Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp bị đề nghị án chung thân

Đại diện Viện kiểm sát ngoài việc đề nghị tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp mức án chung thân, còn đề nghị HĐXX thu hồi khu đất số 185 Hai Bà Trưng về cho Nhà nước.

Sáng nay (22/3), phiên tòa xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948); Nguyễn Thành Tài (SN 1952, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh) cùng 8 cựu cán bộ tại TPHCM tiếp tục được mở lại sau khi tạm dừng ít ngày do sức khỏe bị cáo Dương Thị Bạch Diệp không đảm bảo.

Sáng nay, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, Đại diện VKS còn đề nghị HĐXX thu hồi khu đất số 185 Hai Bà Trưng về cho Nhà nước.

Cảnh sát dẫn giải bị cáo Dương Thị Bạch Diệp

Cảnh sát dẫn giải bị cáo Dương Thị Bạch Diệp

Bước vào phần tranh luận, đại diện VKS nêu quan điểm về vụ án. VKS khẳng định cáo trạng truy tố 9 bị cáo là hoàn toàn đúng, có căn cứ. VKS giữ nguyên quan điểm truy tố bà Diệp khi vào năm 2008 có thỏa thuận, thống nhất với bị cáo Vy Nhật Tảo (Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM) về việc mang tài sản thuộc sở hữu tư nhân 57 Cao Thắng của mình đổi lấy tài sản khu đất 185 Hai Bà Trưng (trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM, thuộc sở hữu nhà nước). Bà Diệp có gian dối khi cung cấp giấy tờ sở hữu khu đất 57 Cao Thắng (bản photocoppy) thể hiện hiện trạng chưa thế chấp, chưa đăng ký giao dịch bảo đảm cho Agribank.

Sau khi hoán đổi, và được cấp giấy chứng nhận khu nhà đất 185 Hai Bà Trưng, bà Diệp đem thế chấp cho ngân hàng khác vay tiền. Còn nhà đất 57 Cao Thắng thì cũng không thể sang tên cho Trung tâm ca nhạc nhẹ TPHCM vì bà Diệp cũng đã thế chấp giấy tờ cho ngân hàng để vay vốn.

Từ đó Trung tâm ca nhạc nhẹ mất quyền kiểm soát đối với nhà đất 185 Hai Bà Trưng của nhà nước, thiệt hại 186 tỉ đồng.

Về ông Nguyễn Thành Tài, VKS cho rằng bị cáo không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản nhà nước. Tuy nhiên ngày 5-3-2010 ông đã ký văn bản gửi các đơn vị liên quan có nội dung chấp thuận cho hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng và tài sản 57 Cao Thắng.

Bị cáo Tài không sát sao trong việc chỉ đạo kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý nhà đất 57 Cao Thắng, không phát hiện nhà đất này bị thế chấp, nên bị bà Diệp lừa. Tuy nhiên, VKS cũng nhận định các bị cáo còn lại thành khẩn, không vụ lợi, một số bị cáo phạm tội lần đầu. Ông Tài từng giữ chức vụ cao, Phó chủ tịch thường trực UBND TP... VKS chia sẻ áp lực công việc, đánh giá cao khi bị cáo Tài nhìn nhận trách nhiệm của mình. VKS cũng đề nghị ghi nhận bị cáo có nhiều đóng góp cho xã hội...

Từ đó VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài, Vy Nhật Tảo mức án 5-6 năm tù. Các bị cáo khác mức án từ 3 năm án treo đến 5 năm tù.

Về xử lý tài sản, VKS đề nghị tiếp tục phong tỏa tài sản của Đào Thị Hương Lan (cựu Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, hiện đang bỏ trốn). Đồng thời thu hồi tài sản là nhà đất số 185 Hai Bà Trưng về cho nhà nước

Trước đó, trong ngày xét xử thứ 3 của vụ án (ngày 17/3), do bị cáo Diệp khóc lóc la lối, phản ứng nên chủ tọa yêu cầu Cảnh sát Hỗ trợ tư pháp áp giải bị cáo Diệp ra ngoài. Nhưng bị cáo tiếp tục la khóc, dẫn đến các nhân viên y tế phải vào thăm khám. Sau đó 6 luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đã viết đơn cùng ký xin tạm dừng phiên tòa.

Đơn xin tạm dừng phiên tòa nêu: “Qua diễn biến của phiên tòa, xuất phát từ bức xúc của bị cáo Diệp, các bác sỹ đã kiểm tra huyết áp và nhịp tim, các luật sư nhận thấy bà Diệp có dấu hiệu không đủ sức khỏe để tham dự phiên tòa, có nguy cơ đột quỵ...". HĐXX sau khi hội ý đã quyết định cho tạm dừng phiên tòa đến thứ hai (22/3) mở lại.

Hà An

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/nu-dai-gia-duong-thi-bach-diep-bi-de-nghi-an-chung-than_109105.html