thực ra cái đẹp ở tất cả ngay trước mắt của mình chỉ cần mình xúc động, yêu thích và chân thực với nó. Tôi vẽ thường các tĩnh vật với các bức tranh rất đơn giản mà vẫn thấy đẹp. Tôi nghĩ, nếu mình yêu nó thì nó sẽ không phụ lòng mình và ngay cả những ngày mưa bão ta cũng có thể tìm thấy những vẻ đẹp trong mưa bão...

Những bức tranh tĩnh vật đơn giản của họa sĩ Mộng Bích. (Ảnh: NVCC)

Bà có đam mê trường phái nghệ thuật hay yêu thích đặc biệt họa sĩ nào không?

Tôi đã học tập phương pháp vẽ kỹ lưỡng của tranh thời phục hưng, đam mệ trường phái ấn tượng với những sắc màu tươi tắn của thiên nhiên và kết hợp với mỹ thuật Á Đông với những mảng màu đơn giản trong tranh cụ Nguyễn Phan Chánh. Với tôi, vẽ phải chân thực, mình ở thời đại nào thì phản ảnh đúng thời đại đó.

Tới triển lãm “Đi giữa hai thế kỷ”, người xem không chỉ được chiêm ngưỡng những bức chân dung đặc biệt mà còn có cơ hội lắng nghe những câu chuyện phía sau mỗi bức tranh. Chắc hẳn bà có nhiều kỷ niệm với những nhân vật trong tranh?

Đúng vậy, mỗi bức tranh đều gắn bó với từng kỷ niệm của tôi. Chẳng hạn như có lần tôi về Hải Dương, vào thăm một gia đình có một đứa con trai 16 tuổi từng phải đeo đá để được đi bộ đội nhưng không trở về nữa. Họ muốn tôi vẽ lại cậu con trai ấy qua hình ảnh người em trai và miêu tả những nét giống người cha. Vẽ xong người mẹ rất xúc động, hài lòng và đãi tôi một bữa canh cua đồng.

Tôi nghĩ trong cuộc sống, có những sự tiếp xúc vừa bi vừa hài và đôi khi cũng lãng mạn. Tất cả đều rất thú vị với người họa sĩ!

Xin trân trọng cảm ơn bà!

“Cảm xúc khi tôi gặp họa sĩ Mộng Bích đó là một người phụ nữ nhỏ nhắn và mong manh nhưng lại chứa tính cách của một nghệ sĩ lớn với sự kiên cường, mạnh mẽ. Đặc biệt, trải qua nhiều thập kỷ, bà vẫn không mất đi cái nhìn tươi đẹp về thiên nhiên và cuộc sống” - Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội Thierry Vergon.

Cùng chiêm ngưỡng một số bức tranh lụa nổi bật của họa sĩ Mộng Bích: (Ảnh: NVCC)

Bức tranh Em bé Hàn Quốc.

Bức tranh Bà già.

Bức tranh Một chiều vùng Chăm.

Bức tranh về danh họa Trần Văn Cẩn.

An Bình

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nu-hoa-si-mong-bich-ve-cung-la-mot-cach-nghi-ngoi-127820.html