Nữ điệp viên – Những thách thức nghiệt ngã

Cuốn sách 'Khi các nữ điệp viên kể chuyện...' ở thể loại phóng sự - điều tra là thành quả của 5 năm lao động miệt mài của nhà báo tự do Chlóe Aeberhardt. Cô đã đi ngang dọc thế giới, từ Washington qua Tel Aviv rồi về Moscow để tìm kiếm dấu vết còn sót lại của những nữ điệp viên nổi tiếng thời Chiến tranh Lạnh, đã từng có mặt trong hàng ngũ những cơ quan tình báo lớn nhất thời kỳ đó: CIA, Mossad, KGB, MI6, DGSE…

Những câu chuyện mà các cựu nữ điệp viên kể lại trong cuốn sách cũng cho người đọc thấy một gương mặt khác: những hy sinh vô bờ bến, những giọt nước mắt luôn phải kìm nén, sự quên đi bản thân... khác xa với hình ảnh những cô gái của điệp viên 007 James Bond trên phim hay Ana Chapman ngoài đời dùng sắc đẹp quyết rũ để moi tin tức.

Những chiến công mang sắc thái phụ nữ

Chlóe Aeberhardt muốn “xuất bản một cuốn sách, không phải để khai thác thông tin về những chiến công bí mật mà là về chính con người thật của những nữ điệp viên này: là người mẹ, người vợ, là nhân vật chính hay bạn đồng hành trong những cuộc phiêu lưu, những niềm hạnh phúc và những cay đắng, mất mát phải gánh chịu khi chấp nhận sứ mạng của một điệp viên, một nhân viên tình báo”.

Nhà báo Chlóe Aeberhardt - tác giả của cuốn sách “Khi các nữ điệp viên kể chuyện...”.

Cuốn sách cũng sẽ xóa tan những ngộ nhận của công chúng gây ra bởi những hình ảnh sai lệch về các nữ điệp viên đang tràn ngập trên phim ảnh và sách báo, tiểu thuyết gián điệp. Dẫu rằng những phẩm chất như: quyến rũ, tinh tế và nhẫn nại là rất cần trong nghề nghiệp này, nhưng những câu chuyện mà các cựu nữ điệp viên kể lại trong cuốn sách cũng cho người đọc thấy một gương mặt khác: những hy sinh vô bờ bến, những giọt nước mắt luôn phải kìm nén ở bên trong, sự quên đi bản thân...

Tatiana, nữ điệp viên của KGB- Cơ quan tình báo Liên Xô, trong những năm 70 của thế kỷ XX, đã đảm nhiệm một nhiệm vụ hết sức hiểm nguy ở châu Á: thu hồi lại một số tài liệu tối mật và giải thoát một điệp viên. Sau khi đưa anh ta thoát khỏi nơi giam giữ, cô đã hộ tống điệp viên này quay trở về Nga trên một chiếc tàu ngầm đã chờ sẵn ở ngoài khơi.

Tatiana đã chia sẻ với Chlóe Aeberhardt những lời tâm sự đầy xúc động: “Cảm xúc trong tôi đã rắn lại như những viên đá. Rất nhiều đồng nghiệp đã chết trên tay tôi. Chúng tôi đã phải chôn họ ở những vùng đất xa lạ. Sau tất cả những điều đó, người ta không còn khả năng khóc được nữa”.

Vai trò của nữ điệp viên Martha Duncan trong vụ bắt giữ Đại tướng Noriega chưa bao giờ được công bố ở bất cứ đâu - trên báo chí hay mạng Internet. Trên thực tế, đó lại là yếu tố quyết định để người Mỹ có thể bắt giữ nhà cựu độc tài Panama vào năm 1990.

Là điệp viên quân đội Mỹ đóng vai một nhà báo, cô đã tiếp cận và tạo ra được mối quan hệ thân thiết với Vicky Amado, người tình say đắm của nhà độc tài bị phế truất. Chính cô là người thúc đẩy Vicky tìm cách liên lạc với người tình đang bỏ trốn trong tòa đại sứ Vatican ở Panama và thuyết phục hắn ta ra đầu hàng.

“Tôi đã vận dụng tất cả sức mạnh của sự cảm thông và tình đoàn kết giữa những người phụ nữ để có thể gần gũi và chia sẻ được với cô ấy. Cô ta đã tin cậy tôi, đã chìa tay cho tôi kéo ra khỏi vũng bùn tội lỗi, nhưng ở sâu trong tâm hồn mình, tôi vẫn không thể gạt bỏ đi một cảm giác khinh bỉ, làm sao cô ta lại có thể yêu một con người ghê tởm như vậy, hắn si mê cô nhưng chưa bao giờ hắn tôn trọng cô…”.

