Nụ cười trên đồng cói

Những ngày này đang vào vụ thu hoạch cói chiêm của nông dân vùng cói huyện Nga Sơn. Giữa giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm, nông dân đã thu hoạch cói vào ban đêm. Vất vả, nhưng vì cói năm nay được mùa, được giá, nên trên cánh đồng cói vẫn không ngớt tiếng cười.

Để tránh cái nắng như đổ lửa, nông dân tranh thủ thu hoạch cói vào ban đêm. Cùng với đó, nông dân cắt cói vào ban đêm còn để kịp cho phơi cói vào ngày mới bởi cói được nắng sẽ khô nhanh và cho màu đẹp.

2h sáng, nông dân vùng cói xã Nga Thanh hối hả thu hoạch cói. Trên các ruộng cói những bóng đèn được thắp sáng để tiện cho việc cắt cói.

Theo nhiều người dân thì vào vụ thu hoạch cói bà con phải tranh thủ thời tiết mát mẻ về đêm để thu hoạch cói cho kịp rồi sáng sớm sẽ đem cói đi phơi hoặc phơi ngay trên cánh đồng cho kịp nắng.

Sau khi cắt, những sợi cói ngắn và đã chết khô sẽ bị loại. Những sợi cói dài và còn tươi sẽ được chặt phần đầu, phần ngọn, sau đó dùng làm nguyên liệu để dệt chiếu. Thời tiết những ngày này cói chỉ phơi khoảng 3 ngày sẽ khô.

Năm nay cói được mùa hơn mọi năm vì thời tiết ủng hộ và giá thành cũng nhỉnh hơn so với năm trước.

Bà Lê Thị Yến ở thôn 5 xã Nga Thanh cho biết: Cói được thu hoạch 1 năm 2 vụ, vụ chiêm và vụ mùa. So với trồng lúa, trồng cói vất vả hơn nhiều nhưng cho thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, trồng cói cũng bấp bênh năm được mùa, năm mất mùa, nhưng là nghề từ ông cha truyền lại nên gắn bó.

Bên chiếc đèn đang chong giữa ruộng, 2 vợ chồng anh Dương Văn Quang ở thôn 5, Nga Thanh tất bật với công việc thu hoạch cói.

Anh Dương ra ruộng cói từ 2h sáng để thu hoạch. Gia đình anh có 9 sào cói. Năm nay cói loại 1 giá 17.000 đồng/kg; cói loại 2 là 14-15.000 đồng/kg; cói loại 3 giá 12.000 đồng/kg.

Cây cói Nga Sơn được trồng nhiều nhất trên địa bàn các xã Nga Thanh, Nga Liên, Nga Tiến, Nga Thủy, Nga Tân…

Cói được người nông dân trân trọng như một báu vật mà tạo hóa ban tặng cho những dải đất mặn phù sa ven biển.

Bởi vậy, ở các xã ven biển của huyện Nga Sơn, người dân chủ yếu sống từ nghề trồng cói. Các sản phẩm từ cói của Nga Sơn đã đi muôn nơi, tạo nhiều việc làm, đem lại thu nhập cho người dân địa phương.

Gia đình anh Dương Văn Công (xã Nga Thanh) có 2 mẫu ruộng trồng cói. Gia đình anh bắt đầu thu hoạch cói từ tháng 2 âm lịch đến nay. Cứ 1 sào cói cho thu hoạch khoảng 7 tạ cói khô.

Không khí hối hả tấp nập trên cánh đồng cói, những chiếc xe kéo đầy ắp cói. Dù công việc khá vất vả nhưng nụ cười vẫn luôn hiện hữu trên gương mặt những người dân lao động nơi đây.

Từ đêm tối cho đến khi bình minh, không khí thu hoạch cói khẩn trương tránh nắng nóng.

Khi còn tươi, thân cói có màu xanh mướt, bóng mượt, sau khi thu hoạch sợi cói có màu trắng, đẹp, dai và bền.

Ngày mới trên những ruộng cói xanh mướt, trải dài dưới ánh nắng vàng. Từ cây cói tốt tươi ngoài đồng đến khi trở thành những sản phẩm đẹp mắt là trải qua nhiều công đoạn vất vả, thấm đẫm mồ hôi của người nông dân. Tuy vất vả là vậy nhưng cói năm nay được mùa thì người nông cũng bớt phần khó khăn và sẽ thêm gắn bó với nghề cói truyền thống của Nga Sơn.

Ngọc Huấn - Hoàng Đông

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa-doi-song/nu-cuoi-tren-dong-coi/19793.htm