Nữ hộ sinh 13 năm tận tụy chăm sóc sức khỏe người dân biên giới

'Có hôm, chiều tối đi làm về chỉ mình tôi trên mấy chục cây số đường rừng vắng vẻ. Cũng có lúc mưa gió, giá rét tấp vào mặt rồi ngã xe dúi dụi vì đường trơn nhưng bà con ở miền biên giới này cần chúng tôi, thế nên tôi chưa bao giờ nản lòng', chị Nguyễn Thị Hồng, nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Bắc Xa, huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn), tâm sự.

 Chị Nguyễn Thị Hồng thăm khám cho bệnh nhi tại Trạm Y tế xã Bắc Xa, huyện Đình Lập (Lạng Sơn)

Chị Nguyễn Thị Hồng thăm khám cho bệnh nhi tại Trạm Y tế xã Bắc Xa, huyện Đình Lập (Lạng Sơn)

Đỡ đẻ tại nhà lúc nửa đêm

Chị Nguyễn Thị Hồng đã có 13 năm bám trụ với nghề. Chị cho biết, sáng sớm hôm chúng tôi đến, khi chị vừa mở cửa phòng làm việc đã thấy người đàn ông hớt hải dìu vợ đến Trạm: "Cô ơi, nhờ cô khám xem vợ tôi làm sao lại đau bụng ghê vậy? Vợ tôi đang có bầu hơn 6 tháng...".

Chị Hồng vội vã siêu âm, đo huyết áp cho bà bầu ở bản Mạ này. Khi thấy huyết áp của bà bầu không ổn định, có dấu hiệu dọa đẻ non, chị đã báo cáo trưởng Trạm xin lệnh chuyển bệnh nhân ra tuyến huyện ngay để kịp thời can thiệp ổn định cho sức khỏe của mẹ con bà bầu.

Chị Hồng nhớ lại: "Hồi tôi mới đi làm (năm 2007), nửa đêm trực thì có người đàn ông đến Trạm Y tế xã bảo tôi đến nhà đỡ đẻ cho vợ. Họ ở bản Bắc Xa, cách Trạm 13 km. Lúc đó, tôi không ngại khó khăn, đêm tối và đã cùng đồng nghiệp mang đồ nghề đến nhà thai phụ ngay để đỡ đẻ. Lúc đến nhà dân, tôi khám cho thai phụ thấy các chỉ số đều bình thường, sau 30 phút theo dõi, cổ tử cung đã mở gần hết, thai phụ chuyển dạ, tôi và đồng nghiệp động viên và cùng tiến hành đỡ đẻ. 1 bé gái ra đời ngay trong đêm, mẹ và con sức khỏe đều ổn định. Đó là ca đỡ đẻ trực tiếp tại nhà đầu tiên khi tôi đi làm. Thức đêm cùng gia đình sản phụ để theo dõi đến sáng, vì chúng tôi phải đề phòng nhỡ có tai biến xảy ra, bởi nhà sản phụ vừa xa trung tâm xã, xa bệnh viện, dụng cụ y tế và thuốc cấp cứu mà chúng tôi mang theo chưa đáp ứng đủ. Nhưng rất may là sáng hôm sau, sức khỏe mẹ con sản phụ đã ổn định, chúng tôi mới về lại Trạm".

Từ đó, cứ có dịp tiếp cận bà con, mọi thành viên của Trạm Y tế đều tập trung tuyên truyền và vận động phụ nữ mang thai đến Trạm khám thai ít nhất 3 lần/kỳ và đẻ tại cơ sở y tế. Vài năm nay, các bà mẹ đã hiểu được ý nghĩa của việc khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế để phòng chống nguy cơ tai biến xảy đến. Đó là lý do, mấy năm gần đây, 100% bà mẹ có thai tại xã đã đến đăng ký đẻ tại cơ sở y tế, không còn trường hợp sản phụ đẻ tại nhà.

