Nữ bệnh nhân gout xuất huyết tiêu hóa, suy kiệt vì tự ý điều trị 'bệnh khớp'

Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM đang điều trị cho một nữ bệnh nhân bị gout. Trước đó, bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa khi tự ý mua thuốc điều trị.

Bà N. (57 tuổi, ở Trà Vinh) cho biết, hơn một năm trước, bà bị đau khớp bàn chân. Đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ chẩn đoán bà bị gout. Nghĩ bác sĩ đã chẩn đoán sai, bà tự ý mua thuốc đau khớp về uống. Sau hai ngày dùng thuốc, cảm thấy giảm đau, bà chủ quan không tiếp tục điều trị. Cách đây 4 tháng, bệnh tình của bà N. diễn tiến nặng với triệu chứng đau nóng dữ dội, kéo dài ở các khớp gối, cổ chân và các khớp ngón bàn chân.

Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM trong tình trạng đi tiêu phân đen, ói ra máu và không thể đi đứng. Bác sĩ chẩn đoán bà N. bị gout và bị xuất huyết tiêu hóa do tác dụng phụ của thuốc. Sau khi dùng thuốc đặc trị gout và tái khám theo chỉ định, bệnh tình của bà N. thuyên giảm rõ rệt.

Bệnh nhân bị gout đang được điều trị tại bệnh viện

Bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng Đơn vị Nội Cơ xương khớp cho biết, gout không phải là một bệnh khó điều trị. Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm sẽ giúp điều trị hiệu quả cao, giảm nguy cơ tàn phế. Khi thấy những dấu hiệu sưng, đỏ và đau không đối xứng ở tay, ngón chân cái, mắt cá chân… nên nhanh chóng đến bệnh viện có chuyên khoa nội cơ xương khớp để được chẩn đoán chính xác.

NGUYỄN OANH

Hiện, phòng khám Nội cơ xương khớp Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM có đến có đến 25% phụ nữ bị gout đang điều trị. Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có nguy cơ mắc gout vì những thay đổi về nội tiết tố trong giai đoạn này dẫn đến rối loạn chuyển hóa nhân purin. Triệu chứng gout ở nam và nữ là giống nhau. Thế nhưng đa số nữ giới thường mặc định gout là bệnh của các quý ông nên tự mua thuốc điều trị "bệnh khớp", đặc biệt là những thuốc có chứa corticoids dưới dạng “thuốc nam, thuốc bắc, thảo dược, thuốc gia truyền…”. Đến khi tình trạng bệnh diễn biến nặng gây đau nhức dữ dội hoặc xuất hiện biến chứng do tác dụng phụ của thuốc như xuất huyết tiêu hóa, suy giảm miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng, viêm phổi, xẹp đốt sống.... mới đến bệnh viện, việc điều trị kém hiệu quả, tốn kém nhiều tiền bạc, thời gian. Phụ nữ bị bệnh gout có nhiều khả năng mắc các bệnh khác kèm theo như huyết áp cao, đái tháo đường, bệnh thận và bệnh tim mạch. Điều này có thể làm cho điều trị bệnh gout khó khăn hơn.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nu-benh-nhan-gout-xuat-huyet-tieu-hoa-suy-kiet-vi-tu-y-dieu-tri-benh-khop-10654.html