Nữ điều dưỡng luôn tận tâm với nghề

Đó là chị Lê Thị Cúc (sinh năm 1966), Khoa Nội II, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Suốt 33 năm gắn bó với nghề, không chỉ vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, chị Cúc còn được yêu mến bởi lối sống chan hòa, gần gũi với đồng nghiệp, hết lòng chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.

Chia sẻ về con đường tới với nghề y, chị Cúc cho biết đó là ước mơ từ nhỏ của mình. Bởi lẽ, khi nhỏ chị Cúc sức khỏe yếu và thường xuyên phải vào bệnh viện điều trị.

Những ngày nằm trong viện chữa bệnh, được các y, bác sĩ chăm sóc tận tình từ, chu đáo… giúp chị Cúc vượt qua cơn bạo bệnh. Cũng từ đó, hình ảnh chiếc áo blouse trắng ấm áp đã giúp chị nuôi dưỡng ước mơ được trở thành nhân viên y tế.

Điều dưỡng Lê Thị Cúc cắt tóc cho bệnh nhân.

Điều dưỡng Lê Thị Cúc cắt tóc cho bệnh nhân.

Nỗ lực học tập, biến giấc mơ trở thành hiện thực, năm 1986 chị Cúc bắt đầu làm công tác điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Với mong muốn được góp sức bé mọn của mình vào việc giúp đỡ cứu người, chị Cúc luôn trau dồi, tích lũy kinh nghiệm từ đồng nghiệp để nâng cao kiến thức, tay nghề phục vụ công việc chuyên môn.

Chị Cúc luôn tâm niệm, người bệnh khi đến bệnh viện mang theo nỗi đau về thể xác và nỗi lo về tinh thần. Là người điều dưỡng, phải ý thức được công việc của mình, phối hợp giữa điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và giáo dục sức khỏe cho người bệnh. Bên cạnh đó, thái độ ứng xử hết sức cần thiết trong mỗi tình huống, không gây phiền hà cho người bệnh, ân cần, nhẹ nhàng với bệnh nhân trong công tác điều trị, chăm sóc cho người bệnh.

Đặc biệt, với đặc thù bệnh nhân Khoa Nội, thông thường việc điều trị bằng thuốc sẽ kéo dài 7 - 10 ngày hoặc hơn thế. Bởi vậy, nhiều bệnh nhân thường tâm lý nôn nóng, mong mỏi sớm khỏi bệnh. Thấu hiểu điều đó, trong quá trình điều trị, điều dưỡng luôn là người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất, nên cần có sự quan tâm và chia sẻ với họ.

"Bởi nếu điều dưỡng chỉ cứng nhắc thực hiện y lệnh của bác sĩ là tiêm, truyền, cho thuốc… mà thiếu sự quan tâm thì bệnh nhân sẽ không có cảm giác gần gũi, ác cảm, lạnh nhạt và thậm chí là không phối hợp điều trị với y bác sĩ làm cho bệnh tình khó có thể thuyên giảm", chị Cúc cho biết.

Mắc bệnh thận nên phải lọc máu theo chu kỳ, khi sức khỏe yếu thì được điều lên điều trị tại Khoa Nội II, bệnh nhân Nguyễn Thị Lan Hương (48 tuổi, quận Đống Đa) chia sẻ: “Trong quá trình điều trị, tôi được các bác sĩ chăm sóc rất tận tình, chu đáo, đặc biệt là điều dưỡng Cúc. Khi trời nắng nóng cô Cúc động viên, chia sẻ, tư vấn cho chúng tôi về cách phòng bệnh và chế độ dinh dưỡng để có sức khỏe tốt. Những lúc rảnh, cô ân cần đến ngồi bên giường bệnh hỏi han tình hình sức khỏe, nói chuyện hài hước giúp chúng tôi thoải mái. Người già chúng tôi, những ngày điều trị chỉ cần thế là tinh thần phấn khởi hơn rất nhiều rồi”.

Quá trình công tác đã để lại trong chị Cúc nhiều kỷ niệm ấn tượng. Vui có, buồn có, nhưng đọng sâu trong tâm trí chị là những trường hợp người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, côi cút không người chăm sóc. Chị Cúc nhớ lại, như trường hợp bệnh nhân nữ bị tiểu đường hoàn cảnh gia đình rất éo le. Chồng chết, 2 đứa con bị nghiện, bệnh nhân bị bệnh tiểu đường nặng không đi lại được. Những ngày trong viện, bệnh nhân này không có người trông nom, chăm sóc. Không có cơm để ăn và phải sử dụng cơm từ thiện.

“Quả thực khi chứng kiến và hiểu hoàn cảnh của người bệnh đó, tôi chỉ nghĩ cùng là phụ nữ, cùng 1 kiếp người, sao họ phải chịu đựng những hoàn cảnh thương tâm đến thế. Thấy vậy, tôi đã xin cơm cho bệnh nhân và thường xuyên đút cơm cho bệnh nhân ăn. Khi có thời gian tôi lại ngồi an ủi, tâm sự, động viên để bệnh nhân có thêm chỗ dựa về tinh thần, lạc quan hơn trong quá trình điều trị”, chị Cúc tâm sự.

Với điều dưỡng Cúc, niềm vui lớn nhất của chị là sự hài lòng của bệnh nhân. Mỗi khi thấy nụ cười của người bệnh đó là món quà, là thành quả mà chị gặt hái được trong quá trình chăm sóc cho người bệnh.

Không chỉ tận tâm trong công tác chăm sóc người bệnh, mà chị Cúc còn tận tình trong việc chỉ bảo, hướng dẫn lớp lớp sinh viên tham gia thực tập tại Khoa.

Trực tiếp được điều dưỡng Lê Thị Cúc hướng dẫn trong quá trình thực tập tại Khoa Nội II, em Nguyễn Kim An, sinh viên năm 3, Trường Cao đẳng Y Hà Nội chia sẻ: “Được theo chân cô Cúc học tập trong quá trình thực tập em cảm thấy rất may mắn. Khi tiếp xúc lâu dài, em dần cảm nhận được cô rất vui tính và cởi mở. Cô tận tình truyền đạt cho em từ cách bẻ ống thuốc an toàn để không bị chảy máu hoặc cách lấy ven cho bệnh nhân để giảm đau, cắt băng dích ra làm sao, để bông như thế nào theo đúng quy trình... và quan trọng là thái độ khi tiếp xúc với người bệnh từ lời nói cho đến cử chỉ, hành động để bệnh nhân tin tưởng và an tâm điều trị....

Từ những việc làm và hành động của cô Cúc hàng ngày khi chăm sóc người bệnh đã cho em những bài học về sự chỉn chu trong công việc. Cô đã truyền lửa cho em thêm yêu nghề và tự tin vững bước với sự nghiệp điều dưỡng trong tương lai”...

Tâm huyết, tận tụy trong công việc, điều dưỡng Cúc luôn là chỗ dựa tin cậy và ấm áp của bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn khi tới viện điều trị. Chị xứng đáng với lời dạy của Bác “Lương y như tử mẫu”, là một tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nguyễn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nu-dieu-duong-luon-tan-tam-voi-nghe-97247.html