Nữ đại gia Chu Thị Bình và hành trình đòi 245 tỷ bị 'bốc hơi' tại Eximbank

Một năm rưỡi 'chật vật' đòi tiền trong tài khoản bị 'bốc hơi', hôm qua 27.8, bà Chu Thị Bình đã chính thức nhận đủ hơn 245 tỷ đồng tiền tiết kiệm gốc đã gửi tại Eximbank.

Bà Chu Thị Bình và luật sư Phan Trung Hoài trong buổi làm việc với Ngân hàng Eximbank

Theo trình bày của bà Chu Thị Bình, bắt đầu từ năm 2013, bà có ,mở 3 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gốc hơn 300 tỷ đồng, trong đó một sổ 247 tỷ đồng, một sổ 49 tỷ đồng và một sổ 5,4 tỷ đồng. Tháng 2.2017, khi sổ tiết kiệm 49 tỷ đồng đến ngày đáo hạn, bà liên hệ để rút số tiền này thì Eximbank cho biết tiền gửi của bà không còn trong hệ thống. Sau đó bà kiểm tra lại toàn bộ các sổ tiết kiệm thì được Eximbank thông báo và cung cấp chứng từ cho thấy đã bị rút hết 245 tỷ đồng, trong khi bà vẫn còn giữ sổ tiết kiệm.

“Việc này không thể hiện trên các sổ tiết kiệm gốc nên tôi không hay biết. Tổng số tiền tôi bị mất là 245 tỷ đồng”, bà Bình cho biết.

Eximbank hứa chờ kết quả điều tra của C44 rồi giải quyết, nhưng...

Sau khi biết bị mất tiền, bà Bình đã nhiều lần làm việc với Eximbank và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) để đề nghị giải quyết. Phía Eximbank TP.HCM sau đó đã yêu cầu chờ C44 làm rõ, đồng thời lãnh đạo ngân hàng cũng cam kết sẽ tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của bà.

3 sổ tiết kiệm vẫn giữ trong tay bà Chu Thị Bình nhưng tiền thì... biến mất

Theo bà Bình, dù bà đã kiên nhẫn chờ đợi Eximbank suốt một năm qua, nhưng sau khi có kết luận của C44 (Trả lời đơn số 18/C44B-P5, ngày 2.2.2018) - tròn một năm kể từ khi bị mất tiền, thì ngân hàng vẫn cố tình trì hoãn. Dù theo quyết định này, phía C44 do thiếu tướng Vũ Quang Hưng ký thông báo đã cho biết: “Ngày 2.2.2018, Bộ Công An có Công văn số 13/C44B-P5 gửi Tổng Giám đốc Eximbank Việt Nam và Eximbank chi nhánh TP.HCM xác định: Eximbank chi nhánh TP.HCM là bị hại trong vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó Giám đốc Eximbank – chi nhánh TP.HCM) lập chứng từ giả mạo liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình, chiếm đạt hơn 245 tỷ đồng của Eximbank – chi nhánh TP.HCM. Cơ quan CSĐT Bộ Công an thông báo để Eximbank biết, thực hiện quyền và nghĩa vụ của Eximbank với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật”.

Cũng theo công văn này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an thông báo để bà Bình liên hệ với Eximbank - chi nhánh TP.HCM để yêu cầu giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 12.2.2018, lãnh đạo Eximbank lại yêu cầu chỉ chi trả sau khi có quyết định của tòa án. Theo lý giải của Eximbank, theo văn bản số 387 ngày 12.6.2017 của C44, các tài khoản tiền gửi tiết kiệm mà bà Bình đề nghị tất toán đã được rút một phần và chữ ký trên các chứng từ rút tiền được C44 thông tin là chữ ký thật của bà Bình. Do vậy Eximbank khẳng định trước mắt ngân hàng chưa có cơ sở để giải quyết yêu cầu của khách hàng.

Trao đổi với báo giới trước quyết định này của Eximbank, bà Bình cho rằng: “Việc này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi, gây thiệt hại lớn cho tôi trong khi tôi đang rất cần vốn làm ăn. Chưa kể vì việc này sức khỏe tôi giảm sút, gia đình lục đục”. Cũng theo bà Bình, việc đưa vụ việc ra xét xử tại tòa án là một lựa chọn sẽ gây ra nhiều hao tổn về sức lực và tiền của của cho cả hai bên. Do vậy bà mong muốn giải quyết êm thấm và được tất toán sổ tiết kiệm để lấy lại tiền của bà.

“Chật vật” đòi tiền... của mình

Từ khi Eximbank đưa ra hướng giải quyết sẽ chỉ chi trả sau khi có quyết định của tòa án (ngày 12.2.2018), phía bà Chu Thị Bình và Eximbank không ít lần lên tiếng trình bày quan điểm của mình với báo giới.

Cụ thể, ngày 27.2 bà Bình đã làm việc với Eximbank, phía ngân hàng đề nghị “tạm ứng” 14,8 tỷ đồng nhưng sau đó bà Bình không nhận vì không đồng ý với cách giải quyết của Eximbank, cho rằng nhà băng này từ vai trò là bên phải chịu trách nhiệm với khoản tiền gửi của bà thì lại đứng ngoài, chi trả theo kiểu hỗ trợ.

