Nữ già làng bao dung

Mặc dù cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên hiện nay vẫn còn duy trì chế độ mẫu hệ, nhưng việc đàn bà đứng vai già làng là rất hi hữu. Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr, BĐBP Gia Lai rất tự hào, vì trong số 7 nữ già làng tiêu biểu nhất của Việt Nam hiện nay, có một người dân tộc Jrai, là nữ già làng đang cư trú ở xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Bà là Ksor Blam.

Chân dung nữ già làng Ksor Blam. Ảnh: TTH

Chân dung nữ già làng Ksor Blam. Ảnh: TTH

Ngôi nhà gỗ huyền dưới tán cây xoài rợp bóng của già làng Blam nằm giữa làng Krong của xã Ia Mơr. Đây là một ngôi làng cổ rất hiếm hoi còn sót lại của Tây Nguyên vẫn giữ được nhiều căn nhà ghép gỗ, dưới những gốc cây xoài cổ thụ. Những hàng rào bằng gỗ quanh làng thẳng thớm, mòn dấu chân trẻ leo trèo.

Hơn 60 nóc nhà của làng Krong, gia đình nào cũng có chòi gỗ đựng thóc riêng ngoài vườn và trữ gỗ tạp dưới gầm sàn nhà để làm chất đốt. Một điều “ngậm ngùi” là trước những biến động rất mạnh mẽ của đời sống Tây Nguyên, làng nào còn giữ được nếp cũ thì cả làng chẳng có căn nhà nào bà con tự làm mới mà thỉnh thoảng lại thấy những ngôi nhà được tặng bởi các tập đoàn, doanh nghiệp... Ia Mơr là trường hợp như vậy.

Vì vậy mà chúng tôi càng nóng lòng muốn gặp bà Ksor Blam. Người phụ nữ 75 tuổi đặc biệt có uy tín của Tây Nguyên này sẽ giải đáp cho chúng tôi nhiều câu hỏi về Tây Nguyên, về đời sống bình dị mà chúng tôi đang nhìn thấy, về cả chiều dài sự phát triển của xã biên giới heo hút này. Mà không chừng, làng Krong cũng đại diện cho hình ảnh của một Tây Nguyên trải qua nhiều thăng trầm lịch sử.

Già Blam rạng rỡ đứng bên cửa rồi ngồi xuống bên chúng tôi ở hàng hiên, rót nước ra chén với nụ cười vẫn còn trên môi. Bà sinh năm 1945, hàm răng còn chắc khỏe trong mỗi nụ cười và đặc biệt, khuôn mặt hồn hậu, dáng người dong dỏng cho thấy nữ già làng thời son trẻ hẳn là cô gái đẹp trong làng. Điều đặc biệt là Ksor Blam chưa từng lập gia đình. Bà về hưu mang quân hàm Thượng úy, từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai. Cả cuộc đời bà đã rèn giũa được kĩ năng vận động quần chúng.

Người làng nhìn thấy bà ra sức cống hiến cho cách mạng, cho việc làng, không hề vun vén cho bản thân, họ bầu bà làm già làng, năm 1998. Lúc đó, chưa hề có tiền lệ, phụ nữ được ngồi vào vị trí trang trọng ở nhà rông, bàn việc lớn của làng. Nhưng, ở trong làng, quá nhiều người được bà giúp đỡ, cho mượn bò, mượn tiền, mượn gạo những lúc khó khăn. Lâu dần bà là chỗ dựa của họ. Đôi lúc là niềm tin của những phận nghèo. Làm già làng, bà có danh nghĩa đứng ra hòa giải cho nhiều gia đình có mâu thuẫn. Bà hỗ trợ địa phương tuyên truyền pháp luật Nhà nước, đứng ra giải thích cho đồng bào hiểu được ý nghĩa của việc giữ rừng. Có bà ở đâu, ở đó có tiếng cười.

Già Blam trẻ hơn tuổi của mình, trò chuyện dí dỏm, tư duy phân tích, lý giải đầy hiểu biết. Chúng tôi vây quanh bà, cuốn theo những câu chuyện kể, đôi lúc tưởng như đó là những chuyện bà cùng dân làng Krong mới trải qua chưa xa. Thượng tá Đoàn Văn Khải, cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr nói: “Trong làng dù việc lớn, việc nhỏ, bộ đội đều phải dựa vào già làng để tiếp cận với cộng đồng. Cách xử lý vụ việc của bà Blam mềm mại nhưng mạnh mẽ, đôi lúc như vòng tay người mẹ, sẻ chia, cảm thông che chở, nên mọi việc có bà khó mấy cũng giải quyết xong”. Blam cười, nói đùa: “Nhiều lúc tôi cũng thấy mình giống đàn ông. Việc khó tôi cũng gắng tìm cách giải quyết. Mấy cái bằng khen ghi nhầm là ông già làng Ksor Blam, vì họ nghĩ không có nữ già làng. Tôi đứng làm đàn ông cũng không sao”.