Trong cuốn sách, cựu nữ điệp viên đã kể lại tất cả: quá trình tiếp cận làm quen với Vicky Amado, cách Martha Duncan tạo ra những biến chuyển tâm lý, thậm chí là những áp lực lên Vicky Amado để cô này thuyết phục người tình ra trình diện phía Mỹ. Hình ảnh về Martha Duncan, 61 tuổi, cựu nữ điệp viên quân đội Mỹ, hoàn toàn xa lạ với hình ảnh những cô gái của điệp viên 007 James Bond trên phim hay Ana Chapman ngoài đời dùng sắc đẹp quyết rũ để moi tin tức.

Âm thầm trong bóng tối, Martha Duncan cũng đã tham gia vào những chiến dịch thâm nhập sâu vào hệ thống chính quyền ở một số nước châu Mỹ Latinh khác. Đóng vai “vợ hờ” của một nhà ngoại giao, cô đã tuyển mộ một kỹ sư Nicaraguay đang làm điệp viên cho Liên Xô trở thành gián điệp hai mang cho mình. “Tôi là một ví dụ sống động về sự thành công của các chiến dịch nhờ có sự tham gia của các nữ điệp viên”. Martha Duncan đã tự hào nói điều đó với tác giả cuốn sách “Khi các nữ điệp viên kể lại chuyện...”.

Giống như Martha Duncan, cả tám gương mặt xuất hiện trong cuốn sách của Chlóe Aeberhardt đều đã từng là nữ điệp viên chuyên nghiệp: Tatiana và Ludmila của KGB, Genevìeve và Madeleine của DST (Cục Tình báo nội địa Pháp – một nhánh của DGSE), Stella Rimington của MI5, Gabriele Gast của BND, Jonna Mendez của CIA, Yola của Mossad. Đây là lần đầu tiên họ đồng ý kể về quãng đời làm điệp viên của mình. Họ cùng có một nguyện vọng giống nhau: xóa đi định kiến ăn sâu vào đầu óc công chúng đó là việc các nữ điệp viên phải đánh đổi tất cả để moi được những “tin tuyệt mật”.

Không một ai trong số những nữ điệp viên trong cuốn sách này đã làm chuyện ấy vì đó không phải là công việc của một điệp viên chuyên nghiệp. Làm việc đó, theo một cách hiểu nào đó, cũng là một sự phản bội. Xóa bỏ định kiến này là một trong những lý do để các cựu nữ điệp viên này lần đầu tiên đồng ý lên tiếng kể lại cuộc đời mình”. Chlóe Aeberhardt đã nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn trên Đài truyền hình France 2.

Sự thật khác xa phim ảnh

Không chỉ đánh tan các định kiến, cuốn sách “Khi các nữ điệp viên kể chuyện” còn thâm nhập sâu vào công việc của một điệp viên. Chúng khác xa và khó khăn gấp bội so với những tình tiết mang tính khuôn mẫu tẻ nhạt được trình chiếu trong phim hay mô tả trong các tiểu thuyết gián điệp.

Ludmila, một nữ công dân Liên Xô “bất hợp pháp”, người đã cống hiến cả đời mình cho KGB. Cô mang một cái tên giả, thay đổi quốc tịch, nhập cư vào Argentina cùng với người đồng hành cũng là một điệp viên. Họ tổ chức một đám cưới giả và sinh sống nhiều năm ở đó. Mục đích chính là để tạo ra vỏ bọc hoàn hảo trước khi chuyển sang sống ở Mỹ và thâm nhập vào hàng ngũ kẻ thù. Giống như trong các phim truyền hình, họ liên lạc với Trung tâm ở Moscow chủ yếu vào ban đêm.

Nhà độc tài Manuel Noriega của Panama, vài giờ sau khi bị bắt giữ (tháng 1-1990).

“Các thông điệp được mã hóa bằng những con số. Các lá thư viết bằng mực vô hình. Các hộp thư bí mật. Những kí hiệu giống như nét vẽ nguệch ngoạc báo hiệu thư đã chuyển đi… Cặp đôi không bao giờ nói tiếng Nga ở bất cứ đâu”. Ngay cả cô con gái cũng không hề biết cha mẹ mình là người Nga, càng không thể tưởng tượng rằng họ là những điệp viên thượng hạng.

Bị phát hiện và sa lưới vì chần chừ trước quyết định chạy trốn, cặp điệp viên này được thuyết phục để trở thành điệp viên hai mang cho phía Mỹ. Trốn khỏi căn hộ mà phía Mỹ cấp cho họ (để tiện giám sát), cặp đôi này đã đào thoát thành công trở về Moscow, nhưng suốt một thời gian dài họ đã bị tách rời khỏi công việc và điều chuyển về một tỉnh xa vì bị nghi ngờ là đã cộng tác với phía Mỹ. Họ chỉ được phục hồi rất lâu sau đó sau khi đã được thẩm tra.

