Nữ cựu chiến binh anh hùng

Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, nhưng cả cuộc đời của cựu chiến binh (CCB) Hoàng Thị Nhâm lại gắn bó với vùng đất Tây Bắc. Năm 1977, khi mới 12 tuổi, chị Nhâm đã khai tăng lên bốn tuổi để đủ tuổi tình nguyện vào lực lượng Thanh niên xung phong, công tác ở huyện Easup (Đác Lắc). Hai năm sau đó, chị Nhâm viết đơn nhập ngũ để thực hiện mơ ước trở thành 'Bộ đội Cụ Hồ'. Sáu năm quân ngũ, chị công tác ở Trung đoàn 26, Quân chủng Phòng không - Không quân. Khi phục viên, chị quyết định không về quê mà xin chuyển về làm trong ngành thương nghiệp ở huyện Mường Tè (Lai Châu), một địa bàn xa xôi, khó khăn của đất nước.

Cựu chiến binh, Anh hùng Lao động Hoàng Thị Nhâm trên công trường xây dựng.

Với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và tính cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo, chị Nhâm tự nhủ, phải cố gắng lao động, cải thiện cuộc sống. Năm 1990, khi tích lũy được ít vốn thì một trận lũ đã cuốn trôi toàn bộ tài sản mà gia đình chị đã gom góp được trong bảy năm. Cuộc sống gia đình lại trở về con số không. Song, nhờ nghị lực và bản lĩnh của người lính, chị Nhâm tiếp tục làm kinh tế. Năm 1996, lại một trận lũ lịch sử xảy ra tại Lai Châu đã cướp đi tất cả công sức của chị. Chị quyết tâm đứng dậy làm lại một lần nữa.

Chị Nhâm cho biết: Thời gian đó, Chính phủ có chương trình đầu tư cho 500 xã đặc biệt khó khăn làm đường dân sinh, thủy lợi, xây dựng trường học. Tôi đã mạnh dạn nhận làm. Với phương châm: làm đến đâu, chất lượng, hiệu quả đến đấy; lúc đầu doanh nghiệp của gia đình tôi thi công làm các con đường dài 2 km, rồi 15 km, 20 km. Nhờ đó, những con đường tới bản, trụ sở trung tâm xã, đường liên xã ngày càng được mở. Doanh nghiệp đã xây dựng được 200 km đường liên bản, 60 trường học; từ đó những cái tên như: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Toong, gắn liền với tên tuổi Doanh nghiệp Hoàng Nhâm. Giao thông ngày càng thuận lợi, trẻ em đi học nhiều hơn, cái chữ đã đến với đồng bào, kiến thức của người dân được nâng lên, góp phần giúp đời sống của bà con Mường Tè từng bước được cải thiện.

Từ hai bàn tay trắng, đến nay doanh nghiệp của chị Nhâm có nguồn lực hoạt động sản xuất kinh doanh hơn bảy lĩnh vực khác nhau. Riêng lĩnh vực xây dựng, doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất. Với tổng tài sản hơn 216 tỷ đồng, doanh nghiệp đủ năng lực tham gia một số hạng mục của Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, dự án di dân ở lòng hồ sông Đà, công trình giảm thiểu biến đổi khí hậu...

Đến nay doanh nghiệp của chị đã làm được hơn 200 km đường giao thông; xây dựng được bốn cây cầu, làm được 30 trường học, hai trụ sở UBND xã, 15 công trình nước sạch, được UBND tỉnh Lai Châu đánh giá là một trong những đơn vị có thương hiệu và uy tín nhất địa bàn. Doanh thu từ đó cũng được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2013, doanh thu của doanh nghiệp đạt gần 83 tỷ đồng thì năm 2014 là gần 149 tỷ đồng và năm 2015 đạt hơn 160 tỷ đồng; năm 2016 đạt mức 161 tỷ đồng, dự kiến năm 2017 là 176 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp của chị có 470 lao động, lương bình quân bảy triệu đồng/người/tháng.

Trong sản xuất, xây dựng, doanh nghiệp của chị luôn gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nộp ngân sách đầy đủ. Nếu như năm 2014, doanh nghiệp của chị nộp hơn 15 tỷ đồng, thì năm 2015 là gần 18 tỷ đồng. Doanh nghiệp của chị Nhâm luôn đoàn kết gắn bó với địa phương, tham gia tích cực các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, sẻ chia đối với những CCB nghèo, khó khăn, luôn đi đầu trong các phong trào do tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè phát động.

Với những đóng góp đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới ở miền núi, biên giới, tháng 6-2014, nữ CCB Hoàng Thị Nhâm vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

LÊ NGỌC ĐỈNH

(Ban Tuyên giáo

Hội Cựu chiến binh Việt Nam)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35156902-nu-cuu-chien-binh-anh-hung.html