Nhắc đến những biến động gần đây của xã Ia Mơr, già Blam trầm ngâm hẳn. Bà nói, những năm tuổi thanh niên, đi 3 cùng với bà con, một mình “cầm nắm” bao nhiêu nhiệm vụ khó lại đối mặt với súng đạn, rừng già, núi cao, bà cảm thấy không khó bằng bây giờ phải giải quyết việc thiếu đất đai, kế sinh nhai của làng. Mâu thuẫn muôn thuở của sự phát triển là người ở rừng giờ không còn được phá rừng làm rẫy nữa.

Canh tác khó hơn, luật lệ nghiêm ngặt hơn. Làng nghèo, bao nhiêu năm vẫn nghèo, dù dân biết trồng lúa nước, có diện tích đất nông nghiệp, lại là xã biên giới xa xôi được ưu tiên, hỗ trợ nhiều phương án thoát nghèo, quyết tâm làm chương trình nông thôn mới. Ia Mơr sắp tới đây sẽ nằm ngay dưới chân hồ chứa nước lớn, thủy lợi thuận tiện, canh tác cây trồng sẽ tiến lên một bước.

Già Blam cần mẫn nuôi mấy con bò cũng chỉ để cho người làng đến mượn. Bò nuôi lớn, đẻ xong rồi họ dắt tới trả. Mượn bò rồi mượn tới cả đất đai, tiền bạc, bà không lấy của ai đồng tiền nào.

Già thương những gia đình nghèo, đông con cái, tách ra ở riêng, nhưng đất canh tác không có mà chia nữa. Công trình thủy lợi lớn xây dựng trên đất Ia Mơr cũng khiến cho một lượng lớn đất đai giải tỏa đền bù. Chuyện kiện tụng ì xèo rất khó giải quyết.

Có người trong làng còn hỏi khó bà: “Nhà nước cấm rừng, cấm đốt rẫy rồi có phát gạo cho tôi ăn không?”. Họ đốt rẫy, Kiểm lâm tới phạt rồi Kiểm lâm rời đi, họ lại làm tiếp. Blam kiên nhẫn giải thích, thuyết phục. Điều quan trọng nhất là không để cho dân của làng vi phạm pháp luật, còn no đói gì bà cũng đùm bọc.

Bà hiện sống một mình, không phải là người có của ăn của để, nhưng có bao nhiêu, bà cho đi bấy nhiêu. Bà lão hơn 70 tuổi này vẫn lùa bò ra rừng hàng ngày, nuôi bò lớn thì cho mượn, bò đẻ thì cho người ta bê. Bà nói: “Chỉ mong sao những cơ quan, đơn vị đã từng thu gom đất rừng nghèo để trồng cao su trước đây, giờ cao su chết thì có cách nào đó giải tỏa dự án cho dân canh tác. Người làng Krong có kinh nghiệm làm rẫy lâu đời. Chỉ cần có đất là không đói được”.

Nữ già làng Ksor Blam thường bàn bạc công việc với cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr. Ảnh: TTH

Già Blam luôn đứng về phía người dân, vì vậy uy tín của bà với người làng rất lớn. Dù đã 75 tuổi, nhưng hễ có việc gì còn mới, chưa biết là bà tìm hiểu, học hỏi. Điều ngạc nhiên hơn nữa là bà lý giải những việc khó, những mâu thuẫn không dễ gì có thể hòa giải một cách tự nhiên, giản đơn. Nói về phong tục tập quán của dân tộc mình, Ksor Blam nói, một phần văn hóa mai một đi cũng vì gánh nặng kinh tế. Người làng khó khăn không lo nổi những lễ cúng lớn, bà đều có cách làm giản lược đi, giữ được phong tục nhưng không quá khiên cưỡng, cứng nhắc. Cuộc sống giản dị của bà không có gì thừa thãi, vô dụng. Tất cả sự quan tâm của bà tập trung vào dân làng. Bà sẵn sàng bàn bạc, tranh luận với các cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr đến khi tìm ra được phương án tốt nhất cho bà con dân làng.

Nữ thủ lĩnh Ksor Blam trở thành đại thụ của buôn làng Tây Nguyên theo cách như thế. Cuộc đời của bà như cây xanh bền chắc và tỏa bóng. Người làng Krong, Náp, Khôi, Klar, Ring và dân lân cận đã và đang được hưởng bóng mát ấy.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nu-gia-lang-bao-dung/