Nữ chỉ huy 'Đại đội thép' 557: Tuyến đường đã được đắp bằng máu

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng trong ký ức người nữ chỉ huy 'Đại đội thép' 557 TNXP Nguyễn Thị Lân, kỷ niệm về một thời máu lửa, những địa danh, trận đánh ác liệt và cả những gương mặt thân yêu của đồng đội vẫn vẹn nguyên trong miền ký ức.

Bắt đầu từ lá đơn “ba khoan”

Căn nhà nhỏ nằm trong ngõ hẻm thuộc phường Bến Thủy - thành phố Vinh hôm nay rộn rã bước chân. Bà Nguyễn Thị Lân - người nữ chỉ huy “Đại đội thép 557” TNXP trên chiến trường Đồng Lộc năm nào không giấu được niềm vui trong ánh mắt. Dáng người nhỏ bé, gương mặt rắn rỏi, mái tóc nhuộm sương gió nhưng giọng nói của bà vẫn còn rành rẽ, khúc chiết, xóa nhòa khoảng cách không gian, thời gian.

Nữ chỉ huy "Đại đội thép" Nguyễn Thị Lân không giấu được niềm vui khi kể về những tháng ngày tình nguyện lên đường gia nhập TNXP

Tháng 8/1965, cô gái vùng quê Đức Yên, Đức Thọ Nguyễn Thị Lân tạm xa gia đình và người yêu, gửi quyết tâm của mình vào lá đơn tình nguyện của phong trào “ba khoan” (khoan yêu, khoan cưới và nếu cưới thì khoan sinh con), gia nhập TNXP thuộc Đại đội 211–N23- P18 đi vào chiến trường Quảng Trị khi vừa 21 tuổi.

Bà cũng không ngờ rằng, sau lá đơn tình nguyện của mình, người yêu của bà cũng đã tình nguyện sang Lào chiến đấu để hơn 10 năm sau, ông bà mới có cơ hội gặp lại và nên duyên. Những tháng ngày sống chung với đạn bom, vận chuyển đạn dược, lương thực, tải thương trên cung đường Trường Sơn đã tôi luyện sức lực, sự gan dạ và lòng quyết tâm để Nguyễn Thị Lân ngày một trưởng thành.

“Ở đâu cũng góp sức mình cho tiền tuyến, nhưng trong mỗi chúng tôi vẫn luôn cháy bỏng khát khao được chiến đấu trên mảnh đất quê nhà. Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Tháng 2/1968, đơn vị được điều về làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc. Cũng từ đó Đại đội 211-N23-P18 được đổi phiên hiệu là Đại đội 557- N55- P18, tôi vẫn giữ chức vụ đại đội phó và sau đó là bí thư chi bộ, đại đội trưởng”.

Nữ chỉ huy trên cung đường máu lửa

Những ngày ác liệt ấy, khi chiếc cầu cuối cùng trên Quốc lộ 1A bị đánh phá, tuyến đường 15 A đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch để vận tải vũ khí, đạn dược, lương thực vào chiến trường miền Nam. Giặc Mỹ đã tập trung một lượng bom khổng lồ nhằm hủy diệt Ngã ba Đồng Lộc, cắt đứt nguồn chi viện cho miền Nam. "Đại đội thép" của bà Lân với quân số 143 người được giao nhiệm vụ trấn giữ phía bắc Ngã ba Đồng Lộc với các địa điểm trọng yếu như Cầu Tối, Khiêm Ích, ngầm Tùng Cốc, cầu Máng, cầu Đôi… Nhiệm vụ chính của đơn vị là rà phá bom, san lấp hố bom, chống lầy mặt đường, hộ tống xe, thương binh, cứu xe và bảo vệ, sửa chữa ngầm Tùng Cốc.

Video: Những tháng ngày trên cung đường máu lửa với những mất mát hy sinh của đồng đội như được tái hiện trong câu chuyện kể của bà

Không thể nhớ nổi mỗi ngày có bao nhiêu loạt bom đạn được rải xuống mảnh đất này, chỉ biết rằng, chủ trương “địch phá ta sửa” đã được lực lượng TNXP quán triệt. Ở “Đại đội thép”, nhiều sáng kiến, giải pháp đã được áp dụng để nâng hiệu quả công việc và hạn chế thương vong, nhưng những hy sinh xương máu của đồng đội đến bây giờ vẫn luôn khắc khoải trong lòng nữ chỉ huy đại đội.

