Nữ cựu binh mang bẹ chuối, lục bình xuất ngoại

Tham gia cách mạng từ nhỏ, nữ cựu binh Nguyễn Thị Cúc (SN 1937, quê Phan Thiết, Bình Thuận) anh dũng chiến đấu đến ngày đất nước thống nhất. Tiếp tục phát huy tinh thần người lính trong thời bình, bà Cúc đã đứng ra thành lập Hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm từ mây - tre – lá, xuất khẩu sang cả trời Tây.

Bà Cúc kể lại những ngày đầu thành lập HTX Ba Nhất

Bà Cúc kể lại những ngày đầu thành lập HTX Ba Nhất

Anh dũng trong thời chiến

Mới 13 tuổi, Nguyễn Thị Cúc (SN 1937, ở Phan Thiết, Bình Thuận) đã chứng kiến cảnh ba mình bị địch bắt. Điều ấy thôi thúc cô bé theo anh trai lên rừng làm cách mạng. Những ngày tháng đầu tiên ở trong rừng, cô bé ấy nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ người thân đến nao lòng, nhưng phải cố quên vì nhiệm vụ. Cô ước mơ một ngày nào đó, đất nước được độc lập để gia đình được sum vầy, hạnh phúc.

“Khoảng đầu năm 1953, chúng tôi đang hoạt động ở vùng Đức Linh thì địch càn tới, bố ráp. Con gà luộc chưa kịp cúng gia tiên cũng bị cướp”, bà Cúc nhớ lại hồi chống giặc ở vùng Nam Bộ.

Điều nhớ nhất với bà là mùa Xuân Mậu Thân năm 1968. Hồi đó, bà mới chuyển từ Biên Hòa lên Sài Gòn để hoạt động trong lòng địch. Bà ở trong một căn nhà gần cầu Điện Biên Phủ (thuộc phường 17, quận Bình Thạnh ngày nay). Lúc đó người dân đã chuẩn bị khá đầy đủ mọi thứ để đón Tết, nhưng chưa kịp chào đón năm mới thì những trận đánh ác liệt đã xảy ra.

“Thời điểm ấy, quân mình đang tập trung theo nhiều hướng, nhưng đông nhất vẫn là khu vực phía ngoài ngã tư Hàng Xanh (thuộc vùng ngoại ô của thành phố lúc đó) nhằm chuẩn bị tiến công vào Đài phát thanh và Bộ Tổng Tham mưu của địch.

Tuy nhiên, do phát hiện được nên địch đã ra lệnh giới nghiêm, khiến khu vực nội thành lúc đó “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ngoài đường đâu đâu cũng toàn binh lính, súng ống, xe tăng. Còn trên đầu thì máy bay quần đi, quét lại, gầm rú inh ỏi suốt ngày đêm. Lúc đó, ai cũng sợ mình không qua khỏi vì súng đạn quá ác liệt…”, bà Cúc hồi ức.

Những mùa xuân sau đó, dù cuộc sống khó khăn đủ bề, nhưng lòng người rạo rực hơn, bởi các tin quân ta dành chiến thắng ở khắp các mặt trận liên tiếp dội về. Đặc biệt nhất là thời điểm mùa Xuân năm 1975, lòng người càng rộn ràng hẳn lên. Người dân Sài Gòn may cờ Tổ quốc, cờ Đảng để chuẩn bị mừng ngày chiến thắng.

Và rồi, đúng trưa ngày 30/4/1975, cánh cổng sắt Dinh Độc Lập đã bị xe tăng của quân giải phóng tông đổ. Rừng người, rừng hoa và cả rừng cờ hòa theo những ca khúc hào hùng chào đón đất nước đã thống nhất vẹn toàn.

Anh hùng trong thời bình

Chiến tranh qua đi, những người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc lại chung lưng, đồng lòng góp sức cùng nhân dân cả nước xây dựng Tổ quốc ngày càng phồn vinh, to đẹp. Bà Cúc cũng vậy, khi chiến tranh kết thúc, bà bắt tay thành lập Hợp tác xã chuyên về mây - tre - lá và lấy tên là Ba Nhất (đóng trụ sở tại tỉnh Bình Dương).

Nhiều sản phẩm tinh xảo, thân thiện với môi trường được HTX Ba Nhất xuất khẩu khắp năm châu

Bằng sự khéo léo, chịu khó, các xã viên của bà đã thổi hồn vào những thứ tưởng chừng bỏ đi như bẹ chuối, lục bình, cỏ năng tượng, lá buông để biến chúng thành những sản phẩm vô cùng đẹp mắt từ bàn ghế, giỏ xách, bình hoa xuất qua Liên Xô (cũ) và các nước XHCN ở Đông Âu bấy giờ. Tuy nhiên, do những biến cố chính trị ở nước ngoài, việc mua bán bị ảnh hưởng, bao nhiêu vốn liếng của xã viên Ba Nhất tan thành mây khói vì không đòi được tiền, hàng hóa không có đầu ra…

Thế nhưng, chính lúc bế tắc ấy, bà chủ nhiệm hợp tác xã lại vùng lên để chèo chống con thuyền Ba Nhất không bị đắm. Bà bán hết nhà cửa rồi xuất ngoại tìm hiểu thị trường về hàng mây - tre - lá. Ông trời cũng không phụ lòng người, bà Cúc đã tìm ra hướng đi mới.

Thời kỳ đầu, Ba Nhất có cách làm không giống ai và có phần hơi liều khi đưa sản phẩm được cho là tầm thường vì sản xuất từ bẹ chuối, lá cây… tới các khách sạn, nhà hàng hạng sang xin trưng bày. Lúc đầu, người ta nhất quyết không cho vì nghĩ rằng sản phẩm đặt ở đó phải là những loại gỗ quý, chạm khắc tinh xảo.

Nhưng rồi bà Cúc cố gắng thuyết phục, năn nỉ, cuối cùng cũng có người thương, dành một góc nhỏ để bố trí những sản phẩm được làm từ loài cỏ cây ấy. Những sản phẩm vừa “độc” vừa lạ, có giá thành rẻ và đặc biệt thân thiện với môi trường ấy cũng dần chinh phục được khách hàng thế giới. Vậy là thành công, thứ hàng cỏ rác mang tên Ba Nhất đã được xuất đi khắp năm châu bốn biển, mang về nhiều chục triệu đô la nuôi sống hàng chục ngàn con người khốn khó…

Suốt mấy chục năm qua, người phụ nữ kiên cường ấy đã vun vén, cưu mang biết bao “cánh bèo trôi dạt” của những mảnh đời lầm lỗi, đem lại cho họ cuộc sống ấm no. Không ít thanh niên tù tội, nghiện ngập, không ít những cô gái lầm đường lạc lối…, đặc biệt là những người tàn tật, gia đình bất hạnh… đã được bà Cúc đưa về Hợp tác xã Ba Nhất dạy nghề. Nhiều người giờ đã thành kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân ở khắp mọi miền đất nước cũng như ở nước ngoài.

Vui mừng trước những thành tựu của đất nước, bà Cúc hào sảng: “Bây ơi, đất nước mình giờ giàu đẹp quá chừng. Tháng Tư về là đâu đâu cũng tưng bừng không khí chiến thắng của ngày non sống đất nước thu về một mối, không còn phải run sợ cảnh bom cày đạn xới, giặc tràn về như cái thời oanh liệt ấy…”.

Hoàng Quý

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/nu-cuu-binh-mang-be-chuoi-luc-binh-xuat-ngoai-451402.html