Nữ họa sĩ 83 tuổi Nguyễn Thị Tâm: 'Họa sĩ không nghèo như nhiều người tưởng'

Đã vào tuổi 83 nhưng họa sĩ Nguyễn Thị Tâm vẫn giữ được ngọn lửa đam mê cháy bỏng với hội họa, đặc biệt là với đề tài về sen.

Từ ngày 18 đến 28/8, tại Nhà triển lãm Thành phố Hồ Chí Minh (92 Lê Thanh Tôn, quận 1) đã diễn ra chương trình triển lãm “Về miền Tâm linh” của 3 họa sĩ: Nguyễn Thị Tâm, Trần Thùy Linh và Nguyễn Huy Khuê xoay quanh chủ đề Sen. Triển lãm trưng bày hơn 30 tác phẩm sơn dầu, acrylics và màu nước trên nhiều chất liệu như canvas, lụa, hợp kim, cói giấy.

Tuổi cao, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm vẫn dành thời gian 8 tiếng mỗi ngày để sáng tác tranh. Trong cuộc triển lãm lần này, bà đã có những chia sẻ đầy thi vị về cuộc đời họa sĩ của mình.

Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm thực hiện triển lãm cùng con trai Nguyễn Huy Khuê và học trò Trần Thùy Linh

Bà có thể chia sẻ về triển lãm này?

Chúng tôi muốn đưa nét đẹp bên trong, nét đẹp ẩn dụ của bông sen ra cho khán giả thưởng thức. Tôi rất tâm đắc câu “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Khi anh là một người chính trực dù có sống trong một hoàn cảnh nhiễu nhương thì anh vẫn giữ nguyên quan điểm của mình.

Trong số các tác phẩm trưng bày có một tác phẩm đó là thả đèn trên sông Sài Gòn. Chúng tôi muốn gửi đến mọi người lời nhắc nhớ về tổ tiên và truyền tải sự thanh sạch của hoa sen.

Với buổi triển lãm này, bà có thể chia sẻ về đối tượng mà mình hướng tới?

Đối tượng đến với buổi triển lãm mỹ thuật “Về miền tâm linh” rất ít các bạn trẻ nhưng lại rất đông những người lớn tuổi, những người có thói quen ngồi thiền họ cực kỳ yêu thích hoa sen. Bởi vì đời sống của họ đã đi qua nhiều phút thăng trầm vật lộn với cuộc sống, đang tìm kiếm một chút gì đó tịnh tâm.

Một trong những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm tại triển lãm với chủ đề hoa sen

Hiện tại ở độ tuổi ngoài 80, việc vẽ tranh có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bà hay không?

Tuổi tác ảnh hưởng một phần đến công việc hiện tại của tôi, bởi vì trước kia tôi chuyên vẽ trên tranh lụa nhưng bây giờ khi tuổi đã cao tôi quay trở lại vẽ tranh sơn dầu vì vẽ tranh lụa rất đau lưng, nhất là đối với người lớn tuổi. Tranh lụa đòi hỏi phải đặt trên một mặt phẳng buộc người vẽ phải đứng để vẽ nếu không đứng sẽ không vẽ được. Còn riêng với tranh sơn dầu sẽ được đặt trên giá vẽ đứng tôi có thể ngồi để họa tranh dễ dàng hơn so với việc phải đứng.

Bút pháp của bà có bị thay đổi không khi đổi từ tranh lụa sang tranh sơn dầu?

Không, hoàn toàn không bởi vì tôi sẽ dựa trên cảm xúc người họa sĩ, mỗi lần cầm cọ lên là họ đều có cảm xúc và đặt cảm xúc để vẽ. Cuộc đời tôi chỉ có hai việc đó là dạy học và vẽ tranh nên cảm xúc được nuôi dưỡng rất tốt. Tôi chọn hiện thực để làm đề tài chứ không lựa chọn trừu tượng hay siêu thực nên cảm xúc không bị chi phối hay ảnh hưởng.

Một ngày bà thường dành bao nhiêu thời gian để vẽ tranh?

