Nữ giáo sư lội đồng cùng nhà nông

GS.TS Nguyễn Thị Lang, SN 1957 được người dân cả nước biết đến bằng những danh xưng đầy trìu mến mà cao quý như 'người con của đồng bằng sông Cửu Long', 'nữ giáo sư lội đồng'… Bà cũng là nhà khoa học nữ đầu tiên được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa danh giá. Tình yêu dành cho cây lúa, cho nhà nông, cho nền khoa học nông nghiệp nước nhà trong ngót ba chục năm qua của bà thực sự đã mang lại ý nghĩa lớn lao....

GS.TS Nguyễn Thị Lang sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp thuần túy tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Yêu cây lúa, trách nhiệm với quê hương, đam mê nghiên cứu, tìm tòi cộng trí tuệ tinh thông vượt trội, cô bé Nguyễn Thị Lang ngày ấy được cả vùng biết đến và yêu mến.

Con đường học tập và nghiên cứu của Nguyễn Thị Lang mở rộng và tấn tới như chính ý chí của con người ấy. Tốt nghiệp ĐH Tổng hợp TP HCM năm 1979, bà công tác tại Sở Khoa học Bến Tre (nay là Sở Khoa học và công nghệ) 10 năm. Năm 1994, bà nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Di truyền chọn giống. Năm 2009, bà được bổ nhiệm chức danh Giáo sư. Hiện tại, GS.TS Nguyễn Thị Lang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long (tại TP Cần Thơ).

GS.TS Nguyễn Thị Lang cùng công trình được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa. Ảnh: M.C

GS.TS Nguyễn Thị Lang cùng công trình được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa. Ảnh: M.C

Kết duyên với người cùng chí hướng là GS.TS Bùi Chí Bửu, Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018 – 2023, con đường nghiên cứu của bà càng rộng mở hơn vì có người luôn đồng hành, thấu hiểu. Nói về bí quyết vun đắp cuộc sống gia đình, bà chỉ ngắn gọn: “Biết tổ chức, sắp xếp thời gian lo công việc và giáo dục hai con, vợ chồng cùng chia sẻ, phấn đấu để cùng phát triển”.

Tính đến nay, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã có ngót 30 năm miệt mài nghiên cứu về các giống lúa và là tác giả chính của gần 90 giống lúa đã được ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; trong đó, có 30 giống lúa đạt chuẩn xuất khẩu được Bộ NN&PTNT công nhận và đưa vào sản xuất. Ngoài ra, nhiều giống lúa đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo sản xuất lương thực bền vững, an ninh lương thực cho cả nước và nâng cao đời sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Trước tình trạng ngập mặn xâm lấn, vốn là người con của Bến Tre, tháng 2-2020, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã thảo luận về kết quả trồng khảo nghiệm giống lúa chịu mặn HATRI 200 tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri. HATRI 200 đang được Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long gửi Bộ NN&PTNT khảo nghiệm quốc gia. Nếu được Bộ đồng ý thì sẽ đưa vào sản xuất thử, đạt yêu cầu sẽ sản xuất giống. Bà coi đó là món quà để tri ân và dành tặng đồng bào quê hương mình.

Miệt mài nghiên cứu và cống hiến là vậy nhưng khi trở thành nhà khoa học nữ đầu tiên nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa với công trình “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ đồng bằng sông Cửu Long”, GS.TS Nguyễn Thị Lang khiêm nhường nói, đây không phải là phần thưởng của riêng mình mà “là đóng góp chung của nhiều nhà khoa học trong ngành nông nghiệp” và “thành tích đó thuộc về nhiều thế hệ các nhà khoa học nối tiếp nhau xây dựng và phát triển”.

Bày tỏ quan điểm trong hoạt động khoa học, GS.TS Nguyễn Thị Lang rất rõ ràng: “Ngoài sự kế thừa phải luôn luôn sáng tạo ra cái mới bởi nếu không biết kế thừa những tinh hoa của quá khứ, chúng ta sẽ không thể tìm ra cái gì mới hơn cho phát triển trong hiện tại. Nhưng nếu chỉ trân trọng và kế thừa quá khứ mà không hề sáng tạo, chúng ta sẽ hổ thẹn với tương lai vì không đáp ứng yêu cầu mới...”.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nu-giao-su-loi-dong-cung-nha-nong-185352.html