Nữ giáo viên tát và dùng thước gỗ đánh tới tấp vào đầu học sinh gây rúng động mạng xã hội có bị xử lý hình sự?

Vụ việc phụ huynh 'tố' giáo viên ở Hải Phòng tát, dùng thước kẻ gỗ đánh tới tấp vào đầu học sinh đang khiến cư dân mạng phẫn nộ. Đánh học sinh dã man, giáo viên cần bị xử lý thế nào?

Giáo viên đánh học sinh đã bị đình chỉ dạy

Ngày 15/6, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip nữ giáo viên đánh liên tiếp vào tai, mặt, đầu nhiều học sinh tiểu học khiến nhiều người bức xúc.

Theo nội dung diễn ra trong đoạn clip, cô giáo cho các học sinh làm bài kiểm tra. Sau đó, nữ giáo viên này đi kiểm tra từng học sinh một. Điều đáng nói là nam sinh ngồi ở bàn đầu gần bảng là người đầu tiên bị cô giáo tát vào mặt liên tiếp.

Không chỉ thế, khi đi quanh lớp để kiểm tra học sinh làm bài, nữ giáo viên này còn có hành động dúi đầu nhiều học sinh khác. Nam sinh ngồi bàn đầu còn bị giáo viên này dùng thước vụt tới tấp vào chân, đánh vào đầu em học sinh này.

Nữ giáo viên đánh tới tấp học sinh đang khiến dư luận phẫn nộ. Ảnh cắt từ clip.

Nữ giáo viên đánh tới tấp học sinh đang khiến dư luận phẫn nộ. Ảnh cắt từ clip.

Được biết đây là phản ánh của phụ huynh em Hoàng Gia Đ. (lớp 2A7, trường Tiểu học Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng). Sáng 8/5, lớp cháu Đ. kiểm tra học kỳ. Cô Nguyễn Thị Thu Tr. (32 tuổi, giáo viên lớp 2A8) được phân công giám sát.

Đoạn clip sau khi đăng tải trên mạng xã hội facebook dấy lên nỗi bức xúc, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con em đang trong độ tuổi tiểu học.

Đánh giá đây là vi phạm khá nghiêm trọng về đạo đức nhà giáo, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và quận, Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng đã có ý kiến chỉ đạo đình chỉ 1 tháng đối với giáo viên Nguyễn Thị Thu Tr. để tường trình và giải quyết dứt điểm vụ việc nêu trên.

Chủ tịch quận Hồng Bàng cũng đã yêu cầu đình chỉ dạy 6 tháng, không bố trí công tác chủ nhiệm trong 1 năm học kể từ ngày 9/5/2019 đối với giáo viên này.

Học sinh bị đánh bầm tay chân. Ảnh: NVCC

Chiều nay, trên Facebook cá nhân, chị N.N.A, phụ huynh của nam học sinh trên đã gửi lời cảm ơn lãnh đạo Quận Hồng Bàng và nhà trường đã phối hợp với gia đình, không bao che cho cái xấu trong môi trường giáo dục!

Chia sẻ của phụ huynh học sinh bị giáo viên đánh cách đây ít phút. Ảnh chụp màn hình.

“Kết luận cuối cùng về xử lý sai phạm nghiêm trọng của cô giáo, gia đình tôi mong muốn giải quyết đúng người, đúng tội. Để không gây hoang mang, mất niềm tin cho cha mẹ học sinh và xã hội! Và không thể để “1 con sâu làm rầu nồi canh.

Với riêng tôi, trân trọng nghề giáo, nhưng tuyệt đối không bao giờ chấp nhận hành động bạo hành, dùng vũ lực trên ghế nhà trường!”, chị N.A cho hay.

Cô giáo dùng vũ lực “dạy” học sinh có bị xử lý hình sự?

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe về vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội bày tỏ quan điểm, trẻ em là đối tượng đặc biệt không những được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ.

Điều 37 Hiến pháp 2013 nêu rõ: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".

Còn Điều 4 Luật trẻ em đã giải thích: "Bạo lực trẻ em" là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Cháu bé bị giáo viên đánh bằng thước kẻ gỗ. Ảnh: NVCC

“Hành vi của cô giáo đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được vệ về thân thể, sức khỏe của trẻ em khi đã sử dụng vũ lực liên tiếp tiếp tát vào mặt, đầu và cầm thước dài khoảng gần 1 mét đánh nhiều học sinh, trong đó 2 nam học sinh phải bật khóc, tay ôm chỗ đau.

Đáng lẽ ra, cô giáo phải chỉ bảo, uốn nắn dạy dỗ cháu nhưng đáng tiếc lại sử dụng vũ lực quá mức cần thiết để giáo dục cháu.

Các cháu học sinh còn nhỏ tuổi, nhận thức còn hạn chế nhưng không vì thế mà tự cho phép mình được dạy bảo bằng vũ lực, trái quy tắc đạo đức nghề giáo. Hành vi này không những đi ngược lại những giá trị cao quý của nhà giáo được xã hội tôn vinh mà còn là hành xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em”, Luật sư Thơm nói.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, tùy theo tính chất mức độ tổn hại về sức khỏe của cháu học sinh thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 BLHS 2015.

Trường hợp, tỉ lệ tổn thương sức khỏe của cháu N. không đáng kể thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Hành hạ người khác, được quy định tại Điều 140 BLHS 2015.

Theo quan điểm của luật sư Thơm, tùy theo tính chất mức độ và hậu quả gây ra tổn thương về sức khỏe, cũng như danh dự nhân phẩm của các cháu học sinh, cần thiết phải có biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS hoặc tội Hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS là có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Thu Hà

Nguồn PNSK: https://phunusuckhoe.vn/nu-giao-vien-tat-va-dung-thuoc-go-danh-toi-tap-vao-dau-hoc-sinh-gay-rung-dong-mang-xa-hoi-co-bi-xu-ly-hinh-su-c2a317184.html