Nữ điệp viên huyền thoại Juanita Moody: Lập nên kỳ tích

Tháng 2-1962, tức không lâu sau khi NSA nắm được tin một vị tướng từ Lực lượng tên lửa chiến lược Liên Xô lên đường sang Cuba, một lần nữa bà Juanita lại đến gặp Tordella để đề nghị công bố báo cáo. Sau một hồi thuyết phục và cuối cùng Tordella đã mủi lòng. Đó cũng là lần đầu tiên một báo cáo của NSA được phân phối cho cộng đồng tình báo rộng rãi.

Vượt quá giới hạn?

Không lâu sau đó, một điệp viên CIA cao tuổi đã đến gặp Juanita để chúc mừng chiến công của bà: “Tôi muốn nói rằng bà đã làm việc rất tốt”. Nhưng cựu điệp viên này cũng cảnh báo Juanita rằng không phải ai cũng hoan hỉ với bản báo cáo kỳ công của bà; vừa có một cuộc họp cấp cao ở CIA trong đó giới chức cơ quan này cố gắng “phải làm cho rõ ngô khoai khi NSA đã vượt quá giới hạn của họ”. Ngay cả ngày hôm nay dù đã có nhiều báo cáo về CMC ra công chúng, nhưng báo cáo đột phá của bà Juanita Moody (đề tháng 2-1962) vẫn được giữ bí mật.

Ở đây phải nói đến việc ra quyết định của người Mỹ đối với tình hình Cuba. Đó là, rõ ràng vào mùa Xuân năm 1962, phía Cuba đã thiết lập một hệ thống phòng không tối tân với sự trợ giúp của Liên Xô.

Chỉ trong vòng một tháng, NSA và các đối tác của nó đã theo dõi 57 chuyến tàu chở nhân sự và thiết bị quân sự từ Liên Xô sang Cuba. Các máy bay MIG dùng để tấn công máy bay hải quân Mỹ đã trực chỉ quốc đảo Cuba. Khi đó, CIA đã nghe các điệp viên hai mang nói về tên lửa, nhưng không rõ đó là loại tên lửa nào.

Trong cuộc họp vào ngày 22-8-1962, Giám đốc CIA John McCone đã cấp báo cho Tổng thống Kennedy về đội tàu Liên Xô khi đó đang vận chuyển hàng ngàn quân cộng với “vô số vật tư quân sự cũng như thiết bị kỹ thuật số, nhiều thùng lớn có thể chứa cánh quạt cho các loại chiến cơ hoặc các phần tên lửa mà chúng ta không hay biết”. Điều mà John biết đều thông qua các báo cáo SIGINT của Juanita và nhóm của bà.

Louis Tordella, Phó Giám đốc NSA, người đã tỏ ra mâu thuẫn với báo cáo lưu hành của Juanita Moody về việc triển khai quân sự của Cuba. Ảnh nguồn:NSA.

Louis Tordella, Phó Giám đốc NSA, người đã tỏ ra mâu thuẫn với báo cáo lưu hành của Juanita Moody về việc triển khai quân sự của Cuba. Ảnh nguồn:NSA.

Tại thời điểm đó, cấp phó của John sau này đã nhớ lại sếp của mình từng trăn trở: “Họ (Liên Xô) đang ngăn chặn sự xâm nhập để bảo vệ thứ gì đó. Nó là cái quái quỷ gì vậy?”. Người Mỹ đã ngừng sử dụng máy bay trinh sát U-2 bay qua không phận Cuba từ đầu tháng 9-1962 bởi lo sợ chúng sẽ bị bắn hạ.

Cuối tháng 9 đó, từ nguồn tin tình báo của G-Group và thông tin từ các nguồn trên bộ, John McCone đã thuyết phục Tổng thống Kennedy và Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) tái khởi động sứ mạng U-2 để có câu trả lời.

Lối thoát cho hòa bình

Vì quá nguy hiểm, phi công chỉ bay vài phút trên không phận Cuba trước khi hạ cánh xuống Florida. Ngày kế đó, một toán chuyên gia tình báo đã ngồi quanh những cái bàn tại Tòa nhà Steuart (nội đô Washington, D.C., tổng hành dinh mật của Trung tâm dịch nghĩa ảnh quốc gia (NPIC) của CIA) nhằm nghiền ngẫm hơn 928 bức không ảnh mà chiếc U-2 đã chụp vài khu quân sự của Cuba.

Khi xem xét bộ ảnh này, nhà phân tích Vince Direnzo đột nhiên ngừng lại khi nhìn thấy 6 vật thể dài bất thường được phủ bạt che giấu, ông quả quyết các vật thể đó chính là tên lửa đất đối không của Liên Xô mà người Mỹ thật sự đã biết chúng ở Cuba.