Bà Chu Thị Bình đưa ra những chứng cứ cho báo chí về vụ việc

Sau đó, trước những thông tin được lãnh đạo Eximbank phát biểu với báo giới, bà Bình cho là “Eximbank không thiện chí” và “Eximbank có những phát ngôn không chuẩn mực”, ngày 6.3.2018, bà Chu Thị Bình và các luật sư của bà đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí ngay tại Trụ sở của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.

Tại đây, bà Bình và các luật sư của bà đã gửi một văn bản dài tới... 10 trang để thông tin về vụ việc, đánh giá về mặt pháp lý của các luật sư và trình bày quan điểm của mình. Kết thúc văn bản này, bà Bình bày tỏ ý kiến kiên quyết yêu cầu HĐQT và ban điều hành Eximbank, Eximbank chi nhánh TP.HCM xem xét và quyết định thanh toán ngay cho bà toàn bộ số tiền gửi trên 245 tỷ đồng gốc (chưa bao gồm lãi), không nên trì hoãn, kéo dài thời gian nữa.

Sau khi bà Bình nêu quan điểm, từ tháng 3.2018 đến tháng 6.2018, phía bà Bình và Eximbank tiếp tục gặp gỡ thêm hai, ba lần nữa, nhưng kết quả vẫn không như kỳ vọng. Phải đến ngày 26.6, Eximbank và bà Bình mới có buổi làm việc cụ thể về việc tạm ứng số tiền trong tổng số 254 tỷ đồng bị “bốc hơi” khỏi sổ tiết kiệm. Tại buổi làm việc này, phía Eximbank đồng ý tạm ứng đợt 1 với số tiền 93 tỷ đồng cho bà Bình. Sau đó bà Bình đã gửi tiết kiệm lại toàn bộ số tiền tạm ứng này tại chi nhánh Eximbank TP.HCM.

Sổ tiết kiệm và sao kê tài khoản sau khi bị... bốc hơi

Phát biểu sau khi nhận khoản tạm ứng 93 tỷ đồng, bà Bình cho biết: “Vì thỏa thuận về việc tạm ứng mới là chỉ là bước đầu trong tiến trình giải quyết vụ việc, nên tôi mong muốn Eximbank sẽ tiếp tục thể hiện thiện chí để thúc đẩy việc giải quyết dứt điểm, nhanh chóng vụ việc nói trên nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các bên. Tôi cũng cam kết sẽ cùng với Eximbank tích cực tham gia quá trình tố tụng để thúc đẩy việc giải quyết vụ việc triệt để và tuân thủ phán quyết có hiệu lực pháp luật của tòa án và các cơ quan chức năng”.

Cả Eximbank và bà Chu Thị Bình đều thống nhất sau khi có phán quyết có hiệu lực của tòa án, Eximbank và khách hàng Chu Thị Bình có trách nhiệm thực hiện đúng theo bản án này.

Bất ngờ, chiều ngày 27.8, bà Chu Thị Bình tiếp tục nhận được số tiền còn lại trong số 245 tỷ đồng tiền gốc bị bốc hơi (hơn 152 tỷ đồng). Sau khi nhận khoản tiền này, bà Bình phát biểu: “Một lần nữa, tôi đánh giá cao nỗ lực và thiện chí của Eximbank trong quá trình thương lượng và tìm kiếm giải pháp hợp lý để giải quyết vụ việc. Đây chính là nền tảng để hai bên đạt được thỏa thuận trên tinh thần thiện chí và tôn trọng quyền lợi hợp pháp của mỗi bên. Việc làm này của Eximbank đã giúp củng cố lòng tin và sự tín nhiệm của tôi đối với Eximbank”.

Cũng theo bà Bình, để thể hiện thiện chí, bà tiếp tục sử dụng các dịch vụ tài chính của Eximbank, đồng thời đã gửi tiết kiệm tại Chi nhánh Eximbank TP.HCM toàn bộ số tiền mà Eximbank tạm ứng nói trên.

Eximbank đã ‘thiện chí” thế nào?

Như vậy, sau khoảng một năm rưỡi giải quyết vụ việc (từ tháng 2.2017 đến tháng 8.2018), khoản tiền 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình đã về với tài khoản của bà. Phía Eximbank lý giải: “Vụ việc xảy ra với nhiều tình tiết phức tạp nằm ngoài tầm xử lý nội bộ của Eximbank, và đối tượng chính của vụ án là Lê Nguyễn Hưng hiện vẫn đang bị truy nã, nên Eximbank đã và đang nỗ lực phối hợp cơ quan tiến hành tố tụng tại Trung ương và TP.HCM để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc. Trong suốt thời gian vừa qua, Eximbank luôn chủ động, tích cực trong việc gặp gỡ, thương lượng để có được tiếng nói chung trong từng giai đoạn với khách hàng Chu Thị Bình. Kết quả đạt được là Eximbank và khách hàng đã đạt được một thỏa thuận thấu tình, đạt lý, phù hợp với quy định của pháp luật, thể hiện được trách nhiệm của ngân hàng đối với khách hàng”.

Còn với bà Chu Thị Bình, sau khi khoản tiền 245 tỷ đồng gốc về tài khoản, hiện bà Bình chỉ cho biết đã giải quyết xong với Eximbank và tiếp tục gửi lại khoản tiền này tại Eximbank chi nhánh TP.HCM chứ chưa có ý định rút hết về hay chuyển sang một ngân hàng nào khác.

Quốc Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/nu-dai-gia-chu-thi-binh-va-hanh-trinh-doi-245-ty-bi-boc-hoi-tai-eximbank-908109.html