Nữ 'công bộc' của dân ở ấp biên giới

'Là cán bộ gương mẫu, nhiệt huyết, trách nhiệm với cộng đồng, những năm gần đây, chị đã giúp kinh tế, đời sống của người dân trong ấp không ngừng cải thiện', đó là nhận xét của nhiều bà con ở ấp 2, xã Tân Hiệp (Thạnh Hóa, Long An) dành cho Trưởng ấp Nguyễn Thị Thường.

Gần 30 năm trước, chị Nguyễn Thị Thường cùng gia đình rời quê hương Hữu Văn (Chương Mỹ, Hà Nội) đến lập nghiệp tại vùng biên giới Tân Hiệp. Được địa phương cấp 2ha đất, gia đình chị tích cực cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước, be bờ, khử phèn, lấy đất trồng lúa, trồng tràm. Những ngày đầu tại vùng biên giới, tuy gặp không ít khó khăn, nhưng ý chí và nghị lực của chị Thường cùng gia đình vẫn không hề bị khuất phục.

 Chị Nguyễn Thị Thường (ngoài cùng bên trái) thăm hỏi, động viên gia đình người có công trong ấp.

Chị Nguyễn Thị Thường (ngoài cùng bên trái) thăm hỏi, động viên gia đình người có công trong ấp.

Thời gian sau đó, có được thành công trong phát triển kinh tế, chị Thường bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, sản xuất nông nghiệp với các hộ dân trong và ngoài ấp. Sự nhiệt tình cùng lối sống gần gũi, giản dị giúp chị dần lấy được lòng tin, sự quý trọng của mọi người.

Năm 2010, trong cuộc họp đề cử người đứng đầu ấp, chị Thường được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ấp 2. Từ ngày đảm nhiệm vai trò “công bộc” của dân, chị luôn trăn trở tìm hướng đi mới thoát nghèo cho người dân. Chị tâm sự: “Những ngày đầu, tôi rất lo lắng, bởi dù sao mình cũng là phụ nữ, có nhiều hạn chế so với đàn ông. Hơn nữa, thời điểm đó, ấp bắt đầu xây dựng nông thôn mới nên càng khó khăn hơn, không biết mình có đảm đương nổi hay không. Nhưng được sự động viên của gia đình, sự tín nhiệm của người dân, nên tôi "mạnh dạn" làm trưởng ấp”. Theo chị Thường, muốn nâng cao đời sống nhân dân thì phải làm cho kinh tế khá lên, nhất là phải có hệ thống giao thông thuận lợi. Từ đó, chị tích cực tìm hiểu các mô hình thoát nghèo ở nhiều địa phương thông qua những lần tham quan. Chị cũng nghiên cứu, học tập qua internet, xem các phóng sự trên ti vi về cách làm hay ở những xã nông thôn mới để phổ biến cho bà con. Từ kiến thức có được qua học tập và thực tiễn công tác, chị đề ra nhiều mô hình sinh hoạt, như: Câu lạc bộ (CLB) đóng góp xây nhà 3 cứng (nền cứng, tường cứng, mái cứng); CLB đa dạng; CLB giúp nhau phát triển kinh tế; CLB gia đình hạnh phúc…

Chị Nguyễn Thị Thường kiểm tra năng suất lúa của thành viên Câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế.

Với sự điều hành khoa học của trưởng ấp Nguyễn Thị Thường, các CLB đã phát huy tốt hiệu quả. Theo đó, CLB xây nhà “3 cứng” có 30 hộ tham gia. Các hộ chủ động góp tiền từ 5 đến 6 triệu đồng giúp nhau xây nhà. Gia đình khó khăn hơn được ưu tiên làm nhà trước, sau đó lần lượt đến các hộ khác. Nhờ đó, nhà tranh tre dột, nát dần được thay thế bằng những ngôi nhà “3 cứng”, giúp các hộ nghèo chống chọi với điều kiện thiên tai khắc nghiệt miền biên giới.