Khi quan sát các bức ảnh của cùng một địa điểm được chụp trong các sứ mạng bay trinh sát vài tuần trước đó, ông Direnzo cho rằng các vật thể đã được đặt trong những khoảng thời gian xen kẽ. Trong kho lưu trữ, Direnzo đã so sánh các bức ảnh do U-2 chụp với các bức ảnh của lễ Năm tháng Năm ở Moscow, khi Liên Xô thường diễu hành thiết bị quân sự trên Quảng trường Đỏ.

Và ông Direnzo đã bị thuyết phục rằng các vật thể lạ ở Cuba là loại tên lửa đạn đạo tầm trung SS-4, loại vũ khí có chở theo đầu đạn hạt nhân và đạt tầm bắn xa hơn 1.200 dặm, tức thừa sức bắn hạ các mục tiêu lớn trên lục địa Mỹ. Bằng chứng ảnh phân tích xa hơn của các địa điểm khác còn hé lộ một số tên lửa đạt tầm bắn xa tới 2.400 dặm.

Khi Direnzo và các đồng nghiệp chia sẻ đánh giá của họ với Giám đốc của NPIC thì vị này cũng đồng tình và nói “đây là câu chuyện gay cấn nhất trong thời đại chúng ta”. Những phát hiện này cũng sớm được xác minh bởi một đại tá Liên Xô làm việc cho cả MI-6 và CIA.

Bằng việc khám phá ra vũ khí hạt nhân đang ở Cuba, nhiệm vụ của NSA thay đổi đột ngột từ việc khám phá bí mật thành đánh giá tình hình chiến sự của đối phương trong thời gian thực hoặc càng gần càng tốt.

Bà Junita Moody (ảnh trái, thứ 2 bên trái) trong bữa dạ tiệc nhân việc trao Giải thưởng phụ nữ liên bang vào tháng 2-1971; ảnh giữa: Tổng thống Nixon chúc mừng bà Junita Moody; ảnh cuối: thư khen ngợi của Henry Kissinger. Ảnh nguồn: Susan Seubert.

Gordon Blake (Giám đốc NSA khi ấy) đã thiết lập một nhóm làm việc 24h để cho ra những bản thảo được ký 2 lần/ngày cũng như những bản cập nhật tức thời nếu cần thiết. Juanita được giao trọng trách điều hành hoạt động này.

Nhóm của bà Juanita đã thường xuyên thực hiện hoạt động nghe và theo dõi các hoạt động trên và gần đảo Cuba, các nhà thu thập SIGINT lệ thuộc vào trinh sát điện tử trên bộ, mạng lưới các thiết bị nghe lén dưới nước, máy bay gián điệp, thiết bị nghe trên tàu hải quân cùng các công cụ vẫn đang được phân loại.

Tàu USSOxford tiếp tục sứ mạng gần bờ dù nằm trong tầm tấn công của Liên Xô. SIGINT chỉ ra rằng các hệ thống radar tại những địa điểm có tên lửa ở Cuba đã được kích hoạt. Mối bận tâm hàng đầu là hình dung cách các tàu Liên Xô sẽ phản ánh ra sao với việc bị “cách ly”.

Ngày 24-10-1962, chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Kennedy hạ lệnh “cách ly hàng hải”, một tia hy vọng đã lóe lên: SIGINT xác nhận rằng ít nhất 1 chiếc trong các tàu Liên Xô đã đổi hướng khi gần đến bờ biển Cuba, và có vẻ như quay lại Liên Xô, dấu hiệu cho thấy Liên Xô không có ý định thách thức “sự cách ly” của Kennedy.

Dù tin tình báo gửi về cho thấy con tàu đã chuyển hướng vào nửa khuya, nhưng bà Juanita cảm thấy cấp trên phải nên biết sớm hơn. Và bà đã gọi điện khẩn cho ông Adlai Stevenson, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, khi ông này dự kiến sẽ trình bày trước Hội đồng bảo an về tình hình Cuba vào ngày hôm sau.

Thông tin tình báo đã cung cấp những dấu hiệu tích cực đầu tiên về một lối thoát hòa bình khỏi bị bế tắc, nhưng nó hầu như chưa kết thúc. Có thời điểm, tàu sân bay và khu trục hạm Mỹ, USSRandolph, đã cố gắng dọa một tàu ngầm trang bị hạt nhân Liên Xô ở ngoài vùng cách ly phải nổi lên mặt nước bằng cách cho kích nổ dưới nước, tình thế suýt chút nữa làm kích hoạt chiến tranh toàn diện.

Máy bay chở quan tài của thiếu tướng không quân Rudolph Anderson Jr., phi công lái U-2, tử trận ngày 27-10-1962. Ảnh: Prensa / Latina via AP Images.

