Nữ biệt động anh hùng

Thoát khỏi tay kẻ thù về lại căn cứ, sau những đòn thù tàn bạo, nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai như không còn đủ sức để gượng dậy. Đồng đội ai cũng tập trung chăm sóc cho Mai, thương người con gái xứ Quảng 22 tuổi rồi đây tương lai sẽ ra sao. Nhưng rồi, điều may mắn đã đến...

Thoát khỏi tay kẻ thù về lại căn cứ, sau những đòn thù tàn bạo, nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai như không còn đủ sức để gượng dậy. Đồng đội ai cũng tập trung chăm sóc cho Mai, thương người con gái xứ Quảng 22 tuổi rồi đây tương lai sẽ ra sao. Nhưng rồi, điều may mắn đã đến...

Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai (thứ hai phải qua) tham dự lễ kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập lực lượng Biệt động Sài Gòn (6-1-1946 - 6-1-2012).

Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai (thứ hai phải qua) tham dự lễ kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập lực lượng Biệt động Sài Gòn (6-1-1946 - 6-1-2012).

Người con xứ Quảng kiên cường

Chị Nguyễn Thị Mai (hiện trú tại 272, đường Bàu Cát, P.11 Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, mẹ chị là cán bộ phụ nữ H. Đại Lộc, anh hai chị bị địch bắt năm 1955, sau này là Huyện ủy viên Đại Lộc. Đầu năm 1964, Mai đang làm giao liên rất đắc lực cho Huyện ủy Đại Lộc, thì chú Mười Đạo từ Sài Gòn ra Quảng Nam nói chuyện với mẹ, trong ấy đang cần Mai. "Nó làm giao liên ở đây lâu rồi, có kinh nghiệm. Đội biệt động rất cần những người như Mai". Ngày chia tay và cũng như sau này bị địch tra tấn dã man chị Mai không quên lời mẹ dặn: "Nếu có bị lộ, bị bắt thì dù thế nào đi nữa cũng phải chịu đựng, không được phản bội tổ chức, phản lại đồng đội nghe con! Phải biết đó là hèn, là nhục, không xứng đáng với truyền thống quê hương".

Vào Sài Gòn chị Mai biên chế đơn vị biệt động C90 - một đơn vị trong Mậu Thân 1968 được nhận nhiệm vụ đánh vô khám Chí Hòa nhằm giải phóng tù chính trị, đơn vị trực thuộc thủ trưởng Tư Chu, tức Đại tá Nguyễn Đức Hùng (1928-2012), AHLLVTND, Chỉ huy trưởng các lực lượng biệt động Sài Gòn- Gia Định. Ban đầu chị Mai làm nhiệm vụ bắt liên lạc cơ sở nội thành, đưa tân binh từ Sài Gòn ra chiến khu và vận chuyển vũ khí từ chiến khu vào nội thành. Trong một chuyến làm nhiệm vụ chuyển 30 kíp nổ được giấu trong ruột 30 trái khổ qua thì bị địch phát hiện. Gần 1 năm trời bị tra tấn nhưng chị vẫn giữ tròn khí tiết, không khai báo, chỉ thú nhận mình là dân lao động vào Sài Gòn làm thuê, ai nhờ gì làm nấy để mưu sinh. Người con gái trinh trắng ở tuổi 22 đã phải chịu bao cực hình tàn bạo của kẻ thù. Nỗi đau hằn sâu đến tận hôm nay mà chị kể đó là đòn tra lươn và tra cổ chai LaDe.

Những lúc đó chị Mai lại nghĩ đến mẹ, mong con gái lớn lên sẽ có chồng con như bao người khác. Nay thì đời con gái của mẹ đã hết, không còn tương lai, không thể có gia đình. Người phụ nữ miền Nam sinh ra trong lửa đạn chiến tranh, đau thương không ngôn từ diễn đạt. Phải chăng đây cũng chính là hiện thân của thành đồng tổ quốc. Lúc ra tòa xử án, chị Mai không đứng được, người đau rũ không còn sức lực, cuối cùng chúng kết án chị với bản án gây rối trật tự trị an, 1 năm tù. Đưa về Nhà tù Thủ Đức do máu ra nhiều nên bọn địch tống chị Mai vào nhà thương Chợ Quán. Tại đây chị đã mưu trí trốn thoát, tìm về cơ sở. Từ cõi chết trở về, đồng đội ai cũng quý mến người con gái Quảng Nam kiên cường gan dạ. Mai được đưa về bệnh viện Quân khu ở căn cứ A51 điều trị.