Đối với CLB đa dạng có 15 hộ tham gia, giúp nhau trong mọi công việc gia đình: Ma chay, cưới hỏi, hỗ trợ phương tiện sản xuất nông nghiệp… Còn CLB giúp đỡ nhau phát triển kinh tế góp phần làm đời sống vật chất của người dân ngày một khá lên. Những hộ tham gia CLB giúp đỡ nhau phát triển kinh tế sẽ được các thành viên hỗ trợ mua phương tiện sản xuất, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng. Từ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Riêng CLB gia đình hạnh phúc góp phần chia sẻ kinh nghiệm về cuộc sống hôn nhân gia đình, cách nuôi dạy con cái, cầu nối gắn kết tình cảm giữa các cặp vợ chồng, giúp xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Người dân từ mọi miền quê hương vào mảnh đất biên giới trở nên thân thiết, gắn bó, yêu thương, giúp đỡ nhau như anh em một nhà. Là ấp giáp với 3 xã của nước bạn Campuchia, nhưng tình hình an ninh, chính trị nơi đây luôn được giữ vững, mối đoàn kết giữa nhân dân hai nước luôn được duy trì tốt đẹp.

Trưởng ấp Nguyễn Thị Thường kiểm tra năng suất vườn chanh của thành viên Câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế.

Ông Lê Hoàng Hải, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp khẳng định: “Chị Thường là cán bộ mẫn cán, hăng hái trong công việc tập thể, tính tình thẳng thắn. Chị còn kết nối được nhiều nguồn lực xã hội chung sức xây dựng nông thôn mới như xây dựng cột cờ, tường bao quanh nhà văn hóa ấp…”.

Năm 2017, xã đưa ra chủ trương về việc mở rộng con đường huyết mạch nối liền các ấp, đổ đá xanh để giao thông thuận tiện hơn. Đây vốn là con đường đất đỏ, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bay mù mịt, việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Trước thực trạng đó, tại ấp 2, chị Thường tổ chức nhiều cuộc họp bàn, đề ra các giải pháp, đồng thời giải thích cho dân hiểu về lợi ích khi con đường được sửa chữa, nâng cấp. Mặc dù vậy, một số ít hộ dân vẫn không đồng ý vì còn tài sản trên đất có giá trị kinh tế cao. Quyết không bỏ cuộc, vì lợi ích chung của tập thể, chị Thường kiên trì đến những hộ dân chưa thông suốt tư tưởng để thuyết phục, đồng thời kết hợp vận động họ hàng, làng xóm cùng vào cuộc. Chị cũng gương mẫu hiến 800m2 đất thổ cư, đất vườn cùng toàn bộ hoa màu, cây cối lâu năm của gia đình để thực hiện dự án mở rộng con đường. Từ sự gương mẫu của chị, bà con bảo nhau tự nguyện hiến đất, bàn giao mặt bằng cho chính quyền xã để làm đường. Kết quả, hơn 84.000m2 đất được người dân trong ấp hiến tặng. Ngoài ra, người dân còn chủ động chặt bỏ cây trồng trên đất để bàn giao mặt bằng thi công. Năm 2019, con đường hoàn thành, đưa vào sử dụng, mang lại niềm vui lớn cho nhân dân trong ấp cũng như xã Tân Hiệp.

Hàng chục năm làm trưởng ấp, chị Nguyễn Thị Thường đã xây dựng ấp 2 trở thành ấp kiểu mẫu của xã Tân Hiệp. Năm 2013, chị được Chủ tịch UBND tỉnh Long An tặng bằng khen trong phong trào “dân vận khéo”. Ngoài ra, chị cũng nhận được nhiều giấy khen của các cấp trao tặng.

Bài và ảnh: BIỆN VĂN CƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/nu-cong-boc-cua-dan-o-ap-bien-gioi-611736