Nữ Giáo sư có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới nền giáo dục

GS.TS.Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo- trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội được biết đến là một trong những nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Những cống hiến của nữ GS được nhiều thế hệ giáo viên, sinh viên ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2019, nữ GS vinh dự được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam- đây là niềm tự hào của GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nói riêng và của tập thể thầy và trò trường ĐH Giáo dục nói chung.

GS.TS.Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc được biết đến là người triển khai lần đầu ở Việt Nam mô hình đào tạo giáo viên phổ thông theo mô hình nối tiếp - đan xen 3+1 trong ĐH đa ngành, đa lĩnh vực như ĐHQG Hà Nội. Mô hình đã được GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc đề xuất năm 2000 và được thể nghiệm trong giai đoạn 2000 - 2005 tại khoa Sư phạm, nay là trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội. Cho đến nay, mô hình đã được ngành GD&ĐT thừa nhận như một mô hình đào tạo giáo viên THPT chính thức trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam và phát triển thành mô hình a+b.

GS.TS.Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc (thứ 4 từ trái qua) bên các đồng nghiệp. Ảnh: D.Y

GS.TS.Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc (thứ 4 từ trái qua) bên các đồng nghiệp. Ảnh: D.Y

Trải qua chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay mô hình đào tạo nhà giáo Mỹ Lộc đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà. Các thế hệ sinh viên sư phạm trưởng thành tại trường ĐH Giáo dục đã có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy và giáo dục, được xã hội công nhận và tôn vinh. Ưu điểm của mô hình đào tạo giáo viên này là giải quyết được vấn đề thừa, thiếu giáo viên và đào tạo được các nhà giáo có tư duy của nhà khoa học, kiến thức vững vàng, đồng thời có hiểu biết vững chắc của ngành khoa học giáo dục.

Với tư cách là người đứng đầu một cơ sở đào tạo các chuyên gia giáo dục, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc đã xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo rất cấp thiết, lần đầu tiên có ở Việt Nam như: Đưa chuyên ngành Quản lý và lãnh đạo giáo dục trở thành một chuyên ngành khoa học có vị trí trong hệ thống các chuyên ngành khoa học giáo dục ở Việt Nam; Xây dựng dự án “Chương trình thạc sĩ quản lý giáo dục theo chuẩn quốc tế” cùng sự phối hợp của Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục ĐH của Hà Lan (NUFFIC) được nhà nước Việt Nam chấp nhận. Dự án đã được NUFFIC đánh giá nghiệm thu tốt và đã được đưa vào đào tạo tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành quản lý giáo dục tham gia dự án: Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Quản lý giáo dục, trường ĐH Sư phạm Huế, trường ĐH Sư phạm Đà nẵng, ĐH Sư phạm Quy Nhơn…

Chuyên ngành đào tạo thạc sĩ “Tâm lí học và Thực hành hướng nghiệp”- đào tạo các chuyên gia về giáo dục hướng nghiệp (hợp tác với Viện Nghiên cứu Lao động và Hướng nghiệp (CNAM), Cộng hòa Pháp) đã triển khai đào tạo tại trường ĐH Giáo dục 2 khóa.

Ngoài ra, vị nữ GS còn đưa chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với ĐH Vanderbitl, Hoa Kỳ; đến nay đã đào tạo được 6 khóa thạc sĩ về giáo dục sức khỏe tâm thần. Hiện bà đang là chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước: “Xây dựng bộ chỉ số phát triển sinh lý, tâm lý của trẻ mầm non và học sinh tiểu học phục vụ đổi mới giáo dục và đào tạo Việt Nam” và là thành viên chính tham gia đề tài cấp Nhà nước về “Cơ sở khoa học cho việc đề xuất hệ thống giải pháp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 44-NQ/CP của Chính phủ.

Không chỉ dành thời gian vào công tác chuyên môn, giảng dạy và nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc còn tích cực tham gia vào các hoạt động vì sự tiến bộ của chị em phụ nữ. Bà là thành viên Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành GD&ĐT. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ quốc gia, ngành giáo dục và ngành văn hóa, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc đã tập trung chăm lo tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng cho nữ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và ngành văn hóa; đồng thời đào tạo lại đội ngũ kế cận lực lượng cán bộ quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục của Trung ương và các địa phương trong toàn quốc; quan tâm đến quyền lợi của đội ngũ nữ trí thức, tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội nữ trí thức Hà Nội, là Ủy viên Ban chấp hành Hội.

Nam Du

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nu-giao-su-co-nhieu-dong-gop-vao-cong-cuoc-doi-moi-nen-giao-duc-170444.html