Ảnh minh họa

Mong các bà mẹ, trẻ em đều được chăm sóc y tế tốt nhất

Sinh ra, lớn lên rồi xây dựng gia đình tại huyện Đình Lập, từ ngày nhận công tác tại Trạm Y tế xã Bắc Xa, mỗi ngày chị Hồng phải đi và về là 80 cây số. Thường ngày, chị phải đi làm từ 5h30 sáng, đi mất 1h30 phút thì tới Trạm. Đi làm từ sớm tinh mơ nhưng ngày nào cũng phải tối mịt chị mới về đến nhà. "Lúc chưa có con, thấy tôi đi làm xa vào ngày mưa bão thì chồng thi thoảng đưa vợ đi làm sớm, rồi quay về cơ quan anh", chị Hồng tâm sự. "Tôi may mắn vì có sự trợ giúp của ông bà nội ngoại 2 bên và người chồng tâm lý nữa, sáng nào đi làm, anh cũng dặn dò vợ đi đường cẩn thận, công việc có vất vả vẫn phải cố gắng hoàn thành", chị Hồng cười tươi kể.

Chị Hồng chia sẻ: "Những ngày mưa giá rét thì càng vất vả hơn nhưng mỗi khi tới trạm, thấy bà con tin tưởng đến khám bệnh nhiều hơn trước kia, chúng tôi càng tự hào và hạnh phúc với nghề đã chọn".

Trạm Y tế xã Bắc Xa là tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con dân bản trên địa bàn. Hiện Trạm được trang bị khá đầy đủ thiết bị y tế nhưng vẫn thiếu bác sĩ. Tuy nhiên, 3 năm nay nhờ tuyến y tế xã và huyện được thông tuyến, nên thuận tiện cho bà con đi chữa trị và khám sức khỏe. Chị Hồng cho biết: "Do không có bác sĩ nên những ca bệnh phức tạp hơn, chúng tôi nhờ bác sĩ Quân y của Đồn Biên phòng Bắc Xa sang trợ giúp, cùng vì sức khỏe của dân nên chưa bao giờ bác sĩ của Đồn đến giúp đỡ chậm".

"Khi khám chữa bệnh cho bà con, nếu phát hiện 1 yếu tố bất thường nào, dù nhỏ chúng tôi cũng phải chuyển bệnh nhân lên tuyến huyện ngay, bởi tính mạng của người dân, của mẹ con sản phụ là quan trọng nhất. Chúng tôi không được phép chủ quan, dù chỉ một chút", chị Hồng chia sẻ.

Chị Hồng cho biết, cứ 4 ngày thì chị lại đến phiên trực đêm ở Trạm. Do Bắc Xa là địa bàn vùng biên giới, trình độ dân trí không đồng đều, vẫn còn tình trạng sinh con 1 bề là gái, thì các gia đình muốn đẻ nhiều con để có bằng được con trai. Cán bộ trạm phải thường xuyên tuyên truyền về phòng tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới tính để mọi bà mẹ, trẻ em được tiếp cận chăm sóc y tế tốt nhất.

"Tôi thấy mừng, vì ngày nay giới trẻ đã hiểu biết nhiều hơn về phòng tránh thai vì được tiếp cận thông tin đa dạng. Bà con khi đến Trạm đã biết lắng nghe cán bộ y tế tư vấn, khám bệnh, chứ không còn ngại ngần hoặc lẩn tránh sợ bị khám bệnh như trước đây. Vì thế, chúng tôi càng ý thức rõ trách nhiệm và ý nghĩa lớn lao về nhiệm vụ của mình, để người dân nơi biên giới xa xôi này bớt đi những thiệt thòi về chăm sóc sức khỏe, được khám chữa bệnh kịp thời như nhiều vùng miền khác", chị Hồng bộc bạch.

Thu Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nu-ho-sinh-13-nam-tan-tuy-cham-soc-suc-khoe-nguoi-dan-bien-gioi-20201006195802341.htm