“Những người trong C557 ngày ấy đều không sợ hy sinh gian khổ, nhưng mỗi đồng đội ngã xuống luôn để lại trong lòng người sống nỗi đau không thể nói thành lời. Đó là gương hy sinh anh dũng của Lê Đăng Dương ở Cầu Tối, sự xung phong cảm tử của anh Võ Triều Chung, Phạm Văn Bổn trong nhiệm vụ phá bom tại ngầm Tùng Cốc, là các đồng chí Bảo, Xuân, Tùng, Ngụ, Loan, Thử đã hy sinh trong lúc tăng bo hàng giúp xe qua ngầm… Những lúc ấy, chúng tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, biến đau thương thành hành động, ra sức bạt núi, san lấp hố bom để thông đường cho xe qua. Tuyến đường 15A huyền thoại đã được đắp bằng máu, bằng ý chí quyết tâm, sức lực và cả lòng căm thù giặc Mỹ” - Bà Lân thổn thức khi nghĩ về những đồng đội cũ.

Bước sang tuổi 74, bà Lân đang có những tháng ngày bình yên bên chồng và con cháu trong căn nhà bình dị ở TP Vinh

Cuốn sổ nhỏ nhuốm màu thời gian của bà Lân vẫn còn ghi rõ: Trong suốt quãng thời gian 213 ngày đêm, không có ngày nào, đêm nào địch không bắn phá, rải các loại bom. Đường nát như tương bởi hố bom chồng chất. Dưới sự chỉ huy của nữ đại đội trưởng, mỗi một người đều cố gắng làm việc gấp đôi. Tiểu đội công binh của C557 đã rà phá được hơn 1.600 quả bom các loại, đại đội cũng đã san lấp 1.730 hố bom, đào đắp khoảng 300 ngàn m3 đất đá; cắt, vận chuyển, xử lý chống lầy hơn 17 ngàn gánh sim mua, bổi, bốc, vận chuyển chống lầy gần 9 ngàn m3 đất cát…

Những đóng góp lặng thầm, gương hy sinh dũng cảm của TNXP C557 đã góp phần làm nên chiến công, tên tuổi của Đồng Lộc. Đại đội được công nhận là đơn vị quyết thắng, và nhiều danh hiệu cao quý khác, trong đó vinh dự và tự hào được Đại tướng Võ Nguyên Giáp vinh danh là “Đại đội thép”.

“Người nhỏ mà chí lớn”

Bước sang tuổi 74, bà Lân đang có những tháng ngày bình yên bên chồng và con cháu trong căn nhà bình dị ở TP Vinh. Tuổi cao, sức yếu nhưng mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm về lần được gặp Bác Hồ, khuôn mặt bà ánh lên niềm tự hào, khiến câu chuyện càng sôi nổi.

Bức ảnh kỷ niệm lần gặp Bác Hồ luôn được bà nâng niu, cất giữ trong khung kính

Đó là năm 1969, nữ chỉ huy "đại đội thép" được bầu đi dự đại hội thi đua quyết thắng. Tại đại hội, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng và dặn đoàn chủ tịch lựa chọn 1 đoàn đại biểu đồng hương Quân khu 4 ra gặp Bác. Bà được vinh dự nằm trong danh sách đó.

Được gặp Bác với bà là niềm hạnh phúc quá lớn lao, để đến bây giờ, khi chia sẻ với chúng tôi, bà vẫn nhớ như in sự quan tâm, động viên Bác dành cho mỗi người.

“Tôi là người thứ 3 trong 7 người được vào gặp Bác. Thời gian giới hạn cho mỗi người chỉ có 5 phút thôi, trong lúc mỗi chúng tôi có bao điều muốn nói. Trái với suy nghĩ ban đầu, hỏi chuyện tôi, Bác nói ngay về đặc điểm, sự ác liệt của chiến trường Đồng Lộc. Rồi Bác hỏi tôi: Đơn vị cháu có bao nhiêu người, phụ trách tuyến đường nào, chiến đấu như thế nào? Hy sinh có nhiều không?... Nghe tôi kể chuyện, Bác thốt lên: Giỏi, giỏi lắm! Người thì nhỏ mà chí lớn. Rồi tôi được Bác tặng huy hiệu của Người”.

5 phút được gặp Bác, được nghe những lời dặn dò, động viên khích lệ của Người là nguồn động lực cho đại đội trưởng Nguyễn Thị Lân cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ san đường, hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong cuộc sống đời thường, với đồng lương eo hẹp, những khó khăn thời bao cấp ở Công ty Sông biển Nghệ Tĩnh, cũng như hôm nay, lời Bác đã thành nguồn động viên giúp người phụ nữ bé nhỏ ấy vượt qua khó khăn để đưa gia đình nhỏ cập bến bờ hạnh phúc.

Ngọc -Tuấn- Nhất

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xa-hoi/nu-chi-huy-dai-doi-thep-557-tuyen-duong-da-duoc-dap-bang-mau/156680.htm