Nữ giới khai phá 'địa hạt' chỉ huy dàn nhạc

Tháng 9 vừa qua, Học viện âm nhạc La Maestra có trụ sở chính ở Paris (Pháp) đã lần đầu tiên tổ chức cuộc thi dành riêng cho các nữ nhạc trưởng trên thế giới.

 Dàn nhạc quốc gia Venezuela, nơi thí sinh Gladysmarli Vadel thường xuyên tham gia biểu diễn - Ảnh: AP

Dàn nhạc quốc gia Venezuela, nơi thí sinh Gladysmarli Vadel thường xuyên tham gia biểu diễn - Ảnh: AP

Trong số hơn 200 người đăng ký dự thi, 12 nữ nhạc trưởng từ 4 châu lục đã tranh tài để giành 3 giải thưởng cao nhất, bao gồm tiền mặt, khóa học nâng cao nghiệp vụ và được chỉ huy dàn nhạc ở một loạt sự kiện âm nhạc lớn tại Pháp và một số quốc gia khác.

Trong thành phần Ban giám khảo cuộc thi có sự hiện diện của nhạc trưởng, nghệ sỹ vĩ cầm nổi tiếng người Mỹ Marin Alsop. Bà cũng là Giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Baltimore, nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng Sao Paulo và Dàn nhạc Giao hưởng Đài phát thanh ORF Vienna.

"Nhiều người hỏi tôi rằng, có nên tổ chức một cuộc thi hoành tráng như vậy dành cho các nữ nhạc trưởng. Tất cả những gì tôi muốn nói là vấn đề giải phóng phụ nữ đã diễn ra cách đây hàng trăm năm nhưng trong lĩnh vực chỉ huy dàn nhạc, phụ nữ luôn bị thiệt thòi. Cuộc thi này không phải để cạnh tranh, so kè mà là cơ hội để phụ nữ phát triển nghề, trở thành những nhạc trưởng vĩ đại. Mục đích của chúng tôi là tạo ra một hệ thống, một môi trường rộng lớn để hỗ trợ phụ nữ".

Nhạc trưởng Marin Alsop, Giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Baltimore

Nếu không có cuộc thi do La Maestra tổ chức, nhiều nữ nhạc trưởng tài năng không được nhiều khán giả hay truyền thông biết đến. Điển hình như trường hợp của nhạc trưởng 25 tuổi người Venezuela, Gladysmarli Vadel, thí sinh đã lọt vào vòng bán kết của cuộc thi. Vadel biết chơi violin từ năm 4 tuổi. Cô đã có nhiều năm gắn bó với âm nhạc nhưng đây là lần đầu tiên Vadel được xuất ngoại và được... đi máy bay.

Vadel chia sẻ: "Tôi yêu cây vĩ cầm trong dàn nhạc, thực sự rất yêu nhạc cụ này. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó khi chơi violin. Đã có lúc tôi tâm sự với bạn bè, tôi muốn trở thành nhạc trưởng. Đó là điều dường như là không tưởng ở Venezuela. Nhưng giờ thì ước mơ của tôi đã trở thành sự thật".

Vòng bán kết có sự tham gia của 6 thí sinh và mỗi người có 50 phút để chỉ huy Dàn nhạc Mozart Paris trình bày các tác phẩm của Beethoven, Schumann và một tác phẩm mới được viết cho cuộc thi. Cuộc thi ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 3 nhưng sau đó đã phải lùi lại đến tháng 9 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Khán giả đến theo dõi cuộc thi phải thực hiện các biện pháp y tế phòng ngừa Covid-19 một cách nghiêm ngặt, trong đó có việc đeo khẩu trang.

Stephanie Childress, 1 trong 6 thí sinh lọt vào bán kết cuộc thi âm nhạc quốc tế La Maestra - Ảnh: AFP

Khát vọng của các nữ nhạc trưởng

Bà Claire Gibault, một trong những thành viên của Ban tổ chức cuộc thi La Maestra, cho biết, để tham gia sự kiện này, các thí sinh phải vượt qua nhiều thách thức. "Việc đi lại rất khó khăn và một số thí sinh đã không tham gia bất kỳ hoạt động nghệ thuật nào trong 6 tháng do ảnh hưởng của đại dịch. Các nữ nhạc trưởng tham gia cuộc thi mà không có sự chuẩn bị tốt nhất", bà Claire Gibault cho biết.

Theo Gladysmarli Vadel, sự tự tin đóng vai trò quan trọng để chỉ huy một dàn nhạc. Nhạc trưởng người Venezuela này chia sẻ: "Nếu dàn nhạc cảm nhận được sự tự tin của nhạc trưởng, họ sẽ tin tưởng vào bạn. Và họ sẽ có thể làm mọi thứ mà bạn muốn truyền đạt. Đó là điều quan trọng nhất để bạn chinh phục những đỉnh cao".

Ở Mỹ, khoảng 9% các dàn nhạc lớn do phụ nữ chỉ huy. Ở châu Âu, con số này là 6%.

Stephanie Childress, một thí sinh khác lọt vào bán kết, tạo dấu ấn ở cuộc thi năm nay nhờ kiến thức âm nhạc uyên thâm, dù cô mới 21 tuổi. Childress khiến Ban giám khảo ngưỡng mộ về trình độ biểu diễn cũng như sự hiểu biết về âm nhạc. Theo Childress, để trở thành nhạc trưởng tài năng, trình độ kỹ thuật đóng vai trò quan trọng nhưng chưa đủ. Nhạc trưởng người Anh gốc Pháp này chia sẻ: "Để biểu diễn thành công, bạn cần tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với khán giả. Bạn hãy thể hiện tình yêu và sự đam mê âm nhạc của mình trong khi biểu diễn và làm sao để khán giả có thể cảm nhận rõ được điều đó và bạn sẽ thành công".

Childress sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc. Khi còn bé, cô thường xuyên được xem cha mẹ cô biểu diễn. Lớn lên, cô là fan của ban nhạc Queen (Anh) và nữ ca sỹ huyền thoại người Mỹ Tina Turner. Childress tham dự buổi hòa nhạc cổ điển đầu tiên của mình vào năm 4 tuổi và cô được xem nghệ sĩ violin tài năng Nigel Kennedy chơi bản nhạc Four Seasons của Vivaldi.

Phụ nữ ngày càng được trao nhiều cơ hội để thể hiện khả năng của mình, không chỉ trong âm nhạc mà còn nhiều lĩnh vực khác. Bà Gibault, người phụ nữ đầu tiên chỉ huy dàn nhạc La Scala của Milan và Berlin Philharmonic, cho rằng, chúng ta không thể đợi thêm 50 năm nữa để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Cuộc thi âm nhạc với 220 ứng cử viên đến từ 51 quốc gia là minh chứng rõ ràng nhất.

Kết quả, Stephanie Childress đứng ở vị trí thứ Nhì còn Gladysmarli Vadel nhận giải "Nữ nhạc trưởng xuất sắc nhất". Ngoài ra, tất cả những người tham gia sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và tư vấn từ La Maestra. Tất cả đều hướng đến mục tiêu: thế giới sẽ ngày càng xuất hiện thêm nhiều nữ nhạc trưởng tài năng.

Nguồn: npr.org

Nam Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chi-huy-dan-nhac-san-choi-khong-chi-danh-cho-nam-gioi-20201015195732557.htm