Nữ giảng viên truyền lửa

Giảng viên Trường Đại học BR-VT nhận Giải thưởng Lương Định Của

Ít ai biết rằng, ở Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT hiện có những nữ giảng viên ở các khoa kỹ thuật, công nghệ, cơ khí. Các nữ giảng viên ấy không chỉ dạy giỏi mà còn “truyền lửa” cho học viên thông qua những tiết dạy đầy hứng thú.

Cô Nguyễn Thị Bích, 36 tuổi, giảng viên Khoa Cơ khí, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ BR-VT hướng dẫn thực hành cho học viên.

Cô Nguyễn Thị Bích, 36 tuổi, giảng viên Khoa Cơ khí, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ BR-VT hướng dẫn thực hành cho học viên.

TRUYỀN CẢM HỨNG GIỮA NHỮNG THIẾT BỊ KHÔ KHAN

Giữa xưởng thực hành toàn máy móc, thiết bị đồ sộ, cô Nguyễn Thị Bích, 36 tuổi, giảng viên Khoa Cơ khí, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT hướng dẫn tỷ mỉ các thao thác thực hành gia công trên máy mài cho các nam sinh lớp CD19. Vừa dịch chuyển chi tiết trên máy, cô Bích vừa hướng dẫn cho các em cách căn chỉnh từng chi tiết để đạt độ chuẩn xác nhất. Không những vậy, cô còn kết hợp với đặt câu hỏi khơi gợi sự tập trung cũng như tư duy sáng tạo của các em. Điều đó buộc các em phải đưa ra ý kiến, cùng trao đổi, thảo luận khiến giờ học thú vị hơn.

Nếu không chứng kiến tận mắt, ít ai biết rằng, nữ giảng viên nhỏ nhắn Nguyễn Thị Bích đã dành trọn niềm đam mê giảng dạy nghề cơ khí suốt 11 năm nay. “Sau mỗi giờ lên lớp, quần áo lúc nào cũng lấm lem, có những lúc phải vận hành cả khối máy móc lớn khiến tôi mệt rã rời. Song niềm đam mê, tình yêu với nghề đã tiếp thêm động lực cho tôi để kiên trì rèn nghề cho các em. Với quan niệm học viên phải thành nhân trước khi thành nghề nên tôi luôn chú trọng dạy các em ý thức trước để rèn tác phong công nghiệp cho học viên rồi mới rèn kỹ năng nghề”, cô Bích chia sẻ.

Nói về cơ duyên với nghề, cô Bích cho biết: “Tôi chọn học nghề cơ khí vì nghĩ dễ xin việc và tôi cũng rất thích làm công việc liên quan đến kỹ thuật. Sau này, khi đứng trước khối máy móc, thiết bị đồ sộ tôi không khỏi lo lắng. Thế nhưng, việc thường xuyên tiếp xúc với máy móc có kết cấu phức tạp, dầu mỡ... lại rèn luyện, giúp tôi trưởng thành hơn”. Xác định muốn giỏi nghề phải rèn luyện, có kỹ năng thuần thục nên suốt thời gian học tại Khoa Cơ khí, Trường ĐH Công nghiệp Kỹ thuật Thái Nguyên, cô Bích luôn mày mò, tìm hiểu thêm để nắm rõ cấu tạo, nguyên lý hoạt động, kỹ thuật gia công của máy móc. Cô Bích vừa đi học, vừa xin làm thêm ở xưởng cơ khí để tích lũy kinh nghiệm. Về sau, cô tiếp tục theo học thạc sĩ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội rồi nộp hồ sơ vào Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT và trở thành giảng viên chuyên ngành cơ khí tại trường. Nhờ chuyên môn vững chắc, cộng với lòng yêu nghề, cô Bích luôn nhiều năm liền đạt giáo viên giỏi cấp trường, cấp tỉnh và đạt nhiều thành tích xuất sắc. Năm 2018, cô Bích đoạt giải Ba tại Hội giảng Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc và nhận Bằng khen của Bộ LĐTBXH.

Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT có 54 nữ giảng viên, trong đó có 39 nữ giảng viên giảng dạy kỹ thuật, công nghệ, cơ khí. Gần một nửa số nữ giảng viên được xếp loại giỏi, đạt giải tại các cuộc thi, hội giảng cấp cơ sở, cấp tỉnh, toàn quốc…

VỪA LÀM THẦY, VỪA LÀM THỢ

Từ nhỏ đã ước mơ làm cô giáo, nhưng trở thành giáo viên dạy nghề điện như hiện tại thì đúng là một điều khác biệt so với số đông của cô Nguyễn Thị Hiên, 39 tuổi, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT. Cô Hiên kể: “Từ nhỏ, tôi đã ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành một cô giáo. Thêm nữa, ngày còn đi học, tôi rất thích học môn vật lý và các giờ học thực hành ở trường. Việc nhìn các thí nghiệm về điện như mắc mạch điện cho đèn sáng... thực sự làm tôi thích thú”. Cô Hiên cho biết, đối với nữ khi học nghề điện có một số hạn chế, bởi khi thực hành có lúc phải leo trèo lên cao để gắn điện hoặc các thao tác đòi hỏi sức mạnh, nữ phải rất cố gắng và cô thuần thục các kỹ năng như một thợ điện.

Cô Hiên chia sẻ: “Có những khi dẫn sinh viên đi thực tế và gặp tình huống lắp điện nhà cao tầng buộc phải leo trèo lên cao khiến tôi phải trao đổi kỹ trước khi các em thực hành. Trước khi các em leo lên cao, cô trò đã phải tập đi tập lại từng thao tác”.

Một nữ giảng viên khác cũng dành trọn niềm đam mê cho nghề dạy học đó là cô Tạ Thị Thanh Thúy, 39 tuổi, Trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT. Cô Thúy từng theo học Khoa Công nghệ hóa học, chuyên ngành công nghệ thực phẩm và đồ uống, Trường ĐH Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh. Từ kỹ sư chế biến thủy sản, làm việc tại một DN trong lĩnh vực sản xuất chế biến thủy sản nhưng cô Thúy bất ngờ rẽ ngang sang nghề dạy học.

Ban đầu, cô Thúy giảng dạy tại Trường CĐ Cộng đồng và từ năm 2016, cô về giảng dạy bộ môn công nghệ thực phẩm tại Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ BR-VT. Đến nay, cô đã có 14 năm gắn bó với nghề dạy học. Để có những giờ học hấp dẫn học viên, cô Thúy luôn nghĩ ra những phương pháp kích thích học viên để các em yêu thích và muốn được đến lớp. Ví dụ như với những bạn vi phạm nội quy sẽ có hình thức phạt thích đáng, còn những bạn giỏi sẽ có phần thưởng khích lệ. Giáo trình giảng dạy cô cũng sẽ điều chỉnh để phù hợp với năng lực từng nhóm học viên. Muốn vậy, cô Thúy dành nhiều thời gian tìm hiểu trên sách vở, thực hành thao tác để tìm phương pháp truyền đạt dễ tiếp thu tốt nhất. Với nỗ lực của mình, cô Thúy từng đạt những giải thưởng cao như: Giải Nhất Hội giảng cấp trường năm 2014; giải Ba và giải Nhì Hội giảng cấp tỉnh; giải Khuyến khích Hội giảng giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2019.

Theo Thạc sĩ Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT, GV nữ có lợi thế là sự mềm dẻo, quan tâm, gần gũi với học viên hơn. Trong chương trình giảng dạy, ngoài kiến thức còn có kỹ năng mềm nên đa phần các lớp có giáo viên nữ đáp ứng khá tốt điều này.

Cô Nguyễn Thị Hiên, 39 tuổi, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT hướng dẫn thực hành cho học viên.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202012/nu-giang-vien-truyen-lua-916178/