Ngày 27-10-1962, Liên Xô bắn rơi một chiếc U-2 trên bầu trời Cuba, phi công Rudolf Anderson Jr đã tử trận. Ở Washington có những ý kiến sẽ tấn công phản đòn ngay sau khi chiếc U-2 bị hạ, nhưng Tổng thống Kennedy đã từ chối. Và rồi vào buổi sáng ngày 28-10-1962, sau khi Mỹ bí mật rút các căn cứ tên lửa hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và Ý, lãnh tụ Khrushchev cũng nhất trí dỡ bỏ các địa điểm tên lửa ở Cuba.

Vài tuần sau đó, trong một lá thư gửi cho Giám đốc NSA, chỉ huy Hạm đội Đại Tây Dương, Đô đốc Robert Dennison, đã viết rằng “Chi nhánh NSA ở Cuba là một trong những nhân tố quan trọng nhất đã hỗ trợ sự hoạt động và sẵn sàng của chúng tôi”.

Theo sử gia David Hatch của NSA thì: “Juanita Moody là người tiên phong trong việc sử dụng khả năng điện đồ để gửi những báo cáo tình báo khẩn cấp tới cấp cao nhất. Tầm quan trọng của khả năng phổ biến SIGINT trong thời gian thực đã được minh họa rõ nhất trong CMC.

Thông tin của bà Juanita và các đồng nghiệp là cứ liệu quan trọng nhất để ra quyết định tung máy bay U-2”. Và nguy cơ chiến tranh cực lớn đã được chặn lại, bởi những phân tích và dự báo chiến lược tích cực.

Ông Richard Goodwin (trái) và Giám đốc CIA Edward Lansdale. Ảnh nguồn: Bettmann / Getty Images; AP / Shutterstock .

Huyền thoại của NSA

Ở NSA, tên tuổi của Juanita Moody đã trở thành một huyền thoại. Năm 1971, bà Juanita Moody đã vinh dự nhận được Giải thưởng phụ nữ liên bang nhằm tôn vinh vai trò lãnh đạo, ra phán quyết, tính chính trực và sự cống hiến trong số các nữ nhân viên chính phủ.

Cũng trong buổi tiệc ăn mừng việc được trao giải, bà Juanita đã mặc chiếc váy màu hồng và ngồi cạnh Henry Kissinger, khi đó là Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ. Sau đó là vô số thư từ chúc mừng được gửi từ Nhà Trắng, Đại sứ quán Anh, CIA, Hải quân.

Tuy nhiên tại thời điểm đó, phần đông công luận Mỹ lại không hay biết gì về sự tồn tại của NSA lẫn Juanita Moody. Mọi chuyện thay đổi vào năm 1975, sau vụ bê bối Watergate, lưỡng đảng đã mở cuộc điều tra và khám phá ra rằng NSA đã hỗ trợ cho các cơ quan liên bang với những cái tên như CIA, FBI và Mật vụ nhằm theo dõi các công dân Mỹ được đưa vào những danh sách bí mật.

Khoảng tháng 9-1975, Giám đốc NSA, Lew Allen Jr. đã gửi Juanita Moody đến Tòa nhà Quốc hội để thử nghiệm trong một phiên điều trần về việc giám sát của NSA. Juanita tuân lệnh. Nhưng bà đã từ chối khi ông Frank Church, thượng nghị sĩ tiểu bang Idaho – người đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban điều tra các cáo buộc lạm dụng quyền lực bởi các cơ quan tình báo Mỹ - đề nghị bà phải làm chứng trong một phiên điều trần mở và có truyền hình trực tiếp. Trong lời khai của mình, bà Juanita giải thích rằng những danh sách tên đã được đưa cho nhóm của bà tại NSA.

Khi những cái tên xuất hiện trong những lần can thiệp, NSA đã gắn cờ cho nó. Trong lần phỏng vấn vào năm 2003, bà Juanita quả quyết: “Chúng tôi không hề nhắm mục tiêu vào người Mỹ, mà đích đến là các cuộc liên lạc nước ngoài”. Tháng 2-1976, bà Juanita Moody nghỉ hưu. Bà và chồng thường xuyên đến Bắc Carolina, nơi cha mẹ và những người em của bà sinh sống. Khi chồng bị ốm vào thập niên 1980, gia đình nhà Moody đã dọn nhà tới Nam Carolina.

Trước khi qua đời vào năm 2015, hưởng thọ 90 tuổi và được an táng ở Nghĩa trang quốc gia Arlington (Virginia), bà Juanita vẫn sống khá kín tiếng.

Văn Chương (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nu-diep-vien-huyen-thoai-juanita-moody-bai-cuoi-lap-nen-ky-tich-637585/