Nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên là ai?

Nguyễn Thị Minh Khai là nữ chiến sĩ tiền bối của phong trào cộng sản Việt Nam. Bà cũng là người phụ nữ phương Đông đầu tiên dõng dạc vạch trần chính sách xâm lược của thực dân Pháp tại Đông Dương trên diễn đàn Quốc tế.

Nguyễn Thị Minh Khai (SN 1910), trong một gia đình công chức nhỏ tại Vinh (Nghệ An). Thời tiểu học, cô bé Minh Khai được thầy giáo Trần Phú giác ngộ cách mạng. Năm 17 tuổi, Minh Khai được giới thiệu vào Đảng Tân Việt (sau này chuyển thành Đông Dương cộng sản liên đoàn).

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941)

Năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai được cử sang Hương Cảng (Trung Quốc) làm việc tại văn phòng chi nhánh của Quốc tế Cộng sản. Bà được Bác Hồ trực tiếp giáo dục lý luận, chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng.

Năm 1934, bà gặp và kết hôn với người anh hùng Lê Hồng Phong (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương) tại Thượng Hải. Lễ kết hôn của hai nhà hoạt động cách mạng được tổ chức giản dị, ấm tình đồng chí. Giữ lời hứa với Đảng, cuộc đời hai vợ chồng Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai cho đến phút cuối cùng gắn với những thăng trầm của cách mạng Việt Nam.

Ngày 16/8/1935, là đại biểu trẻ nhất, với bí danh là Phan Lan, bà đã trình bày bản tham luận về " Vai trò phụ nữ Đông Dương tham gia đấu tranh cách mạng" tại Đại hội Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va.

Lần đầu tiên trên diễn đàn Quốc tế, một phụ nữ phương Đông cất tiếng nói dõng dạc vạch trần chính sách xâm lược của bọn thực dân Pháp đối với Đông Dương.

Vợ chồng cộng sản Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai (ảnh tư liệu)

Năm 1936, bà về nước, tham gia Xứ ủy Nam kỳ và là bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Đây là nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não của địch, nhưng cũng là nơi đã nổ ra những cuộc đấu tranh cách mạng quyết liệt của nhân dân lao động. Các cuộc biểu tình, mít tinh đòi quyền tự do dân chủ, cơm áo, hòa bình diễn ra liên tiếp, sôi nổi.

Bà không những tích cực lãnh đạo phong trào quần chúng đấu tranh mà còn đặc biệt chú ý xây dựng Đảng ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Mùa xuân 1939, bà sinh con gái đầu lòng và đặt tên là Lê Nguyễn Hồng Minh – tên được ghép từ tên của hai vợ chồng bà để chứng minh cho kỷ niệm tình yêu lớn bao bà dành cho ông. Thời gian này, chồng bà đang bị tù đày ở Côn Đảo. Bà đành gửi đứa con "trứng nước" của mình cho cơ sở cách mạng ở Bà Điểm, Hóc Môn nuôi nấng chăm sóc để tiếp tục tham gia cách mạng.

Người mẹ yêu con, yêu nước rối bời tâm trạng ấy cứ đốt lên câu hỏi “Cuộc đời của con rồi sẽ ra sao? Con có sống được nên người không? Lưới đế quốc bủa vây quanh mẹ, quanh cha và cả quanh con nữa”.

Tháng 7/1940, bà Nguyễn Thị Minh Khai bị địch bắt. Trong phiên tòa xử kín của bọn thực dân, khi nghe tên chánh án tuyên án: “Nguyễn Thị Minh Khai, tử hình!”, bà thản nhiên quay lại trìu mến dặn em gái: “Thôi, em về đi. Chị chết nhưng không ân hận, vì chị đã làm một việc có ích cho dân tộc, cho cách mạng”.

Thời gian ở trong tù, bà luôn nêu cao gương hoạt động bền bỉ và tinh thần lạc quan. Bà tranh thủ từng ngày, từng giờ truyền lại những bài học và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng cho chị em trong tù.

Trong những ngày ở xà lim chờ ra pháp trường, bà tước vải áo nhà tù, lấy từng sợi vải để đan thành chiếc áo gối gửi tăng bố mẹ già. Nghĩ đến người chồng – người đồng chí Lê Hồng Phong, bà nhờ các đồng chí nhắn gửi lời chào vĩnh biệt.

Áo gối của đồng chí Minh Khai thêu tặng mẹ và em gái thời gian ở trong tù năm 1940.

Tấm lót gối-kỷ vật của đồng chí Minh Khai.

Gần đến ngày bị xử bắn, bà nhờ anh chị em trong tù tìm cho một bộ quần áo trắng mới. Bà nói: “Phải có màu trắng mới làm đỏ thắm dòng máu cách mạng của mình các đồng chí ạ!”

Sáng 28/8/1941, kẻ thù dẫn Nguyễn Thị Minh Khai ra xử bắn tại Hóc Môn cùng với một số đồng chí khác. Bà ra đi để lại trên tường xà lim bài thơ nhắc nhủ mọi người:

Vững chí bền gan, ai hỡi ai

Kiên tâm giữ dạ mới anh tài

Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ

Con đường cách mạng vẫn chông gai

Theo Bảo tàng Lịch sử QG/nhavantphcm.com (Phụ Nữ Việt Nam)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/nu-chien-si-cong-san-viet-nam-dau-tien-la-ai-886776.html