Nữ giảng viên tim mạch Đại học Y Hà Nội- cá nhân duy nhất được nhận Giải thưởng Kovalevskaia

PGS.TS Trương Thanh Hương - giảng viên cao cấp bộ môn Tim mạch (Trường đại học Y Hà Nội), nữ cá nhân duy nhất được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức kỷ niệm 35 năm Giải thưởng Kovalevskaia và Lễ trao giải Kovalevskaia năm 2020 vào ngày 5/3.

Giải thưởng Kovalevskaia năm nay sẽ được trao cho tập thể nữ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và PGS.TS Trương Thanh Hương - giảng viên cao cấp bộ môn Tim mạch (Trường đại học Y Hà Nội), nguyên Trưởng phòng Tim mạch Nhi, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai bởi những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học tự nhiên nói riêng.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao giải Kovalevskaia cá nhân cho PGS.TS Trương Thanh Hương

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao giải Kovalevskaia cá nhân cho PGS.TS Trương Thanh Hương

Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định: Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng quốc tế đầu tiên dành cho các nhà khoa học nữ tại Việt Nam, nhằm ghi nhận những đóng góp của phụ nữ trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học tự nhiên - một lĩnh vực có vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức.

Trong 35 năm qua, Giải thưởng được trao cho 20 tập thể và 49 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin…, khuyến khích các chị không chỉ tiếp tục cống hiến, mà còn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ các nhà khoa học nữ trẻ trên con đường khoa học vinh quang nhưng cũng không ít chông gai.

Giải thưởng đã góp phần khẳng định vai trò của các nhà khoa học nữ trong nghiên cứu và ứng dụng, mang lại giá trị kinh tế cao và tính nhân văn sâu sắc. Giải thưởng là thể hiện mạnh mẽ về tài năng, khả năng, sức sáng tạo và trí tuệ của những nhà khoa học nữ Việt Nam trên con đường chinh phục nhiều đỉnh cao khoa học.

PGS.TS Trương Thanh Hương phát biểu khi nhận giải thưởng Kovalevskaia

Trong 35 năm công tác tại Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai và Bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội, PGS. TS Trương Thanh Hương đã nghiên cứu, chuyển giao nhiều công trình khoa học có liên quan tới bệnh lý tim mạch bẩm sinh và di truyền, phát triển các kỹ thuật mới về siêu âm tim.

PGS.TS. Trương Thanh Hương từng tham gia và chủ trì 19 đề tài khoa học các cấp, công bố 75 bài báo khoa học trong và ngoài nước. Chị cũng tham gia đào tạo cho nhiều học viên, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa và là chủ biên và thành viên soạn thảo của 20 giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu y khoa có giá trị.

PGS.TS Trương Thanh Hương là người tham gia, chủ trì nghiên cứu nhiều đề tài có ý nghĩa trong lĩnh vực y tế. Điển hình như công trình “Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam” - xây dựng thành công mô hình sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam và chuyển giao đến các cơ sơ y tế. Ước tính, tại Việt Nam có gần 500 nghìn bệnh nhân mắc bệnh này.

Bệnh di truyền ảnh hưởng đến các thế hệ trong gia đình, từ người lớn đến trẻ nhỏ, cần ngăn chặn việc phát tán nguồn gen bệnh và phòng chống biến chứng gây tàn phế, thậm chí gây tử vong như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, xơ vữa động mạch.

PGS.TS Trương Thanh Hương theo dõi, hướng dẫn học trò thăm khám cho bệnh nhi

Chính nhờ công trình nghiên cứu này mà bệnh nhân và gia đình họ có thể tiếp cận được việc chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh tối ưu, giảm chi phí điều trị biến chứng, bảo toàn lực lượng lao động vì biến chứng của bệnh xuất hiện ở lứa tuổi trẻ.

PGS.TS Trương Thanh Hương cũng là chủ nhiệm công trình “Khảo sát một số đa hình thường gặp của gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc clopidogrel ở người mắc bệnh động mạch vành tại Việt Nam” - đề tài nhánh của Dự án “Ứng dụng công nghệ gen trong sản xuất chip sinh học phục vụ chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý” thuộc Chương trình Quốc gia phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, là đồng chủ nhiệm; nghiệm thu cấp cơ sở năm 2019.

Công trình này đã được chuyển giao để chế tạo chíp sinh học chẩn đoán nhanh đa hình gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc Clopidogrel đặc hiệu cho người Việt Nam. Điều này có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn, mở ra cơ hội hiện thực hóa việc cá thể hóa điều trị thuốc chống ngưng tập tiểu cầu Clopidogrel tại Việt Nam.

Với hàng trăm nghìn bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, việc sử dụng chíp sinh học này trong cá thể hóa điều trị hứa hẹn góp phần giảm tối đa biến chứng và tử vong cho người bệnh. Từ đó có thể tiết kiệm đáng kể chi phí chăm sóc y tế hàng năm cho đất nước.

PGS.TS Trương Thanh Hương thăm khám cho bệnh nhi

Không chỉ giỏi chuyên môn, PGS.TS Trương Thanh Hương còn đóng góp một phần không nhỏ khi là cầu nối của ngành Y tế Việt Nam với quốc tế, thông qua các đóng góp ngang tầm trong nghiên cứu khoa học và hợp tác sáng tạo với các nhà khoa học, các tổ chức khoa học uy tín trên thế giới từ Pháp, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản...

Nhờ đó, nhiều bác sỹ, nhà khoa học trẻ đã có cơ hội tiếp cận môi trường khoa học quốc tế để học tập và phát triển năng lực tối ưu, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

Trong công tác đào tạo, PGS. TS Trương Thanh Huơng luôn đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy hướng đến tăng cường tính chủ động, tích cực, khả nặng tự học của sinh viên. Đặc biệt, chị đã áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại được đào tạo tại Úc như phương pháp giảng dạy tăng cường năng lực lâm sàng như Objective Structural Clinical Examination (OSCEs), Mini Clinical Evaluation Excerise (Mini-CEX) cho sinh viên ngành y, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Ngoài công tác chuyên môn, PGS.TS Thanh Hương cũng tích cực triển khai các hoạt động hướng tới cộng đồng, đi khám sức khỏe thiện nguyện cho bà con những tỉnh nghèo, có nhiều khó khăn...

PGS.TS Trương Thanh Hương cùng trao đổi chuyên môn với chuyên gia nước ngoài

"Đây là nguồn động lực thu hút các bác sĩ trẻ đặc biệt là các nữ bác sĩ tim mạch lâm sàng tiến quân vào con đường khoa học ứng dụng. Đó là ứng dụng các kiến thức hàn lâm và lâm sàng không chỉ trong việc chữa bệnh nhân đến bệnh viện mà còn chủ động đi tìm bệnh nhân trong cộng đồng làng xã để chữa trị và phòng bệnh, nhằm giảm dòng bệnh nhân bị bệnh nặng phải đến bệnh viện gây quá tải bệnh viện.

Giải thưởng càng làm tăng niềm tin của người bệnh đã dành cho chúng tôi trong hành trình sàng lọc phát hiện bệnh và chữa trị cho họ"- đó là lời chia sẻ của PGS.TS Trương Thanh Hương tại lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020…

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nu-giang-vien-tim-mach-dai-hoc-y-ha-noi-ca-nhan-duy-nhat-duoc-nhan-giai-thuong-kovalevskaia--n187692.html