Nữ 'cường nhân' duy nhất trong cuộc đua vào vũ trụ với các tỷ phú giàu nhất hành tinh

Sở hữu tập đoàn Ozmens trị giá 1,3 tỷ USD, Eren Ozmen thuộc top 20 nữ tỷ phú giàu nhất nước Mỹ. Cô là người phụ nữ duy nhất tích cực tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất phi thuyền tái sử dụng cùng các ông lớn khổng lồ như SpaceX của Elon Musk hay Virgin Bractic của Richard Branson.

Hiện nay, có một làn sóng ngày càng tăng khi những người tỷ phú giàu nhất nhì thế giới đang tham gia cuộc chạy đua vào vũ trụ. Từ SpaceX của Elon Musk, Virgin Bractic của Richard Branson hay Jeff Bezos với Blue Origin, tất cả đều nhảy vào tham gia trò chơi đầu tư này.

Giữa một rừng những cái tên nổi tiếng, ít ai nghe đến công ty Sierra Nevada cùng dự án Dream Chaser trị giá 650 triệu USD kết hợp với NASA. Đây là dự án nhằm sản xuất phi thuyền tái sử dụng để đưa các phi hành gia vào quỹ đạo. Sierra Nevada, có trụ sở tại Nevada, thuộc 100% sở hữu của nữ tỷ phú Eren Ozmen, người đã đầu tư 300 triệu USD trong hợp đồng kể trên với NASA. 350 triệu USD còn lại NASA huy động được từ các nguồn khác.

Chân dung nữ tỷ phú Eren Ozmen, đồng sở hữu công ty Sierra Nevada

Hiện nay Sierra Nevada là nhà thầu chính phủ lớn nhất cả nước với 1,6 tỷ USD doanh thu năm 2017 và gần 4.000 nhân viên trên khắp 33 quốc gia. 80% doanh thu của công ty đến từ chính phủ Hoa Kỳ bằng các hợp đồng bán máy bay quân sự, máy bay không người lái.

Eren Ozmen cùng chồng mình, Fatih Ozmen, người đồng sở hữu Sierra Nevada Corp

Eren từng nói: "Hãy nhìn vào Hoa Kỳ và những gì phụ nữ có thể làm ở đây, so với phần còn lại của thế giới”. Để có thành công ngày hôm nay, bà đã trải qua rất nhiều khó khăn.

Eren Ozmen lớn lên ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ. Cha mẹ cô, cả hai đều là y tá luôn khuyến khích bốn cô gái tập trung vào việc học. Là một sinh viên tại Đại học Ankara, cô theo học ngành báo chí và quan hệ công chúng. Sau khi tốt nghiệp năm 1985, Eren làm quản lý báo cáo tài chính tại một công ty tầm trung ở thành phố Carson, Nevada. Năm 1988, công ty được bán và Eren bị sa thải. Đúng lúc đó, cô đọc về Sierra Nevada và rất hứng thú với công ty quốc phòng này. Đồng thời, cô phát hiện nó đang trên bờ vực phá sản.

Erin bên cạnh phó Tổng thống Mike Pence trong Hội thảo không gian năm 2018 tại Colorado

Cô lập tức tìm đến văn phòng Sierra Nevada và đề xuất giải pháp giúp công ty duy trì hoạt động. Eren tích cực hỗ trợ công ty đến mức vẫn đi làm dù đang mang thai hơn 8 tháng đứa con đầu lòng.

Cuối cùng vào năm 1994, gia đình Ozmens vay mượn khắp nơi để mua lại Sierra Nevada. Eren làm việc với tư cách là giám đốc tài chính thời gian đầu và hiện nay là chủ tịch hội đồng quản trị. Chồng cô, Fatih Ozmen trở thành CEO và tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ với các cơ quan chính phủ và phát triển sản phẩm mới.

Sau khi ổn định, Sierra Nevada bắt đầu đi mua hàng loạt các công ty từ công nghệ hệ thống không người lái đến các hệ thống truyền thông có độ bền cao. “Mỗi công ty chúng tôi mua giờ đây đều có giá trị lớn gấp 10 lần", Eren cho biết.

Xe không gian tiện ích Dream Chaser không người lái được thiết kế để chở 6 tấn hàng hóa đến và đi từ Trạm vũ trụ quốc tế

Ngoài 300 triệu USD ban đầu đổ vào dự án Dream Chaser, Sierra Nevada đã chi thêm 200 triệu USD để phát triển phiên bản nâng cấp và dự kiến đầu tư thêm 500 triệu USD nữa vào thời điểm nó sẵn sàng cất cánh. Ngày ra mắt dự kiến Dream Chaser là vào tháng 9 năm 2020, chỉ một tháng sau ngày phóng phi thuyền Dragon của SpaceX. Nếu Dream Chaser hoàn thành các nhiệm vụ tới trạm vũ trụ vào năm 2024, Sierra Nevada ước tính sẽ bỏ túi 1,8 tỷ USD. Eren tin rằng các công ty tư nhân như Sierra Nevada đang giúp chính phủ tiết kiệm chi phí và giúp nước Mỹ dẫn đầu trong lĩnh vực không gian.

Ngọc Mai (Theo Forbes)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/nu-cuong-nhan-duy-nhat-trong-cuoc-dua-vao-vu-tru-voi-cac-ty-phu-giau-nhat-hanh-tinh-896713.html