Một ngày tôi dùng 8 đến 9 tiếng cho việc vẽ. Nhiều người nhìn vào tưởng tôi cực nhưng không đúng. Tôi đang rất sung sướng rất nhàn hạ. Tôi đang “chơi với nghề”, sống hết mình với niềm đam mê của mình. Và tôi không bao giờ để cho cảm xúc về vật chất ràng buộc, chi phối chính mình mặc dù vật chất cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, tác phẩm "Tôi, chính tôi" của hoa sĩ Nguyễn Huy Khuê, con trai hoa sĩ Nguyễn Thi Tâm cũng thu hút được nhiều sự chú ý của khách thăm quan bởi cách truyền tải vô cùng độc đáo, mới mẻ

Thường thì họa sĩ sẽ là những người sống dựa trên cảm xúc là chính nên cuộc sống sẽ khiến nhiều người lầm tưởng là khó khăn, vậy cuộc sống của bà có bị ảnh hưởng gì hay được gì từ việc làm họa sĩ này?

Mọi người thường cho rằng họ là những người “nghèo xơ nghèo xác”, ngày xưa người ta còn gọi họa sĩ một cái tên xấu xí khác đó là “họa sĩ cùi”. Họ là những người không có tiền ăn, sống một cuộc sống cùi lủi, không ít người chê bai ngành này. Kể cả việc cưới xin, khi nhắc đến nghề nghiệp là họa sĩ rất nhiều người không đồng ý gả con gái. Hay cho rằng họ chơi nhiều hơn làm.

Nhưng mọi người lại không biết rằng thực chất người họa sĩ phục vụ cho đời sống rất nhiều. Ví dụ như bao bì sản phẩm, may mặc, giày dép… nếu như không có họa sĩ ai sẽ là người vẽ nên, phối nên thiết kế. Mọi người đều lầm tưởng rằng họa sĩ là những người chỉ vẽ tranh bán lấy tiền, nhưng tôi khẳng định rằng “họa sĩ không nghèo như mọi người tưởng”.

Rất nhiều người giàu bước ra từ nghề họa sĩ nhưng cũng có những người không. Tất cả đều phụ thuộc vào cái duyên của họ chứ không phải nhất thiết làm một nhà nào đó cũng có thể giàu hết hay nghèo hết.

Còn riêng tôi, tôi chỉ thấy trước giờ mình chỉ làm nghề vẽ và dạy học nhưng tôi vẫn sống tốt, sống thoải mái và vui vẻ cho đến tận bây giờ.

Điều gì khiến bà vẫn lựa chọn việc dạy học khi tuổi đã khá cao?

Tôi muốn truyền đạt những kiến thức của mình cho thế hệ sau, hay đôi khi tôi phát hiện ra những điều rất thú vị và muốn chia sẻ nhưng lại không biết chia sẻ với ai nên tôi lựa chọn việc dạy học để có thể chia sẻ những điều thú vị, chứ tôi đã hết tuổi dạy học để sinh sống rồi.

Trong sự nghiệp của mình, bà có trải qua nhiều thăng trầm không?

Cuộc sống sự nghiệp của mỗi người đều có nhiều thăng trầm với tôi đó là giai đoạn sau năm 75 bởi vì sau thời điểm đó có rất nhiều thứ thay đổi. Tôi phải khắc phục trong một vài năm và mọi chuyện mới ổn định được. Rồi sau đó tôi không phải vật lộn với cuộc sống vì biết tự thỏa mãn với bản thân.

Cám ơn họa sĩ Nguyễn Thị Tâm đã chia sẻ!

MAI TRANG

Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm sinh năm 1936 tại Mỹ Tho trong một gia đình công chức trung lưu. 5 tuổi bà chuyển về Sài Gòn sinh sống. Năm 1958 tốt nghiệp khoa sơn dầu trường Cao đẳng mỹ thuật Sài Gòn Gia Định, năm 1959 đỗ thủ khoa khóa sư phạm hội họa của trường Cao đẳng mỹ thuật. Cuộc đời của bà gắn bó với hội họa đã hơn 60 năm và có hơn 20 triển lãm tranh lụa trong nước và tại nhiều quốc gia khác như Pháp, Mỹ, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Thái Lan, Lào, Singapore, Trung Quốc...

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nu-hoa-si-83-tuoi-nguyen-thi-tam-hoa-si-khong-ngheo-nhu-nhieu-nguoi-tuong-11128.html