Nữ công nhân học võ tự vệ: Tự tin xử lý bất trắc

Không ngại mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc, hàng trăm nữ công nhân lao động (CNLĐ) làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh lại hào hứng tập trung về lớp tập huấn kỹ năng tự vệ và thoát hiểm. Với họ, học võ không chỉ để rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất và ý chí, mà còn để phòng thân, phòng chống xâm hại thân thể, giúp mình tự vệ khi gặp những bất trắc.

 Các nữ công nhân lao động làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh) hào hứng tham gia lớp tập huấn kỹ năng tự vệ và thoát hiểm. Ảnh: Trần Thảo

Các nữ công nhân lao động làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh) hào hứng tham gia lớp tập huấn kỹ năng tự vệ và thoát hiểm. Ảnh: Trần Thảo

Tự bảo vệ mình
Mặc dù công việc ở công ty khá bận rộn nhưng chị Phan Thị Thu Hà, công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, KCN Bắc Thăng Long luôn hứng thú với buổi học võ tự vệ. Không khỏi rùng mình khi nhớ lại chuyện xảy ra cách đây không lâu trong một lần tăng ca, trên đường đi làm về, chị Hà gặp hai thanh niên đi xe máy, đeo khẩu trang, bám theo mình, đường lại vắng. Đến lúc hai đối tượng định ép xe chị vào lề đường thì may có bảo vệ KCN đi tới nên đối tượng nhanh chóng bỏ chạy. “Biết có lớp võ tự vệ và thoát hiểm miễn phí, tôi đã đăng ký ngay. Đến nay, sau 6 buổi học, tôi đã biết cách xử lý các tình huống khi bị túm tóc, bị ôm từ phía trước, bị túm cổ áo, bị đánh vào mặt…” - chị Hà chia sẻ.
Sau 5 tuần học được hướng dẫn cách tự vệ khi bị xô đẩy, tự vệ tay chân, bóp cổ trước sau, phản ứng khi bị kẻ xấu giật túi xách, dây chuyền..., chị Phùng Thị Hằng, công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI (Việt Nam) chia sẻ, trước đó chị bị ám ảnh bởi nhiều lần bị trêu ghẹo hay có người bám theo mình. “Học võ là để tự bảo vệ mình, đối phó với những tình huống nguy hiểm khi phải đi làm ca, về khuya, nguy cơ gặp bất trắc cao. Học võ cũng là cách để rèn luyện sức khỏe, phục vụ sản xuất” - chị Hằng bộc bạch.
Xử lý tình huống an toàn
Là người trực tiếp dạy võ tự vệ cho các công nhân, võ sư Nguyễn Văn Hiệp – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vovinam huyện Sóc Sơn và Đông Anh cho biết, khi lên lớp giảng bài, võ sư đã thiết kế nội dung được lấy từ tình huống có thật trong cuộc sống và phù hợp với giới như các tình huống chị em bị túm tóc ở phía trước, từ phía sau; bị ôm từ phía sau, phía trước; bị khóa tay, bóp cổ hay bị khống chế bằng dao, kim tiêm… Đồng thời đưa ra cách xử lý, phản ứng nhanh để chị em gỡ đòn, tự vệ phòng thân và cả cách tấn công lại đối phương ở những vùng được tấn công (điểm yếu) giúp chị em thoát hiểm an toàn. Không chỉ học võ để tự vệ, các công nhân nữ còn được học cách có thể đọc và phản ứng với những tình huống nguy hiểm trong tích tắc, được chia sẻ cách khắc phục hiệu quả các chấn thương nhẹ (bong gân, đau cơ). Ban đầu, chị em thường lo ngại "mất duyên con gái" và sợ chấn thương. Tuy nhiên, qua thời gian luyện tập, chị em đã tự tin hơn, các động tác đã dứt khoát và đỡ các thế võ của bạn tập một cách nhanh nhẹn, chủ động hơn.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh Ngô Thị Thúy Hằng, công nhân làm việc tại KCN Bắc Thăng Long chủ yếu là nữ lao động nhập cư, thuê trọ ở các xã của huyện. Việc di chuyển từ nhà trọ đến công ty nhiều khi tiềm ẩn nguy hiểm nên học võ tự vệ là cách để các nữ CNLĐ chủ động phòng tránh và thoát hiểm trước các hiện tượng xấu như cướp giật, xâm hại thân thể… Đây là một trong những hoạt động của dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội” do tổ chức Plan International Việt Nam, Hội LHPN huyện Đông Anh và Viện phát triển sức khỏe, cộng đồng – Ánh sáng LIGHT phối hợp. Một khóa đào tạo võ thuật có thời gian là 3 tháng, mỗi tuần chị em được học 1 - 2 buổi trong vòng gần 2 tiếng đồng hồ, chủ yếu tổ chức vào buổi tối các ngày trong tuần và ngày cuối tuần. “Với những kỹ năng cơ bản nhưng cần thiết và thiết thực, chị em sẽ tự tin hơn trong cuộc sống, khi bị tấn công biết cách tránh sao cho đỡ thiệt hại và bình tĩnh xử lý tình huống một cách an toàn” - bà Hằng chia sẻ.

Thảo Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nu-cong-nhan-hoc-vo-tu-ve-tu-tin-xu-ly-bat-trac-328712.html