Nữ điệp viên quan trọng nhất từng được Liên Xô chiêu mộ

Không ai trong số các cư dân tại khu Bexleyheath ở phía đông nam thủ đô London của nước Anh nghĩ rằng bà lão Melita Norwood, một người hàng xóm dễ mến, lại từng là một trong những điệp viên quan trọng bậc nhất của Liên Xô trước khi thân phận thực sự của bà được 'đưa ra ánh sáng'.

Chương trình “Tube Alloys”

Melita Norwood có tên khai sinh là Melita Sirnis, sinh ngày 25-3-1912 tại Anh. Vì bố mẹ đều là những người cộng sản nên ngay từ bé lý tưởng cộng sản đã sớm ăn sâu vào trong tiềm thức của cô gái mang hai dòng máu Latvia và Anh này. Năm 1936, Melita Norwood gia nhập Đảng Cộng sản Anh. Trong một bài viết mới đây, trang mạng Russia Beyond cho biết, cũng vào thời điểm này, bà được tuyển dụng làm thư ký tại Hiệp hội Nghiên cứu kim loại màu của Anh (B.N.F.M.R.A)-cơ quan phụ trách phát triển công nghệ hạt nhân của đảo quốc sương mù lúc bấy giờ. Đến năm 1937, Melita Norwood được cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) tuyển dụng và bắt đầu làm việc “vì sự nghiệp cách mạng thế giới”.

 “Điệp viên Hola” thời trẻ.

“Điệp viên Hola” thời trẻ.

Theo trang mạng Russia Beyond, Melita Norwood được tiếp cận trực tiếp tất cả thông tin chi tiết về chương trình hạt nhân của Anh có mật danh “Tube Alloys”. Vì dành được sự tín nhiệm hoàn toàn của cấp trên là G.L.Bailey-một thành viên trong ban cố vấn của chương trình “Tube Alloys”, nên Melita Norwood có thể tiếp cận hai két sắt của ông G.L.Bailey tại văn phòng và nhà riêng. Từ đó, Melita Norwood đã chụp lại các thư từ tuyệt mật, báo cáo khoa học, bản phân tích và chuyển cho phía KGB.

Lọt vào “tầm ngắm” của MI5

Trang mạng Russia Beyond cho biết, Melita Norwood, còn có bí danh là “điệp viên Hola”, được phía Liên Xô cực kỳ coi trọng, thậm chí hơn cả điệp viên lừng danh Kim Philby. Melita Norwood được mô tả là “một điệp viên có kỷ luật và tận tâm-người luôn nỗ lực hết sức để giúp đỡ tình báo Liên Xô”. Trong khi đó, BBC cho rằng bà là nữ điệp viên quan trọng nhất từng được Liên Xô chiêu mộ.

Melita Norwood lọt vào “tầm ngắm” của cơ quan phản gián MI5 của Anh trong các năm 1945 và 1965. Tuy nhiên, trong cả hai lần đó, MI5 đều không có đủ bằng chứng để xử lý bà. Năm 1972, bà lặng lẽ nghỉ việc tại B.N.F.M.R.A và từ đó cũng rút khỏi KGB. “Nhờ có Melita Norwood, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin biết rõ về công trình chế tạo bom hạt nhân của Anh hơn hầu hết các thành viên nội các của Chính phủ Anh lúc bấy giờ. Trong gần 35 năm, Melita Norwood đã sao chép và chuyển cho Liên Xô hàng trăm tài liệu mật về chương trình hạt nhân của Anh. Những thông tin này giúp ích rất nhiều để Liên Xô phát triển công nghệ hạt nhân của mình”, trang mạng Russia Beyond khẳng định.

Bên trong nhà xưởng Hiệp hội Nghiên cứu kim loại màu của Anh-nơi “điệp viên Hola” từng làm việc. Ảnh: Russia Beyond.

Thân phận thực sự bị bại lộ

Theo The Telegraph, Melita Norwood có được may mắn khi người chồng Hilary Norwood, cũng là một người cộng sản. Tuy không tán thành vợ làm điệp viên, nhưng cũng không ngăn cản, thậm chí còn che giấu thân phận thực sự của vợ cho tới tận lúc ông qua đời vào năm 1986.

Thân phận thực sự của Melita Norwood bị bại lộ vào năm 1992 khi Vasili Mitrokhin, một cựu quan chức KGB đào tẩu sang Anh, tiết lộ một lượng lớn hồ sơ về các điệp viên Liên Xô. Mặc dù vậy, trang mạng Russia Beyond cho biết do tuổi cao, sức yếu nên “điệp viên Hola” không bị bắt giữ hay bị thẩm vấn. Chính phủ Anh lúc đó cho rằng chẳng được lợi lộc gì nếu bỏ tù “nữ điệp viên già” và quyết định để bà sống yên ổn tại nhà riêng ở Bexleyheath. Theo tờ The Guardian, tới năm 1999, thông tin về “điệp viên Hola” bắt đầu xuất hiện trên báo chí Anh khiến hàng xóm và ngay cả con gái đẻ của Melita Norwood không khỏi bất ngờ. Trước đó, BBC cho biết, trong mắt những người láng giềng, Melita Norwood đơn thuần chỉ là “một bà lão hay quanh quẩn trong vườn trồng táo và làm mứt”.

Trả lời báo chí lúc bấy giờ, Melita Norwood khẳng định tiền bạc không phải là lý do để bà làm việc cho KGB. Bà thậm chí còn chưa bao giờ xem mình là một điệp viên mà “đó là nhận xét của những người khác”. Bà cho rằng một số thông tin mà bà chia sẻ “có thể hữu ích giúp Liên Xô bắt kịp với Anh, Mỹ và Đức”. Theo trang mạng Russia Beyond, cho đến tận khi qua đời vào năm 2005, Melita Norwood chưa từng hối hận về những việc mình đã làm. Tuy rằng từ chối khoản trợ cấp bí mật suốt đời, song bà rất vui mừng nhận Huân chương Cờ đỏ cao quý vì những đóng góp cho Liên Xô. “Tôi không cần tiền. Tiền không phải điều tôi quan tâm. Tôi muốn Liên Xô được bình đẳng với phương Tây...”, trang mạng Russia Beyond dẫn lại tuyên bố của bà Melita Norwood với báo chí hồi năm 1999.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nu-diep-vien-quan-trong-nhat-tung-duoc-lien-xo-chieu-mo-581817