Lành bệnh chị lại như con thoi tung hoành khắp thành phố, vẫn làm công tác liên lạc, vận chuyển vũ khí, trừ khử những tên ác ôn khét tiếng. Những trận đánh còn ghi dấu tên tuổi chị, đó là trận đánh Nghĩa trang Bến Tre, Nhà đèn Thủ Đức, khu vực Bảy Hiền, cầu Tân Tạo... Chiến công vang dội đồng đội thường nhắc nhắc đó là đêm 27-4-1967, Mai cùng hai đồng chí nữa bí mật đưa chất nổ cài kíp hẹn giờ phá tan tành 17 đầu tàu Diezel, loại đầu tàu lửa hiện đại mới chuyển từ Hạm đội 7 từ biển lên. Hôm sau trên 1 tờ báo Sài Gòn đăng tít lớn: "Đêm hôm qua, Việt Cộng đã pháo kích tầm xa vào khu vực xưởng Đề pô xe lửa...", thú nhận thiệt hại 17 đầu máy, 2 cần trục hạng nặng. Thắng trận này, ta bẻ gãy kế hoạch vận chuyển quân sự cho mặt trận Trung bộ của Mỹ ngụy vào mùa khô 1968. Đó là trận đặt bom đánh vào nhà đèn Thủ Đức với 3 tiếng nổ lớn khiến cả khu vực mất điện, tạo điều kiện thuận lợi cho ta đưa quân tổng công kích Mậu Thân 1968.

Sau Mậu thân 1968 lực lượng Biệt động Sài Gòn hy sinh gần hết, các cơ sở nội thành bại lộ, bị bao vây bắt bớ, căn cứ tại Củ Chi, Bến Cát phải lùi về Tây Ninh. Cuối 1968 chị Mai vinh dự được bầu chọn tham dự Hội nghị chiến sĩ thi đua toàn Miền. Tại đây, chị được Bà Nguyễn Thị Định tặng cho khẩu K54 và những lời động viên khen ngợi. Về lại trận chiến mới sau Mậu Thân chị Mai tiếp tục bị sa vào tay giặc hai lần nữa, trong đó có một lần bị chỉ điểm nhưng bằng trí thông minh, khôn khéo, lòng gan dạ, quả cảm nên quân thù đã phải "chào thua tên cộng sản cứng đầu".

Nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai.

Lặng lẽ một trang đời

Thoát khỏi tay kẻ thù, trong điều kiện khó khăn nhưng ai cũng quyết tâm chữa trị vết thương cho Mai. Phải gắp, cắt, moi từng miếng thịt rách nát từ sâu trong cửa mình. Chích kháng sinh liều cao, mỗi lần phải đổ cả ống bột penicillin vào sâu trong vết thương. Ròng rã suốt năm trời điều trị vết thương trong người Mai dần dần chữa khỏi. Và điều bất ngờ ít ai nghĩ đến một đồng đội của chị là anh Huỳnh Kiều đã đem lòng yêu thương chị. Trong ngày cưới, không ai giấu nỗi niềm vui, còn chú Tư Chu - Thủ trưởng lực lượng lại nghẹn ngào: "Tao thương bay lắm, mong cho tụi bay có được hạnh phúc". Là phụ nữ, ai mà không muốn làm mẹ, nhưng với chị Mai đó là niềm ao ước.Thế rồi chị đã phải ứa nước mắt khi trời thương đã ban cho chị niềm mong ước đó.

Năm 1974, tình hình chuyển sang thời kỳ mới, ta phản công mạnh mẽ, chiến sự ác liệt, Mai đã phải sinh thiếu tháng với đứa con chỉ 1,7kg. Cả đơn vị ai cũng mừng, cũng hồi hộp, cũng tới dòm bằng được vì sự ra đời của đứa trẻ đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt. Năm 1975 chị Mai lại sinh thêm được một người con nữa.

Sau hòa bình, mẹ chị Mai từ Quảng Nam vào thẳng Sài Gòn tìm con gái. Từ ngày con ra đi đến nay hơn 10 năm hai mẹ con không tin tức. Cuộc chiến tranh với bao gian khổ hy sinh, gặp nhau hai mẹ con nghẹn ngào trong nước mắt. Tham gia công tác trong Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, chị gửi một đứa con nhỏ về quê Đại Lộc, cho mẹ nuôi, một đứa gửi người quen. Rồi đến năm 1979, chị xin ra quân, sinh kế đủ nghề để nuôi con.

Trong chiến tranh, chịu đựng tra tấn dã man, đau thương mất mát, lập nhiều chiến công nhưng hòa bình, trở về đời thường chị vẫn lặng lẽ là một người phụ nữ như bao phụ nữ khác, sống đời tần tảo lam lũ, vất vả sớm khuya. Chị Mai bảo mình cấp Chuẩn úy từ năm 1969, năm 1979 giải ngũ cũng với cấp hàm Chuẩn úy. 10 năm không lên một cấp bậc nào. Chị Mai tâm sự, so với những đồng đội cùng thời đã hy sinh trong chiến đấu, trong nhà tù Mỹ ngụy thì mình là người may mắn.

"Năm 1978 khi còn quân ngũ, Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP Hồ Chí Minh nhắc chị Mai làm hồ sơ phong AHLLVTND, nhưng mình có biết làm hồ sơ đó ra sao. Năm 2007, chú Tư Chu, tức Đại tá, AHLLVTND, Chỉ huy trưởng các lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định cũng đã gọi qua nhà làm hồ sơ để chú đề nghị xét anh hùng, tôi đã làm chú Tư đã xác nhận nhưng hồ sơ vẫn nằm ở Câu lạc bộ biệt động", chị Mai thổ lộ. Giờ đây, điều chị Mai tâm nguyện, hạnh phúc với chị là được sống trong hòa bình.

Võ Văn Trường

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_220523_nu-biet-dong-anh-hung.aspx