Nữ giúp việc bạo hành bé gần 2 tháng tuổi sẽ bị xử lý ra sao?

Luật sư cho rằng, nếu kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định cháu bé không bị thương tích thì hành vi phạm tội của đối tượng cấu thành Tội hành hạ người khác.

Vụ việc một bé gái gần 2 tháng tuổi ở phường Quang Trung (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) bị người giúp việc bạo hành khi liên tục đánh, tát, bóp miệng và tung hứng đang được công an điều tra làm rõ. Tuy nhiên, khi xem hành vi của nữ giúp việc qua clip, nhiều người đã bộc lộ sự bức xúc. Với những hành vi bạo hành cháu bé, nữ giúp việc có phạm tội hay không và xử lý theo quy định nào của pháp luật?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, những năm gần đây trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc bạo hành các cháu bé tại các cơ sở trông giữ trẻ và đã được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

“Vụ việc cháu bé bị bạo hành trong hai ngày 20, 21/11 xảy ra tại gia đình ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam do đối tượng nữ được thuê trông giữ đã gây phẫn nộ trong dư luận xã hội bởi sự tàn ác, mất nhân tính khi có những hành vi đối xử tàn ác với cháu bé mới khoảng gần 02 tháng tuổi”, luật sư Thơm cho biết.

 Hình ảnh nữ giúp việc bạo hành cháu bé. Ảnh cắt từ clip.

Hình ảnh nữ giúp việc bạo hành cháu bé. Ảnh cắt từ clip.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm dẫn giải điều 37 Hiến pháp 2013 qui định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” và Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 về các hành vi bị nghiêm cấm:

Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác”.

Theo Luật sư Thơm, hành vi của đối tượng đã xâm phạm đến khách thể được Bộ luật hình sự điều chỉnh đó quyền được bảo hộ về sức khỏe của trẻ em đã được Hiến pháp và Luật bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em bảo vệ. Hành vi của đối tượng là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe bình thường của cháu bé. Thậm chí còn có thể dẫn tới tử vong khi đánh tới tấp rồi tung bé gái 2 tháng tuổi như đồ chơi mặc cho cháu bé gào khóc. Để xem xét hành vi phạm tội của các bảo mẫu thì cần căn cứ vào tính chất mức độ và hậu quả gây ra cho cháu bé.

Mời độc giả xem video"Người giúp việc bạo hành cháu bé gần 2 tháng tuổi tại Hà Nam":

“Nếu kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định cháu bé không bị thương tích thì hành vi phạm tội của đối tượng cấu thành Tội hành hạ người khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự”, Luật sư Thơm nói.

Luật sư Thơm cho rằng, kết quả giám định thương tật của cơ quan chuyên môn sẽ là căn cứ xử lý đối tượng tương ứng theo quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật Hình sự.

“Trường hợp tỷ lệ thương tật là dưới 11% nhưng do phạm tội với trẻ em nên đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật” -Luật sư Thơm nói.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nu-giup-viec-bao-hanh-be-gan-2-thang-tuoi-se-bi-xu-ly-ra-sao-966182.html