Gabriele Gast, làm việc cho BND - Cơ quan tình báo đối ngoại của Tây Đức. Được tình báo Đông Đức tuyển mộ, cô đã trở thành một gián điệp “nhị trùng” hoàn hảo. Ở vị trí người phân tích tin tức tình báo liên quan đến Liên Xô, cô đã sao chép lại tất cả những tài liệu đã được chuyển qua tay cô. Tài liệu đánh cắp được để ở trong tủ đồ của một bể bơi sau đó giao chìa khóa cho một điệp viên khác. Tài liệu được viết bằng thứ mực vô hình và đã được mã hóa.

Đằng sau những gương mặt

Stella Rimington, người phụ nữ đầu tiên nắm quyền lãnh đạo MI5, Cơ quan tình báo Anh, hiện đã 80 tuổi. Bà nhớ lại những cơn địa chấn đã xảy ra khi việc đề bạt bà được thông báo cho báo chí. Báo chí và toàn xã hội đều tò mò muốn biết về “người phụ nữ đã cả gan ngồi vào một chiếc ghế chỉ dành cho đàn ông”.

Jonna Mendez (bìa phải) và chồng Tony Mendez (điệp viên CIA - tham gia chiến dịch Argo giải cứu con tin ở Iran năm 1980) cùng Stella Rimington - cựu lãnh đạo MI5 (bìa trái). Ảnh chụp năm 2013.

Bà kể lại: “Họ không thể tin nổi tôi cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường như mọi người khác, bộ dạng giống một giáo viên hơn là một điệp viên, sống trong một khu phố bình dân… Tất cả điều này thật khó chấp nhận với họ”. Những người đàn ông luôn chỉ quen nhìn thấy vợ mình trong vai một người nội trợ, ở nhà chăm sóc con cái, “là phụ nữ, bạn không chỉ cần phải để các đồng nghiệp nam chấp nhận mà bạn còn phải thành công trong công việc. Trong ngành tình báo, các nữ điệp viên sẽ chịu các thử thách khắc nghiệt hơn và lâu dài hơn các đồng nghiệp nam rất nhiều”.

Mới đây, Tamir Pardo, cựu Giám đốc Mossad - Cơ quan tình báo Israel đã nhận định rằng: “Trái với những gì người ta thường nghĩ, trong công việc phản gián , phụ nữ thường tỏ ra vượt trội so với nam giới trong các hoạt động tại thực địa, trong việc phân tích tình huống và định hướng không gian”.

Còn Stella Rimington thì thừa nhận ở phụ nữ những phẩm chất như khả năng biết lắng nghe, khả năng đồng cảm, chia sẻ, đức tính khiêm tốn thường nổi trội hơn nam giới và đó đều là những phẩm chất cần thiết của một tình báo viên. Nhưng bà không cho rằng phụ nữ thì thích hợp hơn nam giới trong một công việc khó khăn và rất nguy hiểm như nghề tình báo. Nhà báo Chlóe Aeberhardt nhận định: “Những người phụ nữ này - để có thể vượt qua được các thử thách – đều phải có một ý thức công dân và trách nhiệm với tổ quốc rất cao. Khi chấp nhận làm điệp viên, họ tin tưởng rằng mình sẽ giúp được rất nhiều cho đất nước”.

“Yola” là bí danh của một nữ điệp viên Israel, người đã tổ chức chiến dịch giải cứu thành công và đưa về Israel hơn 100 kiều dân Do Thái, quốc tịch Ethiopia, bị bắt cóc ở Sudan. Cô rất không thích nói về mình, nhưng theo cô: “Cần phải viết lại lịch sử và trả lại cho họ những gì mà lịch sử còn đang nợ họ. Các thiếu nữ trẻ giờ đây chỉ quan tâm đến thời trang, âm nhạc và sự nổi tiếng phù phiếm bề ngoài. Chúng ta cần chỉ cho họ thấy họ cũng có thể làm được nhiều việc lớn lao hơn, có ý nghĩa hơn”.

Còn đối với Chlóe Aeberhardt - tác giả cuốn sách, mục tiêu đặt ra ban đầu của cuốn sách đã đạt được: “Hình ảnh các nữ điệp viên là giấc mơ của các cô gái trẻ, các fan hâm mộ phim James Bond, các tiểu thuyết gia, các nhà làm phim, của toàn xã hội nói chung. Nhưng chưa từng có ai vẽ được chân dung chính xác của những nữ điệp viên này, họ là ai, họ muốn gì và cuộc sống thực sự của họ là thế nào?”. Nhiệm vụ nặng nề ấy, với cô giờ đây đã hoàn thành.

Long Hà (theo Chlóe Aeberhardt Les espionnes racontent)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nu-diep-vien-nhung-thach-thuc-nghiet-nga-519659/