Nữ công nhân nhiễm HIV che giấu thân phận do sợ bị đuổi việc

Tại các khu công nghiệp hiện nay có tình trạng nữ công nhân bị nhiễm HIV, tuy nhiên họ không muốn bộc lộ do lo sợ bị sa thải.

Chị Lê Thị Như, 33 tuổi, ở xã N. huyện tứ Kỳ - Hải Dương bị nhiễm HIV từ chồng năm 2006. Chị đang được điều trị bằng thuốc ARV và cảm thấy sức ổn định, có thể làm việc bình thường. Hiện chị Như đang làm công nhân cho một công ty tư nhân tại khu công nghiệp cách nhà 10km với mức lương 3 triệu đồng một tháng.

Nữ công nhân này cho biết, ở địa phương hầu như ai cũng biết vợ chồng chị nhiễm HIV. Nhưng tại công ty, chị phải giấu bệnh, bởi nếu thông tin lộ ra chị sẽ bị buộc thôi việc; nếu không cũng bị đồng nghiệp xa lánh, không được giao việc và phải tự nguyện xin nghỉ.

Một nữ công nhân bị công ty sa thải do phát hiện nhiễm HIV (Hình ảnh không phải nhân vật trong bài viết)

Một nữ công nhân bị công ty sa thải do phát hiện nhiễm HIV (Hình ảnh không phải nhân vật trong bài viết)

Khó khăn trong công tác điều trị của chị Như đó là những lần đi lấy thuốc, thăm khám, chị phải xin nghỉ việc. Để không bị phía công ty nghi ngờ, chị phải viện nhiều lý do như con đi viện, chồng ốm, đưa bố đi khám bệnh… Ngay cả với cán bộ y tế, chị cũng không muốn bộc lộ nhiều.

“Những phụ nữ nhiễm HIV chỉ mong muốn xã hội chấp nhận và tạo cho chúng tôi cơ hội việc làm. Nếu thất nghiệp, chúng tôi chẳng biết kiếm đâu tiền để nuôi gia đình và chữa bệnh. Thực tế đã có nhiều chị em khi công ty phát hiện nhiễm HIV, đã bằng nhiều cách gây áp lực để buộc phải nghỉ việc, nhất là công nhân làm may, điện tử” – chị Như nói.

Người nhiễm “ẩn mình” trong nhà xưởng

Bác sĩ Đoàn Hồng Minh, Trưởng Phòng truyền thông – Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương cho biết: Theo thống kê của Trung tâm, số lượng nữ công nhân trên địa bàn nhiễm HIV là có, nhưng không thể ước lượng được con số cụ thể. Những người lao động này vẫn đang làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không quan tâm tới việc tuyên truyền về phòng chống lây nhiễm HIV; người lao động nhiễm HIV không muốn công khai danh tính. Để cán bộ y tế tiếp cận với người nhiễm là rất khó khăn, thậm chí bế tắc. Do đó, trong trường hợp có công nhân nhiễm HIV, doanh nghiệp cũng như ngành y tế không thể nắm được.

“Sự kỳ thị của giới chủ đối với người nhiễm là rất lớn. Khi biết người công nhân dương tính thì chắc chắn bằng mọi cách họ sẽ thải hồi. Thực tế đã có người bị sa thải, do đó người nhiễm cũng giấu bệnh. Trong khi đó, rào cản lớn nhất là chúng tôi không thể tiếp cận các khu công nghiệp” – BS Đoàn Hồng Minh nói.

Các cán bộ Trung tâm cho biết, thực tế có rất nhiều nữ công nhân tại các khu công nghiệp bị nhiễm HIV. Họ nắm rõ luật nên che giấu thông tin, không cung cấp cho cán bộ y tế. Nhiều người vẫn đến Trung tâm lấy thuốc và xin tư vấn nhưng không muốn bộc lộ.

Vì vậy, Trung tâm có lịch cấp phát thuốc vào ngày Chủ nhật để những công nhân này không bị ảnh hưởng đến công việc, bởi nếu cấp phát vào ngày thường, chủ doanh nghiệp sẽ nghi ngờ. Tháng 9 vừa qua, đã có khoảng 60 người xin được cấp phát thuốc vào ngày nghỉ.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm cũng cho biết: “Nếu giả sử hỏi các em làm ở công ty nào thì chắc chắn họ sẽ không nói chính xác. Bởi ngay cả những công nhân làm cùng sẽ nhìn người nhiễm bằng con mắt kỳ thị, khiến họ bị xa lánh mà tự nghỉ, không cần thiết để giới chủ đuổi việc. Tất nhiên chúng tôi phải bảo mật thông tin của họ, song thực tế việc tư vấn, điều trị cho công nhân rất khó khăn, nhất là những nữ lao động thuê nhà ở ngoài, không có hộ khẩu cư trú trên địa bàn”.

Nữ công nhân Công ty Brother trong một buổi tư vấn đề sức khỏe sinh sản

Khi nữ công nhân không thích ở ký túc xá

Doanh nghiệp Brother tại Khu công nghiệp Phúc Điền (huyện Cẩm Giàng – Hải Dương) có khu ký túc xá hàng nghìn chỗ ở cho nữ công nhân thuộc “hạng sang” với phòng máy lạnh, phòng karaoke… có mức phí chỉ 80.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, các nữ công nhân vẫn “chê” vì hầu hết đang ở tuổi “cập kê” trong khi ký túc xá đóng cửa vào 20h, cấm người lạ vào. Đa số công nhân doanh nghiệp này bỏ ra ngoài thuê nhà với giá cao, để có cuộc sống thoải mái hơn.

Bà Nguyễn Thị Huyền, phụ trách y tế Công ty Brother cho biết, với khoảng 7.000 công nhân nữ, ở độ tuổi trung bình từ 18 – 35, đương nhiên có nhu cầu lớn về tình cảm. Nhiều người có gia đình, sau giờ làm về nhà. Nhưng rất đông chị em còn trẻ, ra ngoài ở những khu nhà trọ tuy thoải mái nhưng rất phức tạp, không đảm bảo an toàn và không ai kiểm soát được hành vi của họ.

Mặc dù đến nay, công ty chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm HIV nhưng nguy cơ các nữ công nhân bị lây nhiễm các bệnh xã hội, nhất là HIV là khá cao.

Ông Nguyễn Quang Huấn, Phó Chánh văn phòng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương thừa nhận, với 10 khu công nghiệp cùng hàng chục nghìn lao động trên địa bàn, nhưng việc tuyên truyền về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cũng như sức khỏe sinh sản cho lực lượng này vẫn còn là lỗ hổng lớn.

Làm thế nào để người lao động, nhất là nữ công nhân, hiểu và bảo vệ mình trước tệ nạn xã hội, vẫn đang là vấn đề bức xúc trong các khu công nghiệp hiện nay./.

Lại Thìn/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nu-cong-nhan-nhiem-hiv-che-giau-than-phan-do-so-bi-duoi-viec-559691.vov